Những ngày giáp Tết, theo tâm lý chị em đều mong ngóng đến ngày được trở về quê ngoại, thăm nom đấng sinh thành sau một năm trời làm lụng vất vả. Cuộc chiến phân chia về nhà nội mấy ngày, ở nhà ngoại bao lâu trong dịp Tết cũng từ đó mà trở thành đề tài bàn luận không hồi kết trên các diễn đàn mạng xã hội những ngày gần đây.
Đặc biệt, ngay khi dân mạng tìm lại những quy định bảo vệ "quyền được về ngoại" của chị em, phái yếu bày tỏ sự vui mừng qua hàng nghìn lượt bình luận và chia sẻ.
Theo đó, trường hợp chồng cấm không cho vợ về nhà ăn Tết, tùy vào thời gian ngắn hay dài có thể bị phạt cảnh cáo, hoặc phạt tiền từ 100 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng vì vi phạm Nghị định 167 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh lực an ninh, trật tự, chống bạo lực gia đình.
Nếu chồng thường xuyên gây đau đớn tinh thần đối với vợ (ở đây có thể cấm vợ về nhà mẹ đẻ ăn Tết trong nhiều năm liền) có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Ăn Tết nhà nội hay ngoại lâu nay vẫn luôn là đề tài nhức đầu của mỗi gia đình vào dịp cuối năm. (Ảnh minh hoạ)
Bình luận trước những quy định bảo vệ quyền lợi của chị em, tài khoản Thu Hà viết: "Có quy định rồi thì chị em cứ thế thực hiện thôi. Nhiều ông chồng đến giờ vẫn gia trưởng lắm, chỉ thích vợ quanh quẩn bếp núc ở nhà mấy ngày Tết để phục vụ khách, không thích cho về ngoại đâu".
"Nhà mình đây, chẳng cần phải Tết, ngày thường cuối tuần mà về ngoại còn khó dù cách nhau chưa đến chục cây số. Cho con về ông bà ngoại chơi thôi mà cũng mặt nặng mày nhẹ, khó chịu lắm. Hôm nay về phải mở ngay quy định này cho ông chồng xem mới được", chị Nguyễn Thị Hạnh bày tỏ.
"Có quy định hay thế này mà giờ mình mới biết, Tết năm nay về ngoại thôi chị em ơi, chần chừ gì nữa", tài khoản Phương Hà thể hiện rõ sự vui mừng.
"Tuyệt vời! Quy định hợp lý nhất mà mình từng biết từ trước đến nay!", tài khoản Phương Anh chia sẻ ngắn gọn.
Bên cạnh những bình luận thể hiện sự vui mừng của chị em phụ nữ, nhiều người lại băn khoăn cho rằng quy định là vậy nhưng chưa chắc có thể áp dụng cứng nhắc vào thực tế và quan trọng là mỗi người chồng phải thấu hiểu nỗi niềm của vợ mình.
"Răn đe cũng tốt nhưng vẫn không quan trọng bằng việc các ông chồng tự nhận thức được nỗi niềm của chị em", tài khoản Ngân Khánh bình luận.
"Nhiều khi phụ nữ chỉ cần đàn ông bên cạnh, thấu hiểu mong muốn của họ chút thôi. Ví dụ như ngày Tết, con nào chẳng muốn qua thăm bố mẹ, chúc Tết rồi tranh thủ tâm sự chuyện 1 năm vất vả. Nhiều gia đình có cơ hội thăm bố mẹ nội ngoại thường xuyên thì chẳng nói, gia đình nào người Bắc, kẻ Nam rồi cả năm chắc đoàn tụ được 1,2 lần thì sao. Các ông chồng nên thông cảm và nghĩ đến vợ mình hơn một chút", tài khoản Vương Linh nhắn nhủ.
Ngoài những chia sẻ của hội chị em, cánh đàn ông cũng bình luận không kém sôi nổi:
"Chẳng biết các anh thế nào, chứ năm nào tôi cũng đưa vợ con về ngoại ăn Tết từ mùng 3 đến hết Tết. Cả năm có cái Tết, chia đôi nội ngoại mỗi bên một nửa!", anh Xuân Hiếu bình luận.
"Thời này làm gì có chuyện cấm vợ về ngoại ăn Tết. Có điều phụ nữ đi lấy chồng rồi thì phải lo Tết nhất nhà chồng. Xong xuôi ngày mùng 1, mùng 2 về ngoại có sao đâu", tài khoản Hưng Long viết.
"Vợ chồng tôi làm công nhân trong TP.HCM, quê nội quê ngoại đều ngoài Bắc hết, giờ nhẩm tính tiền vé cả nhà về quê bằng đúng cả tháng lương, chưa kể quà cáp, biếu xén. Thôi, chỉ mong vợ hiểu, chứ lại hậm hực mang quy định ra thì tôi chỉ còn biết nộp phạt", anh Thắng Hoàng nêu thực trạng.
Nghị định 167 năm 2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình
Hành vi cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Cấm thành viên gia đình ra khỏi nhà, ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, bạn bè hoặc có các mối quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh nhằm mục đích cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý đối với thành viên đó;
b) Không cho thành viên gia đình thực hiện quyền làm việc;
c) Không cho thành viên gia đình tham gia các hoạt động xã hội hợp pháp, lành mạnh.
Tại Bộ Luật hình sự, Điều 185 về Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình
1. Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;
b) Đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo.