Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chỉ còn 2 năm để cứu Trái đất, cách nào?

(VTC News) -

Liên hợp quốc cảnh báo chỉ còn 2 năm để cứu Trái đất, nhưng với những tác động cực đoan của biến đổi khí hậu, liệu chúng ta có kịp hành động?

“Chúng ta có cứu được Trái đất trước mối đe dọa biến đổi khí hậu trong 2 năm tới hay không? Câu trả lời là rất khó. Lượng khí nhà kính được phát thải vào khí quyển vẫn còn đó, và chưa có dấu hiệu suy giảm trong những năm gần đây, dẫn đến bầu khí quyển tiếp tục nóng lên.

Các hệ lụy của biến đổi khí hậu đang và tiếp tục xảy ra với nhiều tác động cực đoan của thiên tai như nắng nóng, hạn hán, cháy rừng, mưa lớn, bão, lũ… không theo quy luật ở mọi khu vực trên thế giới.

Việc chúng ta cần làm lúc này là cùng nhau hành động để ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu trở nên tồi tệ hơn. Chúng ta có thể hành động để giảm thiểu những tác nhân gây biến đổi khí hậu do con người như giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, hạn chế gây ô nhiễm môi trường, hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch, tiết kiệm năng lượng, sống xanh…".

Đó là nhận định của TS Vũ Văn Thăng (Giám đốc Trung tâm Khí tượng Khí hậu - Viện Khoa học Khí tượng thuỷ văn và biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường) khi đề cập đến lời cảnh báo của ông Simon Stiell - Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC).

Trước đó, phát biểu tại tổ chức phi chính phủ Chatham House ở London (Anh), ông Simon Stiell cảnh báo, khoảng thời gian 2 năm tới có ý nghĩa quyết định trong nỗ lực cứu Trái đất trước mối đe dọa biến đổi khí hậu hiện nay.

Hơn 1 thập kỷ gần đây được ghi nhận là nóng nhất lịch sử, các kỷ lục nhiệt độ và cực đoan khí hậu năm sau cao hơn năm trước. Trong ảnh là một vụ cháy rừng ở Foresthill, bang California (Mỹ). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thập kỷ nóng nhất lịch sử

Theo TS Thăng, thời gian vừa qua liên tiếp các kỷ lục về nhiệt độ toàn cầu bị phá vỡ. Nắng nóng kỷ lục, bão, lũ lụt, thời tiết dị thường ở nhiều nơi trên thế giới.

Thực tế cho thấy, hơn 1 thập kỷ gần đây là thập kỷ nóng nhất lịch sử từng ghi nhận, các kỷ lục nhiệt độ và cực đoan khí hậu năm sau cao hơn năm trước.

Theo báo cáo gần đây nhất của Cơ quan giám sát biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) đầu tháng 4/2024, thế giới vừa trải qua tháng 3 nóng nhất trong lịch sử, đánh dấu chuỗi 10 tháng liên tiếp lập kỷ lục nhiệt độ mới.

Cũng theo bản tin hàng tháng, Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus (C3S) của EU thông báo, mỗi tháng trong 10 tháng vừa qua đều được xếp là tháng nóng nhất thế giới so với tháng tương ứng trong những năm trước. 

Năm kết thúc vào tháng 3 vừa qua (tháng 3/2023 đến tháng 3/2024) cũng được xếp là năm nóng nhất từng được ghi nhận trên hành tinh.

Từ tháng 4/2023 đến tháng 3/2024, nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn 1,58 độ C so với mức trung bình của thời kỳ tiền công nghiệp 1850-1900.

Báo cáo đánh giá biến đổi khí hậu lần thứ 6 (AR6) của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) năm 2021 chỉ ra những điểm đáng lo ngại về biến đổi khí hậu. Cụ thể, thời tiết cực đoan đang diễn ra ở mọi nơi trên Trái đất, bầu khí quyển và biển đang nóng lên với tốc độ chưa từng có trong lịch sử và có những hậu quả không thể đảo ngược.

Theo báo cáo mới nhất của IPCC AR6 thì thập kỉ 2011-2020 đã tăng 1,1 C độ so với thời kì kỳ tiền công nghiệp 1850-1900. Dự báo nhiệt độ trung bình sẽ tăng lên 1,5 độ C trong giai đoạn 2021-2040.

Nền nhiệt trung bình của thế giới trong năm 2023 ấm hơn 1,48 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp 1850-1900. (Ảnh: Reuters) 

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Nắng nóng kỷ lục nhiều nơi ở miền Bắc, mưa lớn gây gây trượt lở đất nhiều nơi ở Bắc Bộ, Tây Nguyên, sạt lở bờ sông, bờ biển ở khu vực Nam Bộ.

Trong năm 2020, cả nước có 16/22 loại hình thiên tai, với 14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ); 120 trận lũ quét, sạt lở đất; 90 trận động đất; 265 trận dông, lốc, sét... làm 357 người chết và mất tích, tổng thiệt hại trên 39.962 tỷ đồng.

Năm 2021, cả nước có 18/22 loại hình thiên tai với 12 cơn bão và ATNĐ trên Biển Đông; 258 trận dông, lốc, mưa lớn; 310 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; 191 vụ sạt lở bờ sông, bờ biển; 14 đợt gió mạnh, sóng lớn trên biển và 2 đợt nắng nóng diện rộng. Thiên tai năm 2021 làm 108 người chết, mất tích, 95 người bị thương; ước tính thiệt hại hơn 5.200 tỷ đồng.

Năm 2022, cả nước xảy ra 21/22 loại hình thiên tai (trừ sóng thần), với 9 cơn bão và ATNĐ trên Biển Đông. Mưa lớn kéo dài ở miền Bắc gây sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, ngập lụt đô thị, khu công nghiệp (tháng 4,5,6).

Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Trong ảnh là trận lũ ống kinh hoàng càn quét qua Kỳ Sơn, Nghệ An hồi tháng 10/2022, cuốn trôi nhiều nhà dân, ô tô. (Ảnh: Trần Lộc)

Cũng trong năm này, tại miền Trung, liên tiếp 3 cơn bão đổ bộ và mưa lũ sau bão gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Trong đó, bão số 4 (Noru) đạt cường độ mạnh nhất, cấp 14-15, giật cấp 17, gần đạt cấp siêu bão trên Biển Đông, ngày 28/9 đã gây mưa rất lớn tại các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ và từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi, riêng Nghệ An mưa rất lớn đạt 300-500mm.

Cùng với đó, mưa lớn sau bão số 5 gây lũ trên báo động 3 trên các sông từ Quảng Bình – Thừa Thiên Huế; ngập lụt đặc biệt nghiêm trọng, có nơi tới 1,5-2m tại Đà Nẵng. Triều cường, kết hợp gió mạnh trên biển gây sóng lớn 1,5-2m tại khu vực biển Tây gây tràn và sạt lở đê biển Tây, tỉnh Cà Mau. Nhiều trận động đất xảy ra liên tiếp trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum…

Thiên tai năm 2022 làm 175 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế gần 19.500 tỷ đồng.

Trong năm 2023, cả nước xảy ra 21/22 loại hình thiên tai với 5 cơn bão và 3 ATNĐ trên Biển Đông; 179 trận mưa lớn, ngập lụt, lũ, lũ quét, sạt lở đất; 87 trận dông lốc, sét, mưa đá; 342 vụ sạt lở bờ sông, bờ biển; 334 trận động đất; 20 đợt nắng nóng diện rộng, nhiều nơi có nhiệt độ vượt lịch sử, trong đó nhiệt độ 44,2 độ C tại Tương Dương (Nghệ An) vào 7/5/2023 thiết lập kỷ lục mới cho Việt Nam. Thiên tai làm 169 người chết và mất tích, thiệt hại khoảng 8.236 tỷ đồng.

Các giải pháp nhằm hạn chế biến đổi khí hậu

Giám đốc Trung tâm Khí tượng Khí hậu - Viện Khoa học Khí tượng thuỷ văn và biến đổi khí hậu cho rằng, lời cảnh báo "chỉ còn 2 năm để cứu Trái đất" của ông Simon Stiell như một thông điệp, cũng là lời kêu gọi hành động, rằng thế giới cần đẩy nhanh tiến độ giảm phát thải khí nhà kính bằng các chiến lược quốc gia mạnh mẽ hơn, nhằm ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu trở nên tồi tệ hơn.

 

Theo TS Vũ Văn Thăng, biến đổi khí hậu đến từ 2 nguyên nhân chính là tự nhiên và do con người.

Nguyên nhân tự nhiên bao gồm các hoạt động của Mặt trời, phun trào núi lửa, biến động tự nhiên của các dòng hải lưu. Những yếu tố tự nhiên này là một phần của hệ thống khí hậu động và phức tạp của Trái đất, và chúng đã gây ra các thay đổi khí hậu trong quá khứ trước cả khi có sự ảnh hưởng của con người.

Một nguyên nhân khác là do con người. Hoạt động của con người, đặc biệt là việc phát thải khí nhà kính, là nguyên nhân chủ yếu gây ra biến đổi khí hậu.

“Báo cáo tổng hợp mới nhất AR6 của IPCC năm 2021 khẳng định rằng, nguyên nhân chính của biến đổi khí hậu là do hoạt động của con người trên toàn cầu, gây gia tăng phát thải các khí nhà kính trong khí quyển, làm mất cân bằng bức xạ của hệ khí quyển – Trái đất.

Khi khí nhà kính bao phủ Trái đất, chúng sẽ hấp thụ lượng nhiệt từ bức xạ Mặt trời trong khí quyển, từ đó dẫn đến tình trạng nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu.

Thế giới đang nóng lên từng ngày với tốc độ nhanh hơn mọi thời điểm từng ghi nhận trong lịch sử, trong khi các nỗ lực gần đây để giảm mức phát thải chưa đạt được nhiều kết quả", ông Thăng thông tin.

Từ thực tế đó, ông Thăng nêu hàng loạt các giải pháp cụ thể nhằm hạn chế biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Theo đó, các giải pháp hiện nay về nguyên tắc cần phải bao gồm cả giải pháp dựa vào tự nhiên (hệ sinh thái) và giải pháp công nghệ. Đó là sự kết hợp một cách có trách nhiệm với hiểu biết đầy đủ về lợi ích, hiệu quả và rủi ro của các giải pháp, đảm bảo công bằng đối với các nhóm đối tượng và vùng miền.

 Mùa hè 2023, lòng hồ thuỷ điện Sơn La đoạn qua tỉnh Điện Biên cạn trơ đáy ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc mưu sinh của người dân. (Ảnh: Quốc Anh)

Các giải pháp có hệ thống, căn cơ và đồng bộ, có lộ trình, và đặc biệt cần sự vào cuộc của cả các cấp cơ quan, cộng đồng, doanh nghiệp.

“Việc tham gia các cam kết toàn cầu về biến đổi khí hậu tạo điều kiện cho Việt Nam có thể tiếp cận các nguồn lực về tài chính và công nghệ hiện đại từ các quốc gia phát triển.

Phát triển và ứng dụng công nghệ sạch, hiện đại, ít phát thải, tiết kiệm năng lượng. Phát triển nghiên cứu khoa học đổi mới sáng tạo trong giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu trong mọi lĩnh vực. Chuyển đổi năng lượng theo hướng sử dụng năng lượng tái tạo”, TS Vũ Văn Thăng nêu giải pháp.

Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng carbon thấp, xanh, bền vững và kinh tế tuần hoàn, bao gồm bảo vệ và tái tạo rừng, canh tác và sản xuất ít tiêu hao nguyên liệu, nhưng phát thải thấp.

Cùng với đó là việc tăng cường ý thức về biến đổi khí hậu và giáo dục về các biện pháp cá nhân và cộng đồng có thể hỗ trợ việc thực hiện các giải pháp hạn chế.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Trung tâm Khí tượng Khí hậu - Viện Khoa học Khí tượng thuỷ văn và biến đổi khí hậu, diễn biến của biến đổi khí hậu tiếp tục nhanh và khó lường, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội. Do vậy cần phải có những cập nhật liên tục của kịch bản biến đổi khí hậu theo những kịch bản phát thải khí nhà kính mới nhất của IPCC.

Hiện nay, Viện Khoa học Khí tượng thuỷ văn và biến đổi khí hậu đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao chủ trì xây dựng, cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu theo các kịch bản phát thải SSPs của báo cáo AR6 của IPCC (2022), dự kiến phát hành vào năm 2025.

Những nhận định gần đây cho thấy, nhiều khả năng các hiện tượng thời tiết cực đoan có những thay đổi về tần suất và cường độ, sẽ có những gia tăng đáng kể theo các ngưỡng khác nhau.

Ví dụ: có những tính toán cho thấy nắng nóng theo chu kỳ 10 năm có thể xảy ra với tần suất cao hơn 4,1 lần; 5,6 lần và 9,4 lần nếu nhiệt độ tăng ở các ngưỡng 1,5; 2 và 4 độ C.

Cụ thể, nắng nóng, nhiệt độ cao, kỷ lục nhiệt độ cao có xu thế gia tăng vào mùa hè; hạn hán – xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng hơn vào mùa khô; mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt đô thị xảy ra thường xuyên vào mùa mưa; bão và ATND, bão mạnh xu thế tăng, quỹ đạo bão xu hướng phức tạp.

Nguyễn Huệ

Tin mới