Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chỉ cần dùng cách này, bé mê điện thoại đến mấy cũng sẽ tự nguyện giao nộp

Vấn nạn trẻ “nghiện điện thoại” đang ngày càng trở nên phổ biến và gây ra những hệ lụy khó lường, vậy làm sao để kéo con bạn rời khỏi chiếc điện thoại mà không cần phải quát mắng, ép buộc hay khiến con gào khóc, ăn vạ?

Sự bùng nổ của khoa học công nghệ khiến các thiết bị thông minh như điện thoại, máy tính bảng… trở nên vô cùng phổ biến. Điều này đang đẩy những đứa trẻ rời xa các hoạt động ngoài trời để tự biến mình thành “con nghiện smartphone”. Một khi đã “nghiện” thì rất khó để có thể kéo con ra khỏi sức hút của những thiết bị điện tử này. Cuộc chiến “cai nghiện” smartphone thực sự trở nên khó khăn và khiến không ít các phụ huynh phải bất lực, còn các bé thì sẵn sàng “nổi trận lôi đình” khi bị lấy đi điện thoại hay máy tính bảng.

Ngày nay smartphone, máy tính bảng trở nên rất quen thuộc với trẻ (Ảnh minh họa)

Có lẽ khi đọc đoạn hội thoại dưới đây bạn sẽ cảm thấy vô cùng quen thuộc:

Mẹ: Đến giờ ăn cơm rồi, tắt điện thoại rửa rồi đi ăn thôi con.

Con: Cho con xem thêm 5 phút nữa thôi mà mẹ.

Mẹ:…

Mẹ: Hết 5 phút rồi đó, con vẫn chưa tắt điện thoại sao?

Con: (Vẫn cố dán mắt vào màn hình điện thoại).

Sau đó người mẹ sẽ lập tức chạy đến, giằng lấy chiếc điện thoại, tắt đi và bắt đầu mắng mỏ con. Kết quả là đứa trẻ khóc toáng lên, lăn ra ăn vạ và không chịu ăn cơm. Vậy là suốt bữa cơm chỉ có những lời cằn nhằn của mẹ, nước mắt của con và không có ai được vui vẻ cả.

Tình huống này đã lặp đi lặp lại rất nhiều lần mỗi khi bà mẹ Anita Lehmann muốn con tắt tivi hay dừng chơi điện thoại. Nhưng sau nhiều lần như vậy, cô nhận ra rằng cách xử lý của mình thật sai lầm, bởi làm như vậy chỉ khiến con trở nên cáu gắt, bướng bỉnh và khó nghe lời hơn. Cô nghĩ rằng, tại sao mình cứ phải hét lên rồi bất ngờ giằng lấy chiếc điện thoại khiến con bị sốc và hụt hẫng khi đang đắm chìm trong thú vui của mình?

Anita muốn tìm ra cách nào đó có thể lấy chiếc điện thoại khỏi tay con mà không khiến bé gào khóc và cáu gắt. Cô được một người bạn giới thiệu về mẹo nhỏ của Isabella Filliozat – một nhà tâm lý học lâm sàng, chuyên nghiên cứu các phương pháp nuôi con nhẹ nhàng.

Video: 'Con nghiện điện thoại' bò lên sân khấu để sạc pin 

Làm sao để lấy điện thoại khỏi tay con mà không có tiếng khóc?

Chuyên gia tâm lý Isabelle đã gợi ý cho các bậc phụ huynh một phương pháp để giúp con rời tay khỏi smartphone mà không hề cáu gắt hay ăn vạ.

Trước hết bố mẹ cần hiểu được tâm lý của trẻ. Hãy đặt mình vào hoàn cảnh tương tự, nếu bạn đang xem một bộ phim hay một trận bóng hoặc một chương trình tivi yêu thích nào đó nhưng đúng đến đoạn gay cấn nhất thì ai đó rút “phụt” phích cắm tivi ra. Chắc hẳn bạn sẽ vô cùng bực tức và nổi cáu. Vậy thì với một đứa trẻ, khả năng kiềm chế rất thấp, khi đột ngột bị giật ra khỏi chiếc điện thoại cảm giác của con chắc chắn là “khủng khiếp”.

Đột ngột bị "tước đoạt" thú vui của mình, trẻ thường nổi cáu và ăn vạ (Ảnh minh họa)

Chuyên gia lý giải rằng, khi trẻ xem hoặc chơi trên smartphone, bộ não sẽ sản sinh ra dopamine, một loại chất dẫn truyền thần kinh giúp làm giảm sự căng thẳng và đau đớn. Khi cảm giác này bị dừng đột ngột, mức dopamine sẽ giảm nhanh chóng và không có sự chuẩn bị, gây ra cảm giác hụt hẫng và đau trong cơ thể. Chính vì lý do đó mà trẻ khóc thét lên.

Mặc dù các bậc phụ huynh có thể nói rằng đã báo trước 5 đến 10 phút rồi nhưng trên thực tế, trẻ chỉ coi câu thông báo đó như “gió thổi qua tai” và không hề để ý đến vì còn đang mải đắm chìm trong thế giới riêng của mình. Đến khi đột ngột bị giật điện thoại đi, bé vẫn cảm thấy bất ngờ như chưa hề được báo trước. Sau đó lại phải nghe thêm những lời mắng của mẹ, con càng thêm “đau lòng”.

Vậy mẹ nên làm gì?

Đừng bao giờ đột ngột “cướp” đi chiếc smartphone khỏi tay con, mà hãy cho con sự chuẩn bị tâm lý bằng cách đi đến gần con và chuyện trò với bé vài câu về thứ con đang xem hoặc đang chơi. Chẳng hạn như “Con đang xem gì mà chăm chú vậy?”, “Nhân vật này là người xấu hay người tốt”, “Con chơi đến bàn bao nhiêu rồi?”…

Những câu hỏi như vậy con sẽ rất thích thú và chắc chắn sẽ trả lời bạn. Khi đó trẻ đã bắt đầu có sự phân tâm khỏi màn hình. Sau vài câu hỏi thăm như vậy, bạn mới bắt đầu nhẹ nhàng nhắc nhở con đến giờ ăn cơm, đi tắm, học bài… rồi. Như vậy mọi thứ sẽ nhẹ nhàng và bình yên hơn rất nhiều. Bằng cách này trẻ cũng không phải chịu sự tổn thương về tâm lý mà phải khóc lóc hoặc ăn vạ. Sự kiên nhẫn và bình tĩnh luôn là chìa khóa vàng giúp mẹ dạy con không nước mắt và đòn roi.

N.Q

Tin mới