Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chênh lệch giá mua - bán vàng lớn chưa từng có, người 'ôm' không dám thoát hàng

(VTC News) -

Chiều 28/12, giá vàng đột ngột giảm mạnh, chênh lệch mua - bán cao nhất lên tới 5,5 triệu đồng/lượng, nhiều nhà đầu tư dừng mọi hoạt động giao dịch để tránh rủi ro.

Anh Trần Văn Minh (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ, thấy giá vàng đang vào đà tăng mạnh nên thời điểm giá đang rất cao ở mức 77 triệu đồng/lượng, anh vẫn quyết định mua vào, kỳ vọng giá tăng tiếp sẽ bán chốt lời.

Quả thật, anh Minh đã có lúc lãi mạnh khi giá vàng vọt lên đỉnh cao nhất hơn 80 triệu đồng (giá bán). Nếu bán ra lúc đó, anh sẽ được hưởng giá mua thời điểm đó của các cửa hàng là khoảng 79 triệu đồng/lượng, lãi tới 2 triệu đồng/lượng. 

Mặc dù vậy, anh vẫn cố giữ vì thấy giá thế giới đang trong xu hướng lên, khả năng tăng của giá vàng trong nước vẫn còn. "Kể cả giá có giảm thì cũng không thể quay đầu nhanh từ mốc cao 80,3 triệu đồng/lượng được. Khoảng cách với giá mà tôi mua khá an toàn nên tôi nghĩ khi nào có dấu hiệu đảo chiều thì bán sau cũng không muộn", anh Minh nói. 

Tuy nhiên, điều anh Minh lo lắng đã xảy ra, đến đầu giờ chiều 28/12, giá vàng đột ngột giảm. Nắm được thông tin, anh Minh nhanh chóng mang vàng đi bán, hy vọng vẫn chốt được lời. Nhưng, anh Minh không thể ngờ là không chỉ lao dốc, giá mua - bán vàng còn bị nới rộng ra đến mốc kỷ lục, chênh nhau đến 4 - 5,5 triệu đồng/lượng.

"Điều này khiến những ai bán vàng lúc này chỉ có thể ôm lỗ nặng. Và tất nhiên tôi không dại gì thoát hàng lúc này, đành chờ thị trường ổn định mới tính tiếp", anh Minh buồn bã nói khi "lướt sóng" vàng không thành công.

Chênh lệch giá vàng cao kỷ lục, nhà đầu tư đối diện nhiều rủi ro. (Ảnh minh họa: Công Hiếu).

Không chỉ anh Minh mà rất nhiều người mạo hiểm "đu đỉnh" giá vàng trước đó đã lỗ nặng vì giá không chỉ giảm quá nhanh mà khoảng cách chênh lệch mua - bán cũng quá lớn khiến nhiều tính toán trước đó bị chệch hướng.

"Tôi không bao giờ nghĩ khoảng cách mua - bán có thể lên tới vài triệu đồng/lượng nên giờ trở tay không kịp", chị Nguyễn Thị Loan (Hà Đông, Hà Nội) nói.

Chị mua vàng lúc 77 triệu đồng/lượng. Bây giờ, nếu bán ra, chị chỉ được hưởng giá 74,5 triệu đồng/lượng. Như vậy, mỗi lượng vàng chị lỗ tới 2,5 triệu đồng.

Giá vàng chiều 28/12 đã liên tiếp giảm sốc, có lúc giảm tới 4 triệu đồng/lượng so với giá cao nhất buổi sáng và chênh lệch giữa mua và bán lên tới 5,5 triệu đồng/lượng. Đây là mức chênh lệch chưa từng có từ trước đến nay.

Đến cuối giờ chiều, giá vàng hồi phục đôi chút nhưng vẫn giữ mức chênh lệch rất cao. Cụ thể, chốt ngày 28/12, giá vàng được SJC niêm yết ở mức 74,5 - 77,5 triệu đồng/lượng. Khoảng cách giữa giá mua và giá bán là 3 triệu đồng/lượng.

Các chuyên gia cho rằng, thông thường  chênh lệch giá mua - bán vàng từ 300.000 - 400.000 đồng/lượng là bình thường. Khi tăng lên cao hơn mức đó thì khách hàng sẽ đối diện với nhiều rủi ro là mua đắt nhưng bán rẻ.

Trên thế giới, khoảng cách mua vào - bán ra khi giao dịch vàng trên sàn chỉ là 1 USD (tương đương hơn 23.000 đồng). Tại Việt Nam, hiện vẫn chưa có sàn giao dịch vàng. Vì thế, giá mua - bán cùng khoảng cách chênh lệch đều do từng đơn vị kinh doanh vàng điều chỉnh.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nói: "Chênh lệch quá cao có nghĩa các đơn vị kinh doanh vàng đang đẩy rủi ro cho người mua vàng. Khi nhà đầu tư quyết định mua vàng sẽ phải mua với giá cao, nhưng khi bán lại cho các đơn vị này lại phải giao dịch với giá thấp".

Giá vàng giảm đột ngột ngay sau chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Công điện số 1426 về các giải pháp quản lý thị trường vàng.

Công điện nêu, thời gian vừa qua, thị trường vàng thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, giá vàng trong nước biến động mạnh, tăng nhanh, tác động tiêu cực đến an toàn thị trường tài chính, tiền tệ và tâm lý xã hội.

Để ổn định và phát triển thị trường vàng an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới và trong nước để khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp theo quy định để bình ổn thị trường vàng.

"Chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó với biến động của giá vàng thế giới và trong nước để sẵn sàng các biện pháp xử lý, sử dụng các công cụ theo thẩm quyền phù hợp, hiệu quả, kịp thời, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, dứt khoát không để tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia", chỉ đạo của Thủ tướng tới Ngân hàng Nhà nước.

Thủ tướng cũng lưu ý việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật, nhất là các hành vi buôn lậu, trục lợi, đầu cơ, thao túng, lợi dụng chính sách đẩy giá của các tổ chức, cá nhân…gây mất ổn định, an toàn thị trường vàng.

Sau chỉ đạo của Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước cũng phát đi thông báo về việc quản lý thị trường vàng. Cơ quan này cho biết sẽ trình báo cáo tổng kết Nghị định 24, trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định quản lý thị trường vàng để phù hợp với bối cảnh mới của thị trường.

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước nhận định, thị trường vàng miếng SJC thời gian qua nhìn chung không biến động bất thường, không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua vàng khi giá vàng tăng cao như giai đoạn trước đây. Nguyên nhân khiến giá vàng miếng SJC trong nước tăng mạnh trong những ngày vừa qua chủ yếu do yếu tố tâm lý trước đà tăng liên tục của giá vàng quốc tế. Do vậy, trong những ngày giá vàng quốc tế biến động tăng mạnh, giá vàng miếng SJC trong nước thường tăng với tốc độ nhanh hơn.

Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường vàng, chuẩn bị sẵn sàng để triển khai phương án can thiệp bình ổn thị trường vàng. 

Trước diễn biến phức tạp, khó lường của thị trường vàng quốc tế và trong nước, Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người dân nên thận trọng trong giao dịch vàng.

Ngọc Vy

Tin mới