Theo truyền thông Nhật, nghi phạm, một người đàn ông 41 tuổi không rõ danh tính, không làm việc cho hãng phim, đã hét lên rằng anh ta bị đạo ý tưởng và dường như đã lên kế hoạch cho vụ tấn công.
Một người phụ nữ nhìn thấy nghi phạm bị bắt giữ nói với các phóng viên rằng "anh ta dường như rất bất mãn, tức giận, hét lên một cái gì đó về việc anh ta bị đạo ý tưởng".
(Ảnh: Kyodo News)
Các báo cáo khác nói rằng người đàn ông hét "các người đã cướp của tôi" trước khi đốt tòa nhà.
Những người sống sót nói rằng nghi phạm đã hét lên "chết đi" khi tưới một chất lỏng không xác định (được cho là xăng) vào xưởng phim. Một số người sống sót bị dính chất lỏng này. Nghi phạm cũng bị thương trong vụ tấn công và đang được điều trị tại bệnh viện.
Địa điểm xảy ra vụ tấn công (chấm đỏ). (Ảnh: The Guardian)
Cảnh quay từ truyền hình Nhật NHK cũng cho thấy cảnh sát thu được dao nhọn từ hiện trường, mặc dù không rõ liệu chúng có thuộc về nghi phạm hay không.
Trước đó, Hideaki Hatta, Giám đốc điều hành của Kyoto Animation, cho biết công ty đã nhận được email có chứa các nội dung dọa dẫm chết chóc, nhưng không rõ liệu chúng có liên quan đến vụ tấn công. "Thư được gửi đến văn phòng và bộ phận bán hàng của chúng tôi và bảo chúng tôi chết đi", ông nói. "Tôi rất đau khổ. Thật không thể chịu nổi khi những người mang trên mình ngành công nghiệp hoạt hình Nhật Bản bị tổn thương và mất mạng theo cách này."
Nơi bắt đầu vụ hỏa hoạn dường như từ gần cửa trước với một loại chất lỏng dễ cháy, cảnh sát cho biết, buộc mọi người phải leo lên cầu thang lên mái nhà. Trong số 33 thi thể được nhân viên cứu hỏa tìm thấy, 20 người ở tầng ba và một số ở cầu thang, quan chức cứu hỏa ở Kyoto, Kazuhiro Hayashi nói. Hai người được tìm thấy đã chết ở tầng một, 11 người khác ở tầng hai.
Tòa nhà có một cầu thang xoắn ốc có thể cho phép ngọn lửa và khói bốc lên nhanh chóng trên tầng cao nhất, đài truyền hình NHK lưu ý. Yuji Hasemi, một chuyên gia về hỏa hoạn tại Đại học Waseda, nói với NHK rằng các bản vẽ giấy và các tài liệu khác trong xưởng phim cũng có thể đã góp phần vào sự lan truyền nhanh chóng của đám cháy.
Khi vụ việc xảy ra, có khoảng 70 người đang làm việc trong tòa nhà 3 tầng. Phần lớn các nạn nhân là nhân viên Kyoto Animation.
Kyoto Animation, được biết đến với cái tên KyoAni, được thành lập năm 1981 với tư cách là một xưởng sản xuất phim hoạt hình và truyện tranh. Các tác phẩm đình đám của họ bao gồm Lucky Star năm 2008, K-On! vào năm 2011 và Haruhi Suzumiya vào năm 2009. Công ty không có sự hiện diện lớn bên ngoài Nhật Bản, mặc dù họ được thuê để làm phần hoạt hình Pokemon năm 1998 xuất hiện trong các rạp chiếu phim Mỹ và video Winnie the Pooh.
Một người đàn ông đặt hoa bên ngoài hiện trường vụ cháy. (Ảnh: Kim Kyung-Hoon/Reuters)
Kyoto Animation có tiếng là đối xử tốt với nhân viên của mình trong một ngành công nghiệp với điều kiện làm việc khắc nghiệt, thời gian làm việc dài và đối với các nhà làm phim hoạt hình trẻ tuổi, lương rất thấp.
Sự phát triển của hoạt hình (anime) trên toàn thế giới và nhu cầu nội dung tăng từ các nền tảng phát trực tuyến như Netflix đã gây áp lực lớn hơn cho các hãng phim vào thời điểm Nhật Bản đang thiếu hụt lao động nghiêm trọng. Hầu hết các hãng phim đã được đặt trước với các dự án lên đến hai năm.
Nhiều họa sĩ hoạt hình được trả tiền trên mỗi khung hình và thời hạn sít sao khiến công việc của họ trở nên mệt mỏi và không thể tránh khỏi việc làm thêm kéo dài nhiều giờ. Kyoto Animation ở ngoài xu hướng này bằng cách cho các nhà làm phim hoạt hình của mình là nhân viên toàn thời gian. Điều này cho phép họ dành nhiều thời gian hơn cho mỗi hình ảnh và tạo ra anime chất lượng cao.
Tội phạm bạo lực là rất hiếm ở Nhật Bản, nhưng vẫn được biết đến. Vào tháng 7/2016, một vụ đâm hàng loạt tại nhà tình thương của một cựu nhân viên đã giết chết 16 người và làm bị thương nhiều người khác. Vào tháng 9/2001, một vụ hỏa hoạn tại một tòa nhà ở quận giải trí Kabukicho ở trung tâm Tokyo đã giết chết 44 người, nghi do phóng hỏa, nhưng không ai bị buộc tội, khiến cho vụ tấn công ở Kyoto Animation có thể là vụ giết người hàng loạt tồi tệ nhất trong lịch sử Nhật Bản hậu chiến.