Thời điểm hiện tại, dư âm vụ cháy quán karaoke tại Bình Dương khiến 32 người chết vẫn khiến dư luận cả nước bàng hoàng. Điều đáng nói, đây không phải lần đầu tiên xảy ra các vụ hỏa hoạn tại quán karaoke, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Phải chăng, công tác kiểm tra, quản lý phòng cháy chữa cháy đang “có vấn đề”?
Cảnh sát phòng cháy chữa cháy đục tường, xử lý khói để tìm kiếm nạn nhân vụ cháy quán karaoke An Phú (TP Thuận An, Bình Dương).
Cần làm rõ trách nhiệm
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - cho rằng, cùng chủ cơ sở kinh doanh, cơ quan Phòng cháy chữa cháy cũng phải chịu trách nhiệm khi xảy ra cháy nổ tại quán karaoke.
Theo ông Hòa, quán karaoke là loại hình kinh doanh có điều kiện. Một trong những vấn đề cực kỳ quan trọng để được cấp phép kinh doanh là có Giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy do Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy cấp.
“Để cấp Giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy, cơ quan Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy phải xem xét, xác minh, kiểm tra rất kỹ lưỡng. Sau khi cấp thì đến giai đoạn hậu kiểm, đó là kiểm tra, giám sát thường xuyên vấn đề phòng cháy chữa cháy của quán karaoke. Nếu không đạt yêu cầu, sai phạm thì phải lập biên bản xử lý hành chính, nặng hơn là yêu cầu cơ quan liên ngành tước giấy phép kinh doanh”, ông Hoà nói.
dai bieu quoc hoi pham van hoa.jpg
Anh cấp phép cho người ta mà nói không có trách nhiệm là không đúng.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà
Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhận định, trách nhiệm của cơ quan Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy rất lớn, chứ không phải chỉ cơ sở kinh doanh có lỗi.
“Anh cấp phép cho người ta mà nói không có trách nhiệm là không đúng. Khi cháy, đến dập lửa là nhiệm vụ của anh nhưng trước đó có kiểm tra công tác phòng cháy thường xuyên hay không, phương tiện chữa cháy của cơ sở đó có đủ an toàn hay không”, vị đại biểu nói.
Ông Phạm Văn Hòa cho rằng, với vụ việc thương tâm tại Bình Dương, cần phải làm rõ vấn đề, nếu cá nhân hay cơ quan nào vi phạm phải xử lý, truy cứu trách nhiệm hình sự.
Xử lý nghiêm minh các cá nhân vi phạm sẽ là tấm gương để những người khác không dám làm sai, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong phòng cháy, chữa cháy.
Không thể cứ mãi cảnh báo
Cũng liên quan vấn đề trên, luật sư Trần Văn Huy - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Bảo Tín - cho biết, quán karaoke trước khi đi vào hoạt động phải đảm bảo đầy đủ quy định pháp luật về phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên, trên thực tế, còn nhiều cơ sở chưa đáp ứng được đầy đủ những quy định này.
“Điều kiện về phòng cháy chữa cháy với các cơ sở karaoke rất nghiêm ngặt. Thông tư 147/2020/TT-BCA thay thế Thông tư 47/2015/TT-BCA của Bộ Công an đã quy định rất rõ về biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường”, ông Huy nói.
Theo luật sư Huy, không phải đến bây giờ những hiểm hoạ cháy nổ từ cơ sở kinh doanh, dịch vụ karaoke mới được phân tích, mà đã được mổ xẻ kỹ lưỡng, đề cập, phản ánh rất nhiều sau các vụ cháy từ nhỏ đến lớn.
“Tưởng rằng sau những bàng hoàng, hoảng hốt về mức độ của các vụ cháy, người dân đã ý thức hơn để bảo vệ tính mạng, tài sản của mình, tuy nhiên, khi sức nóng của sự việc lắng xuống, hầu hết lại thờ ơ, xem nhẹ phòng cháy chữa cháy. Vậy nên, không khó hiểu khi sau thảm hoạ cháy này thì thảm hoạ cháy khác vẫn liên tục xảy ra”, luật sư Huy cho hay.
Thông tin từ Công an tỉnh Bình Dương, vụ cháy quán karaoke An Phú vào tối 6/9 khiến 32 nạn nhân thiệt mạng, trong đó 17 nạn nhân nam, 15 nạn nhân nữ.
Luật sư Trần Văn Huy cho rằng, sau những vụ cháy tại quán karaoke gây thiệt hại nghiêm trọng, đặc biệt là thiệt hại về người, điều mà nhiều người quan tâm là vai trò, trách nhiệm của các cơ quan Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy.
“Khi ý thức của người dân về phòng cháy chữa cháy còn thấp thì chế tài phải mạnh, quản lý phải nghiêm. Nếu không, những vụ việc thương tâm như vừa rồi chỉ là bài học cảnh tỉnh chứ không thể giải quyết được triệt để”, ông Huy nói.
Ông Huy cho rằng, sẽ là không thừa khi một lần nữa các cấp có thẩm quyền, cơ quan Phòng cháy chữa cháy cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, siết chặt hơn nữa công tác kiểm tra, quản lý đối với loại hình kinh doanh có điều kiện này, không nên "đánh trống bỏ dùi" rồi một thời gian lại lơ là, lãng quên.