Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chảy máu cam 4 tiếng mới ngừng nhưng không đi khám vì 'cạn kiệt tiền'

(VTC News) -

Mắc bệnh hiểm nghèo, chi phí điều trị tốn kém nhưng kinh tế gia đình đã cạn kiệt, chị Kha Thị Xốm không ít lần muốn xin cho chồng ra viện, phó mặc vào số phận.

Nằm điều trị tại Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện 198, anh Lô Văn Ỏn (44 tuổi, dân tộc Thái, ở bản Hoà Sơn, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) tiều tuỵ, gầy gò, một bên mặt được băng kín, toàn thân da vàng như nghệ, thi thoảng anh lại thều thào mấy câu bằng tiếng dân tộc Thái rồi lả đi.

Túc trực bên giường bệnh, chị Kha Thị Xốm liên tục cúi gằm mặt, lộ rõ vẻ lo lắng cho bệnh tình của chồng.

Một năm trước, anh Ỏn liên tục bị chảy máu cam, có lần chảy 4 tiếng đồng hồ mới ngưng. Vợ giục đi khám bệnh, nhưng không có tiền, anh cắn răng chịu bệnh tật giày vò.

Anh Ỏn đang điều trị tại Bệnh viện 198. (Ảnh: Như Loan)

Vợ chồng anh Ỏn sinh được 4 người con, đứa út mới 4 tuổi. Gia cảnh nghèo khó lại đông con, nên vợ chồng anh gửi các con cho mẹ già chăm sóc, để vào Tây Nguyên cạo mủ cao su thuê. Lao động xa quê nhưng thu nhập của cả hai vỏn vẹn 6 triệu đồng mỗi tháng. Nghèo khó, thiếu thốn mãi bủa vây cuộc sống của gia đình nhỏ.

Đầu tháng 10, khi đang cặm cụi cạo mủ cao su, bệnh của anh Ỏn tái phát, máu cam chảy không ngừng, rồi ngất xỉu. Lúc này, chị Xốm tá hoả vay tiền đưa chồng đi khám.

Để được điều trị đúng tuyến, chị Xốm bắt xe khách đưa chồng trở về Nghệ An nhập viện rồi xin chuyển tuyến ra Hà Nội. Thăm khám qua nhiều bệnh viện, anh Ỏn được chẩn đoán u nguyên bào thần kinh khứu giác xâm lấn hốc mắt, mũi kèm theo xơ gan, tắc mật, phải kết hợp nhiều phác đồ điều trị, trong đó có xạ trị.

Nghe bác sĩ đọc kết quả, người phụ nữ dân tộc Thái ngơ ngác, không hiểu chồng mắc bệnh gì và xạ trị là thế nào. Lần đầu ra Thủ đô, không thạo tiếng, không biết viết chữ, chị Xốm gắng hỏi bác sĩ nhiều lần để hiểu hơn về bệnh của chồng. Đến khi hiểu ra bệnh tình của chồng, chân tay chị run lẩy bẩy, đi đứng không vững. “Tôi sợ anh sẽ bỏ 5 mẹ con mà đi”, chị Xốm nói.

Nhà nghèo lại mắc trọng bệnh, những ngày đầu mới vào viện, chị Xốm thường xuyên khóc nấc, suy nghĩ xin đưa chồng về nhà, phó mặc cho số phận. Khi được bác sĩ động viên, người phụ nữ ấy quyết tâm cho chồng ở lại điều trị với hy vọng “còn nước còn tát”.

Những ngày ở viện chăm chồng, chị Xốm thường xuyên bỏ bữa, có hôm cả ngày không ăn, một phần vì hết tiền, phần nữa cũng vì quá lo lắng cho sức khoẻ của chồng nên không nuốt nổi cơm. Chỉ khi thật sự đói, chị mới đi xin suốt cơm từ thiện ăn tạm.

Bốn đứa trẻ ở nhà nheo nhóc nhớ bố mẹ, thi thoảng sang hàng xóm mượn điện thoại để liên lạc. Nghe các con nói nhà hết gạo ăn, chị Xốm bất lực, nghẹn thắt ruột gan. Biết hoàn cảnh của bệnh nhân thiếu thốn, nhân viên y tế của Bệnh viện 198 góp tiền mua gạo, giúp chị Xốm gửi xe khách về Nghệ An cho các con.

Nằm trong diện hộ nghèo của địa phương, anh Ỏn đi viện được bảo hiểm chi trả phần lớn song chi phí ăn ở dài ngày, cùng một số loại thuốc ngoài danh mục bảo hiểm gia đình phải tự mua. Điều này sẽ là gánh nặng với gia đình nghèo ở vùng miền núi xa xôi.

Đứng trước khó khăn bủa vây, tính mạng của chồng lại như “ngọn đèn trước gió”, người phụ nữ dân tộc thiểu số khẩn cầu sự giúp đỡ từ các tấm lòng hảo tâm, cho chồng có thêm cơ hội được sống.

Chị Xốm luôn túc trực bên giường bệnh chăm chồng. (Ảnh: Như Loan)

BSCKI Nguyễn Minh Dũng, Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện 198 cho biết, bệnh nhân Lô Văn Ỏn vào viện trong tình trạng có khối u ở hốc mũi phải, xâm lấn đẩy lồi ổ mắt phải, hạch to vùng cổ phải, vàng mắt, vàng da, bụng cổ chướng, thể trạng suy kiệt. Sau thăm khám lâm sàng và các xét nghiệm cần thiết, người bệnh được chẩn đoán u nguyên bào thần kinh khứu giác, xơ gan, tắc mật.

“Hiện người bệnh được kết hợp các phương pháp điều trị, xạ trị diện u hốc mũi - hạch cổ, nâng cao thể trạng, bổ gan, kháng virus. Sức khoẻ bệnh nhân tiên lượng vẫn rất nặng”, bác sĩ Dũng nói.

Ông Vi Văn Mằn, Chủ tịch UBND xã Tà Cạ xác nhận, gia đình anh Ỏn thuộc hộ hoàn cảnh khó khăn. Sau trận lũ quét lịch sử cách đây 2 năm, họ không còn đất canh tác nên thường xuyên phải đi làm thuê xa nhà. Ngoài 4 đứa con, vợ chồng anh Ỏn nuôi thêm mẹ già, sức khoẻ yếu.

“Khi biết anh Ỏn bị bệnh, bà con địa phương rất thương cảm. Là đại diện chính quyền địa phương tôi mong mỏi các tấm lòng nhân hậu hãy giúp đỡ gia đình họ, để anh Ỏn có cơ hội được tiếp tục chữa bệnh”, ông Mằn nói.

Quý độc giả biết những hoàn cảnh khó khăn cần sự chung tay giúp đỡ, xin hãy thông tin cho chúng tôi theo địa chỉ email toasoan@vtcnews.vn hoặc gọi điện đến đường dây nóng 0855.911.911. 

Như Loan

Tin mới