Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

‘Chạy marathon trên giường’: Bệnh nhân Singapore kể về cuộc chiến chống lại Covid-19

(VTC News) -

"Mọi thứ rồi cũng sẽ qua, chúng ta vượt qua SARS, và hôm nay, chúng ta đang trên đường vượt qua Covid-19” - một bệnh nhân được xuất viện chia sẻ.

Vào thời điểm phát hiện bị nhiễm nCoV, cô cảm thấy như điều tồi tệ nhất đã xảy ra với mình. Người phụ nữ Singapore 39 tuổi – còn được gọi là trường hợp số 33 – đã trải qua một tuần bất tỉnh trong phòng chăm sóc đặc biệt, khi các bác sĩ nỗ lực hết mình để cứu cô.

Cuối cùng cô đã được xác nhận hết nCoV và xuất viện vào đầu tuần này. Người phụ nữ này và chị gái, những người từng tới Hội thánh Life Church & Missions tại Pây Lebar, đã có những chia sẻ về cuộc chiến của họ với căn bệnh này.

Người phụ nữ 39 tuổi ban đầu được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Seng Khang, Singapore vì viêm phổi vào ngày 2/2. Các bác sĩ đã cố gắng hết sức để điều trị cho người phụ nữ bị nhiễm trùng ở cả hai phổi này. Cơn sốt của cô cứ liên tục quay trở lại, và cô ngày càng khó thở.

Trông như thể em gái tôi đang chạy marathon trên giường vậy” - người chị nói.

Một thiết bị theo dõi y tế được gắn vào cánh tay của bệnh nhân. (Ảnh: CNA)

Sức khỏe của cô ấy xấu đi trong 4 ngày tiếp theo và rơi vào tình trạng nguy kịch. “Nó phải cần đến sự hỗ trợ của máy thở hoàn toàn, và bác sĩ nghĩ rằng nó sẽ được chăm sóc tốt hơn trong phòng ICU (hồi sức tích cực)” - người chị kể lại.

“Căn bệnh không hạ gục được em gái tôi”

Người phụ nữ 39 tuổi ấy được đưa vào ICU vào ngày 6/2.

Ký ức cuối cùng của tôi là cảm giác hơi hoảng loạn vì tôi không biết nên trông đợi điều gì... Lúc đó tôi chỉ biết tin rằng, đội ngũ y bác sĩ biết họ đang làm gì” - cô ấy nói. Điều cuối cùng cô nhớ là người ta đã đắp cái gì đó lên mặt mình và rồi cô từ từ lịm đi.

Chị gái của cô cho biết, các bác sĩ phải đối mặt với khó khăn trong việc cấp đủ oxy trong máu của bệnh nhân. Do đó, họ quyết định gây mê cô ấy để máy móc có thể đảm nhận quá trình hô hấp, và hy vọng rằng cô có thể nghỉ ngơi.

Trong cùng khoảng thời gian đó, chính phủ Singapore bắt đầu tiến hành xét nghiệm tất cả các trường hợp viêm phổi do chủng virus corona mới.

Đồ ăn được chuyển vào cho bệnh nhân thông qua một cửa hầm an toàn. (Ảnh: CNA)

Vào ngày 6/2, cô được xác nhận là trường hợp nhiễm Covid-19 số 33 của Singapore. Các cuộc gọi đến các thành viên trong gia đình cô được thực hiện vào sáng ngày hôm sau. “Tôi đã rất choáng váng vì nghĩ khả năng đó là thấp, nhưng họ khá chắc chắn về điều đó. Những gì xảy ra sau đó là sự hoảng loạn” - người chị nói.

Các quan chức của Bộ Y tế và lực lượng cảnh sát Singapore bắt đầu yêu cầu người chị giúp đỡ theo dõi liên lạc. “Tôi liên tục nhận được các cuộc gọi cho đến khi pin của tôi bị cạn” - cô nói.

Xe cứu thương cũng được gửi đến để đưa tất cả các thành viên trong gia đình – bao gồm cả 1 đứa trẻ 1 tháng tuổi – đến các bệnh viện khác nhau để sàng lọc. Cuối cùng họ đã được cho về nhà cách ly.

Trong khi đó ở ICU, các bác sĩ đang tính đến việc sử dụng một kỹ thuật hỗ trợ tiên tiến được gọi là ECMO nếu họ vẫn không đưa đủ oxy vào cơ thể bệnh nhân. Điều này có nghĩa là đội ngũ y tế sẽ phải chuyển cô đến Bệnh viện Đa khoa Singapore.

Đến phút chót, phương án đó không còn cần thiết nữa vì tình trạng của cô đã ổn định lại trong ICU.

Các bác sĩ cũng đã cho cô dùng thuốc thường được sử dụng để điều trị bệnh nhân HIV. Đội ngũ y tế sau đó đã cố gắng đưa cô ra khỏi tình trạng hôn mê bằng cách cắt giảm thuốc an thần.

Bữa ăn điển hình phục vụ cho những người ở trong khu cách ly tại Trung tâm Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Singapore. (Ảnh: CNA) 

Khi tôi bắt đầu tỉnh táo, tôi thấy các y tá và bác sĩ xung quanh tôi. Có những cái ống nối với miệng tôi” - cô nói.

Người phụ nữ nói rằng cô đã bối rối khi được thông báo rằng mình bị nhiễm Covid-19. Đến ngày hôm nay, cô ấy vẫn không biết làm thế nào mình lại bị nhiễm virus.

Sau khi được chuyển ra khỏi ICU vào ngày 13/2, cô ở trong một khu cách ly, nơi cô dần lấy lại sức. Cô được cho phép về nhà vào ngày 18/2.

Nếu bạn bị nhiễm virus corona, có lẽ bạn là một trong những bệnh nhân quan trọng nhất ở Singapore. Căn bệnh đã không hạ gục được em gái tôi” - người chị gái của trường hợp số 33 nói.

“Cảm giác như mắc kẹt trên đảo”

Một phụ nữ khác, trường hợp nhiễm Covid-19 thứ 38 của Singapore, cho biết cô có trải nghiệm khác trong việc chiến đấu chống lại virus.

Mọi người nghĩ rằng tôi sẽ bị đau đớn tột cùng, và có lẽ trông chỉ còn da bọc xương. Tôi đã xua tan quan niệm sai lầm đó thông qua các cuộc gọi video” - người phụ nữ 52 tuổi, người cũng được xuất viện từ Trung tâm Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Singapore vào đầu tuần này, cho biết.

Khi hơi thở của người phụ nữ này trở nên mệt nhọc ở thời điểm tồi tệ nhất của căn bệnh, các bác sĩ có nói với cô rằng khả năng miễn dịch đã giúp cô chống lại virus.

Thiết bị RFID được sử dụng để theo dõi thân nhiệt của bệnh nhân. (Ảnh: CNA)

Điều khó khắn nhất với cô là 10 ngày ở trong khu cách ly. Các bác sĩ nói chuyện với cô chủ yếu qua điện thoại. Ngay cả thân nhiệt của cô cũng được theo dõi bằng thiết bị RFID, trong khi thức ăn của cô được gửi qua một cửa hầm an toàn.

Người ta nói đùa về việc bị mắc kẹt trên đảo, nhưng cảm giác đúng là như vậy. Tôi có mọi thứ tôi cần, nhưng chỉ thiếu sự giao tiếp với con người” - cô nói.

Trong khi cô vẫn cảm nhận được tình thương yêu mỗi khi bạn bè thăm hỏi động viên, cũng có những người sợ hãi và lo lắng rằng họ có thể bị lây nhiễm từ cô.

Toàn bộ thành viên trong gia đình phải được cách ly – điều đó có nghĩa là công việc và việc học, và nói chung là cuộc sống hàng ngày của họ bị ảnh hưởng. Có những nỗi sợ mà tôi có thể hiểu được” - cô nói, đồng thời cho biết thêm rằng cô không hề tức giận, đổ lỗi cho nhà thờ hay bất kỳ ai vì lây nhiễm Covid-19 cho mình.

Tôi đã tận dụng cơ hội này để động viên những người khác, lấy tấm gương của bản thân để khích lệ những người đang lo lắng” - cô nói.

Người phụ nữ 52 tuổi này cũng cảm nhận được sự hy sinh của các y tá và bác sĩ.

Video: Bệnh viện Trung Quốc sử dụng robot hỗ trợ nhân viên y tế trong cuộc chiến chống Covid-19. (Nguồn: SCMP)

Tôi cảm thấy rất thương cảm cho họ. Bạn có thể cảm nhận được sự mệt mỏi và cả sự can đảm mà họ có. Mọi người nên thể hiện sự chia sẻ với các nhân viên y tế tuyến đầu. Mọi thứ rồi cũng sẽ qua. Chúng ta đã vượt qua SARS, và hôm nay, chúng ta đang trên đường vượt qua Covid-19” - cô nói.

Văn Đức (Nguồn: CNA)

Tin mới