Đến đầu tháng 8, khi trường tổ chức học online năm học mới 2021 - 2022. Chúng tôi phải ngược xuôi lo sách vở, dù ở TP.HCM, bố mẹ cháu đã sắm đầy đủ nhưng không thể gửi về quê được. Ngặt nỗi, TP Buôn Ma Thuột cũng đang giãn cách theo Chỉ thị 16 nên việc mua sách vở, đồ dùng học tập năm học mới cho đứa cháu học không dễ dàng.
Học online phải có phương tiện kết nối Internet. Cô chị lớp 4 có laptop mang về từ hôm nghỉ hè. Còn cậu em lớp 1 phải dùng cái ipad cũ của mẹ. Khổ nỗi, máy tính bảng quá cũ nên kết nối mạng ì ạch, lâu lâu lại đứng hình. Đang cách ly, làm sao mà khắc phục được đây? Cả nhà lo lắng.
Thật may, ngày hôm sau bố cháu từ TP.HCM gọi điện về báo đã đặt hàng một đại lý bán máy vi tính ở TP Ban Mê Thuột qua mạng. Một cái laptop Core i5 của hãng Dell, tuy hàng "second hand" nhưng còn xài tốt. Hai ông cháu mừng khôn xiết.
Bé trai đang học trực tuyến lớp 1.
Thời khóa biểu học online kín cả ngày, không chỉ các cháu mà cả ông bà nội cũng vất vả. Cháu gái lớp 3 rồi còn đỡ, chứ cháu trai năm nay mới vào lớp 1 thì quả là khó khăn. Cũng may mấy tháng nay, cháu được ông bà thay nhau dạy chữ, làm toán trước theo chương trình lớp 1. Tuy nhiên, thời gian ngắn ngủi, lượng âm, vần, tiếng mà cháu nhận biết được còn rất ít ỏi.
Tuần đầu chưa quen lớp, quen cách học, nhiều lúc cháu ngồi ngẩn tò te trước màn hình laptop. Cô giáo lại dạy theo kiểu “mặc định”, y như là các cháu đã thạo mặt chữ. Kết thúc buổi học đầu tiên, cu cậu phán: “Thế là xong buổi học nhàm chán”. Hai ông bà khá lo lắng khi nghe cháu nói thế.
Hôm nào cũng vậy, ông bà thay nhau động viên và làm công việc của “trợ giảng”. Kể cũng hay, có ai ngờ nghỉ hưu mấy năm rồi, bây giờ cả hai người lại được làm cái việc mà mình từng gắn bó suốt đời viên chức.
Nhưng thực hiện được nhiệm vụ “trợ giảng” ấy cũng không phải dễ. Cháu trai đang tuổi ăn, tuổi chơi nên việc ngồi trước màn hình máy tính để học là thử thách lớn. Cu cậu chẳng thể tập trung chú ý nổi dăm phút, hết nghiêng bên này ngả bên nọ. Thỉnh thoảng lại “cúp học” chạy đi làm việc riêng, uống nước hay vệ sinh.
Lớp của cháu có 25 bạn. Quan sát thì thấy cả 25 bạn đều có “trợ giảng” là cha mẹ hay ông bà nội, ngoại. Nhiều khi, các cháu quên tắt micro, tiếng các “trợ giảng” oang oang, át cả tiếng cô giáo.
Thử thách lớn nhất đối với cháu là môn tiếng Anh. Chưa biết mặt chữ, chưa luyện phát âm, chưa quen giao tiếp vậy mà trên màn hình trực tuyến, thầy giáo người ngoại quốc cứ nói tiếng Anh vun vút.
Mỗi lúc học tiếng Anh, cháu lại ngồi ngẩn người. Ông bà nội cũng há hốc miệng vì chẳng hiểu gì. Hết buổi học, hỏi cháu biết được từ nào không, cháu bảo con không hiểu thầy nói gì. Cũng đúng thôi, tiếng mẹ đẻ cháu còn chưa rõ thì làm sao học nổi tiếng Anh qua màn ảnh nhỏ?
Rất nhiều chuyện dở khóc, dở cười như thế về những buổi học online của các cháu. Có lẽ với học sinh lớp 1, hình thức học tập này vượt quá năng lực của trẻ. Còn nhiều bất cập khác nảy sinh từ việc học online, như không có hoạt động vui chơi giả trí, không giao lưu với bạn bè, với thầy cô; không có tình huống thực tế để trải nghiệm. Kiến thức, kỹ năng thu lượm được tất nhiên là hạn chế.
Cháu gái học trực tuyến lớp 4 có phần dễ thở hơn.
Việc dạy học online dù máy móc, phần mềm hỗ trợ, có thầy cô giảng dạy nhiệt tình nhưng nếu phụ huynh không kèm cặp, giám sát trực tiếp mỗi buổi học thì hiệu quả dạy học sẽ khó đạt được như mong muốn. Ấy là chưa kể, không phải gia đình nào cũng có điều kiện tốt để hỗ trợ con cái học trực tuyến.
Tôi từng đọc tâm sự của nhiều phụ huynh chia sẻ: "Vợ chồng tôi đi làm suốt từ sáng đến tối, không có mặt ở nhà nên không thể hỗ trợ con học online. Bé nhỏ nhà tôi năm nay vào lớp 1. Tôi không thể hình dung học sinh lớp 1 học online sẽ như thế nào”. “Làm sao để bé cầm bút, ngồi học đúng tư thế, ai sẽ gò cho con viết đúng các ô li trong vở theo quy định. Tôi thì không thể dạy con vì tôi không hiểu về chương trình lắm. Nghe nói chương trình mới bây giờ khác hẳn cách học của chúng tôi ngày xưa".
Nghĩ lại, thấy cháu mình quả thật còn may mắn bởi có ông bà – những nhà giáo về hưu rảnh rỗi - có thể thay nhau làm “trợ giảng”, giúp việc học online của các cháu đỡ khó khăn, vất vả hơn.