Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Châu Âu ‘rối như tơ vò’ trước xung đột Nga - Ukraine

(VTC News) -

Châu Âu đang quay cuồng khi phải đối mặt với loạt thách thức từ chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.

Mới đây, Bulgaria cho biết nước này sẽ cắt giảm mức trợ cấp hằng ngày cho người tị nạn đến từ Ukraine từ khoảng 22 USD/người xuống còn 8 USD/người. Câu hỏi đặt ra là cuộc sống những người chạy trốn cuộc xung đột Nga - Ukraine sẽ đi đâu, về đâu trong thời gian tới?

Châu Âu 'hào phóng' với người tị nạn?

Bulgaria là quốc gia không có chung biên giới với Ukraine nhưng nhiều người tị nạn chạy sang đó qua ngả láng giềng phía bắc Romania. Họ đến Bulgaria với hy vọng được ở những nơi gần, có thể trở về Ukraine một cách sớm nhất khi chiến sự kết thúc.

Hơn 7 triệu người di cư đã rời khỏi Ukraine kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự hôm 24/2.

Tuy nhiên, trong bối cảnh mùa du lịch hè đang đến gần và Chính phủ Bulgaria cắt giảm trợ cấp cho mỗi người tị nạn, người Ukraine di tản giờ đây phải đối mặt với lựa chọn khó khăn: Trở về nhà, tìm chỗ ở riêng hoặc chuyển đến các quốc gia có thể cung cấp chỗ ở.

"Trong ba tháng qua, chúng tôi đã cung cấp hỗ trợ chưa từng có tại các khách sạn rất đẹp cho người tị nạn Ukraine. Bulgaria không thể cung cấp một kỳ nghỉ sang trọng như vậy một cách bất tận”, Thủ tướng Kiril Petkov cho biết.

Hơn 100.000 người tị nạn Ukraine, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, đã chạy sang Bulgaria kể từ khi chiến sự bắt đầu. Chính phủ Bulgaria đã bố trí chỗ nghỉ tại các khu nghỉ mát gần biển Đen cho khoảng 60.000 người tị nạn.

Giờ đây, Bulgaria phải thay đổi phương pháp tiếp cận với người di cư, hay nói đúng hơn, nước này buộc phải thực thi chính sách đối với người di cư để đảm bảo lợi ích kinh tế quốc gia.

Theo đó, bên cạnh giảm số tiền trợ cấp, tính đến hôm 2/6, Chính phủ Bulgaria chuyển khoảng 3.000 người tị nạn từ các khách sạn “hạng sang” đến các cơ sở thuộc sở hữu nhà nước, trong khi đó 12.000 người khác được chuyển đến các khách sạn nhỏ hơn.

Thay đổi chính sách của chính quyền Bulgaria đang khiến người tị nạn Ukraine rơi vào cảnh vô gia cư. Zaitsev, 35 tuổi, đến từ Kremenchuk, miền trung Ukraine, cho biết cô và nhiều người giống như cô đang dựa vào chính quyền Bulgaria để tìm kiếm nơi trú ẩn, ngay cả khi họ không biết điểm dừng chân tiếp theo là ở đâu.

"Chúng tôi đã kiểm tra email cả ngày và chờ thông tin. Tôi có một ít tiền nhưng không đủ để chu cấp cho bọn trẻ. Tôi lo lắng về việc chúng tôi sẽ được đưa đến đâu. Tôi cần nhà trẻ, trường học, điều kiện cho bọn trẻ đến trường và bệnh viện chăm sóc sức khỏe", Zaitseva nói.

Tương tự Bulgaria, hoàn cảnh người tị nạn Ukraine tại Cộng hòa Séc cũng không khá hơn. Gánh nặng từ người di cư buộc nước này cắt giảm hỗ trợ. Theo đó, Séc sẽ không còn trả khoản phúc lợi 217 USD mỗi tháng/người Ukraine và đang khuyến khích người tị nạn Ukraine kiếm việc làm hoặc có nguy cơ bị mất các quyền lợi.

Xung đột Nga - Ukraine đang tạo ra cuộc khủng hoảng người tị nạn tồi tệ nhất ở châu Âu kể từ sau Thế chiến thứ 2 khi hơn 7 triệu người đã phải di tản khỏi Ukraine kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự hôm 24/2. Điểm đến của người tị nạn Ukraine là các nước láng giềng, mà nhiều nhất là Ba Lan (hơn 3,5 triệu), Romania (khoảng 1 triệu), Nga (khoảng 900.000), Hungary (hơn 600.000), Moldova (gần 500.000), Slovakia (gần 450.000), Belarus (30.000). 

Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) mới đây cho biết, sau khi sang các nước tuyến đầu giáp biên giới, một số lượng người Ukraine sau đó sẽ đến các quốc gia khác ở châu Âu như Đức, Pháp, Tây Ban Nha…

Chỉ một tháng sau khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra, 2 triệu người Ukraine đổ sang Ba Lan. Con số này tăng lên 3 triệu vào tháng thứ hai. Khoảng 80% người tị nạn Ukraine hiện tá túc trong nhà riêng của dân Ba Lan. Mặc dù Chính phủ Ba Lan đã có một số biện pháp hạn chế, kiểm soát làn sóng người di cư nhưng người Ukraine vẫn tiếp tục đổ về nước này.

Mặc dù là thành viên của Liên minh châu Âu (EU) nhưng vì lý do lịch sử khác nhau, nền kinh tế của các quốc gia kể trên vẫn thấp hơn mức trung bình của EU. Điều này khiến họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp nhận, sắp xếp nơi ở và tái định cư cho những người tị nạn.

Làn sóng người di cư khiến EU đối mặt với thách thức nghiêm trọng. Ngoài vấn đề lương thực, số người tị nạn Ukraine còn mang đến gánh nặng cho các nước châu Âu về chăm sóc y tế, việc làm, giáo dục con cái và vấn đề lưu trú bất hợp pháp…

Quản lý người tị nạn Ukraine đang là bài toán đau đầu với giới chức Romania. Nhiều địa điểm công cộng như nhà ga xe lửa chính ở thủ đô Bucharest đã được chuyển thành trung tâm dành cho người tị nạn. Thậm chí, nước này còn điều chỉnh luật để tất cả trẻ em tị nạn Ukraine có thể có các quyền như trẻ em Romania.

Chính phủ Romania ước tính đã chi gần 72 triệu euro trợ giúp khẩn cấp kể từ khi bùng phát xung đột Nga - Ukraine. Thế nhưng, giới chức nước này thừa nhận khó có thể đối phó với một cuộc khủng hoảng người di cư một thời gian dài nếu không có hỗ trợ tài chính từ nước ngoài.

Lạm phát tăng vọt trong khu vực đồng tiền chung châu Âu do khủng hoảng từ xung đột Nga - Ukraine.

Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Margaritis Schinas mới đây cho biết, trước một lượng lớn người tị nạn Ukraine ồ ạt đổ về, nơi ở phục vụ cho tái định cư tạm thời do chính phủ và các tổ chức phi chính phủ ở các nước thành viên EU đã quá tải.

Theo viện nghiên cứu Bruegel có trụ sở tại Brussels (Bỉ), việc tái định cư cho người tị nạn Ukraine sẽ tiêu tốn ít nhất 43 tỷ euro, tương đương với 1/4 tổng chi tiêu dự tính trong năm 2022 của EU. Con số này sẽ không chỉ dừng lại ở đó mà sẽ còn gia tăng nếu căng thẳng giữa Nga và Ukraine tiếp diễn. Đây là thách thức lớn cho EU, nhất là khi khu vực này vẫn phải chịu áp lực từ làn sóng di cư từ Trung Đông, châu Phi.

Loạt bài toán ‘khó giải’

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho rằng các nước châu Âu đang trong tình trạng "hoảng sợ" trước dòng người tị nạn từ Ukraine. Thế nhưng, đó chỉ là bề nổi cho cuộc khủng hoảng hiện nay của EU. Liên minh này đang đối mặt loạt bài toán nan giải từ chiến sự Nga - Ukraine.

Bất đồng, chia rẽ là những ngôn từ mà truyền thông nhắc đi nhắc lại nhiều lần khi đề cập đến nội bộ EU hiện nay. Quan điểm “lệch tông”, khác biệt của các nước thành viên khiến cho việc thảo luận về gói trừng phạt thứ 6 đối với Nga phải mất gần 2 tháng mới chốt được.

Chính sự phụ thuộc dầu và khí đốt của Moskva là nguyên nhân chính khiến cho các quốc gia thành viên EU không cùng nhịp điệu, chung tiếng nói trong chính sách trừng phạt đối với Nga.

Dù thống nhất được lệnh cấm dầu Nga qua đường biển song đòn trừng phạt của EU với dầu mỏ Moskva không được đầy đủ bởi các quốc gia phụ thuộc nhiều vào nguồn năng lượng từ Nga. Trong đó, Hungary, Cộng hòa Séc, Slovakia và Bulgaria, nhiều lần bày tỏ phản đối lệnh cấm. Chính phủ Hungary nói lệnh cấm vận với Nga sẽ giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế của nước này.

Đến nay, EU đã đưa ra 6 gói trừng phạt lên Nga, song chưa có lệnh cấm vận đối với khí đốt của Moskva. Kinh tế châu Âu được dự báo đối mặt với khó khăn nếu không có nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga. EU nhập khoảng 45% khí đốt, 25% dầu mỏ và 45% than từ Nga. Điều đó buộc giới lãnh đạo EU phải cân nhắc thiệt hơn khi tính toán các biện pháp cấm vận tiếp theo với Nga.

Các nước thành viên EU thừa nhận vòng trừng phạt tiếp theo của liên minh này đối với Nga sẽ không bao gồm lệnh cấm về khí đốt. EU hiểu rằng "dầu của Nga dễ dàng để thay thế hơn nhiều…, trong khi khí đốt là câu chuyện hoàn toàn khác”, nguồn cung thay thế khó khăn hơn rất nhiều.

EU đang dần ngấm đòn từ hệ lụy của các biện pháp trừng phạt Moskva. Việc áp đặt thêm lệnh cấm mới đối với Nga sẽ rất khó khăn, vì các công dân EU chính là nạn nhân phải hứng chịu hậu quả, bị ảnh hưởng nặng nề từ chính sách của nước họ.

EU bị chia rẽ về các bước đi nhằm chấm dứt sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Thế nhưng, chừng đó vẫn chưa hết, người dân châu Âu đang phải vật lộn với lạm phát, giá năng lượng và lương thực tăng vọt sau các đòn trừng phạt nhằm vào Nga.

Các nước châu Âu đang dần ngấm đòn từ hệ lụy của xung đột Nga - Ukaine.

Tình trạng lạm phát tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) đã trở nên trầm trọng hơn trong những tháng qua, nhất là chi phí thực phẩm và năng lượng. Theo đó, tỷ lệ lạm phát tại khu vực này ở mức 8,1% vào tháng 5, tăng từ mức cao kỷ lục của tháng 4 là 7,4%. Tỉ lệ này đánh dấu mức cao kỷ lục trong tháng thứ 7 liên tiếp.

Điểm chung của lạm phát tại các nước châu Âu, dù trong hay ngoài EU, là do giá năng lượng tăng - hậu quả của xung đột Nga - Ukraine. Theo giới quan sát, lệnh cấm của EU đối với dầu Nga sẽ đẩy giá dầu tăng cao hơn nữa, góp phần gia tăng áp lực lạm phát của khối này. Giá năng lượng vốn đã tăng lên do nhu cầu phục hồi sau đại dịch COVID-19 và sẽ còn tăng mạnh sau lệnh cấm dầu của EU.

Dù đến nay hồi kết về chiến sự Nga - Ukraine vẫn chưa có câu trả lời song cuộc xung đột này đang làm thay đổi cơ bản tình hình an ninh tại châu Âu. Điều này được thể hiện qua việc Thụy Điển và Phần Lan chính thức phá vỡ quy chế trung lập tồn tại nhiều năm tại các quốc gia này sau khi nộp đơn xin gia nhập NATO hôm 15/5. 

Mong muốn gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan cũng dễ hiểu bởi mối quan tâm chung lớn nhất của hai quốc gia Bắc Âu hiện không có gì khác ngoài vấn đề an ninh. Họ mong muốn tìm kiếm “ô bảo trợ” về an ninh trước môi trường quốc tế biến động mạnh, nhất là khi chứng kiến những gì đang diễn ra tại Ukraine.

Không có gì chắc chắn rằng câu chuyện đang diễn ra tại Ukraine không tái diễn tại cả Thụy Điển lẫn Phần Lan. Lo sợ cuộc chiến tại Ukraine sẽ là một tiền lệ nguy hiểm có thể lặp lại trong tương lai, Thụy Điển và Phần Lan có thể sẽ rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Vị thế của Thụy Điển và Phần Lan trở nên mong manh hơn so với các nước Baltic đang là thành viên NATO khi không nhận được bảo trợ an ninh từ liên minh quân sự hùng mạnh này. 

Thế nhưng, viễn cảnh hai nước này trở thành thành viên NATO có thể khiến Nga phật lòng. Khi đó, căng thẳng sẽ leo thang, nguy cơ đối đầu trực diện giữa NATO và Nga ngày càng lớn hơn. Điều đó sẽ khiến cho châu Âu rơi vào vòng xoáy bất ổn về an ninh.

Kông Anh

Tin mới