Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Châu Âu nhờ đến Canada để thoát dầu và khí đốt Nga

(VTC News) -

Trong bối cảnh đối mặt với nguy cơ Nga cắt nguồn cung khí đốt, các nước châu Âu tích cực đàm phán với Canada để có thể nhập năng lượng nhiều hơn từ nước này.

Theo đó, Ngoại trưởng Canada Melanie Joly cho biết, Canada đang đàm phán với các đồng minh châu Âu, trong đó có cả Tây Ban Nha và Đức, về việc xuất khẩu dầu và khí đốt để cung cấp giải pháp thay thế cho việc nhập khẩu năng lượng từ Nga của châu Âu.

"Điều quan trọng đối với Canada là có thể thúc đẩy và giúp đỡ những người bạn châu Âu của chúng tôi đang đối phó tình hình khó khăn về năng lượng", Ngoại trưởng Canada Melanie Joly nói hôm 29/6.

Ngoại trưởng Canada Melanie Joly. (Ảnh: CFP)

Bà Mélanie Joly cũng cho biết, Canada đang thảo luận với Đức và Tây Ban Nha về các giải pháp đối phó với thách thức từ biến đổi khí hậu.

Đức đã gấp rút loại bỏ dần việc nhập khẩu năng lượng của Nga sau khi Moskva phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine hồi tháng 2. Berlin cũng đang tìm kiếm các nguồn cung năng lượng thay thế.

Reuters dẫn lời một quan chức Chính phủ Đức cho hay, Canada và Đức đang đàm phán về các lựa chọn xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu thông qua một nhà ga ở bờ biển phía đông của Canada.

Các cuộc thảo luận giữa Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã diễn ra tại hội nghị thượng đỉnh G7 trong tuần này.

Canada là nhà sản xuất khí đốt tự nhiên lớn thứ 6 thế giới. Nước này hiện không có bất kỳ cơ sở sản xuất LNG nào ở bờ biển phía đông.

Bộ trưởng Tài nguyên Canada Jonathan Wilkinson cho hay, Ottawa đang xem xét đẩy nhanh hai dự án xuất khẩu LNG ở bờ biển phía đông được, gồm dự án Saint John LNG thuộc công ty Repsol SA và Goldboro LNG của công ty Pieridae Energy.

Đầu tháng này, gã khổng lồ năng lượng Gazprom của Nga tuyên bố giảm gần 60% khối lượng vận chuyển khí đốt qua đường ống dẫn khí Nord Stream tới Đức, với lý do các vấn đề kỹ thuật do lệnh trừng phạt liên quan đến Ukraine.

Điều này dấy lên lo ngại khắp châu Âu rằng Nga có thể cắt khí đốt hoàn toàn, khiến các nước châu Âu phải công bố các biện pháp khẩn cấp. Theo các biện pháp này, các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) sẽ phân chia lượng khí đốt và hồi sinh các nhà máy năng lượng chạy bằng than.

Nga đang cung cấp 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu. EU đang tìm cách giảm phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng Nga, song việc áp lệnh cấm vận khí đốt tạo sự chia rẽ sâu sắc trong khối này bởi một số nước phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung từ Moskva.

Kông Anh

Tin mới