Tập đoàn Gazprom của Nga mới đây tuyên bố giảm khoảng 60% lượng khí đốt từ Nga sang Đức qua đường ống Nord Stream vì lý do kỹ thuật. Và đường ống này sẽ ngừng chảy để thực hiện hoạt động bảo trì hàng năm theo kế hoạch từ ngày 11- 21/7.
Trong bối cảnh căng thẳng Nga - phương Tây ngày càng leo thang vì xung đột Ukraine, nguy cơ Moskva cắt đứt hoàn toàn nguồn cung khí đốt cho châu Âu ngày càng cao. Câu hỏi được đặt ra lúc này là châu Âu sẽ làm gì khi Nga chính thức khóa van khí đốt.
Đốt bao nhiêu củi cho đủ?
Đại sứ phụ trách An ninh Năng lượng Cộng hòa Séc tại EU Vaclav Bartuška cho biết, đất nước của ông sẽ làm mọi thứ, “đốt bất cứ thứ gì có thể” để tạo ra nhiệt và điện phục vụ nhu cầu giữ ấm cho người dân nếu nguồn cung cấp khí đốt trong mùa đông tới không đảm bảo. Tuyên bố của ông Vaclav Bartuška phản ánh tình hình khủng hoảng năng lượng trầm trọng đang diễn ra ở châu Âu. Chính phủ và người dân châu lục này chật vật tìm mọi cách để đối phó.
Người dân Ba Lan vào rừng kiếm củi đối phó cuộc khủng hoảng năng lượng.
Cuộc khủng hoảng nhiên liệu hiện nay đang tạo ra cơn sốt củi ở châu Âu. Người dân Latvia xếp hàng để xin giấy phép thu gom cành cây thừa từ hoạt động đốn cây đã tăng vọt lên gấp 5 lần. Công ty quản lý hoạt động khai thác gỗ tại Latvia cho hay, lượng gỗ dư thừa từ hoạt động chặt cây mà người dân có thể sử dụng cũng sẽ giảm trong thời gian tới. Việc nhiều người Latvia tìm cách chuyển sang hệ thống sưởi và nấu ăn bằng củi dẫn đến tình trạng thiếu hụt củi tạm thời trên thị trường nước này.
Tương tự Latvia, một quốc gia châu Âu khác là Ba Lan trước đó cũng tạo điều kiện giúp người dân lấy củi dễ dàng hơn trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao và thiếu nguồn than. Thứ trưởng Bộ Khí hậu và Năng lượng Ba Lan Edward Siarka cho biết người dân có thể vào rừng lấy cành cây làm nhiên liệu nếu được các đơn vị lâm nghiệp địa phương cho phép.
Đức, nền kinh tế lớn nhất EU, nhập khẩu hơn một nửa nhu cầu khí đốt và nhiên liệu hóa thạch từ Nga, người dân nước này cũng tích cực tích trữ củi cho mùa đông. Với việc giá năng lượng tăng cao, chi phí sưởi ấm của người dân tăng lên, nhiều người Đức tìm đến lò sưởi bằng củi theo kiểu truyền thống, hy vọng củi có thể góp phần giải cơn khát khí đốt.
Củi được xem là mặt hàng bán chạy tại Đức vào thời điểm hiện tại. Bên cạnh đó, lò sưởi dùng củi cũng được săn lùng ráo riết tại quốc gia này. Theo các nhà cung cấp lò sưởi dùng củi ở Đức, do nguồn cung hạn chế, họ rất khó để đảm bảo tiến độ đơn hàng theo các hợp đồng đã ký kết.
Trước quyết định cắt giảm 60% nguồn cung khí đốt từ Nga sang Đức qua đường ống Nord Stream của tập đoàn Gazprom, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen kêu gọi công dân trong liên minh giảm thêm 2 độ sưởi ấm hoặc sử dụng điều hòa ít hơn để bù đắp nguồn cung khí đốt thiếu hụt từ Moskva.
Chật vật tìm lối thoát
Dữ liệu của EC cho thấy, năm ngoái, EU nhập khoảng 45% khí đốt, 25% dầu mỏ và 45% than từ Nga. Với sự phụ thuộc này, EU khó có thể thoát khỏi nguồn cung năng lượng từ Moskva “một sớm, một chiều”. Có lẽ, châu Âu cần giải pháp dài hơi hơn cho bài toán nan giải này.
Đi tìm lời giải cho sự phụ thuộc nguồn cung từ Nga, tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels vừa qua, lãnh đạo EU đã thống nhất một số bước đi trong việc giảm dần lệ thuộc nguồn cung từ Nga, trong đó sẽ giao nhiệm vụ cho EC tìm nhiều cách hơn để đảm bảo "nguồn cung khí đốt với giá cả phải chăng" cho toàn liên minh. EC đang tìm kiếm nguồn cung thay thế và lên kế hoạch chuẩn bị cho việc Nga cắt giảm nhiều hơn nguồn cung khí đốt. Theo dự kiến, kế hoạch cụ thể này sẽ được trình bày tại hội nghị thượng đỉnh EU vào tháng 7.
Châu Âu đang đối mặt với nguy cơ bị Nga khóa van dòng chảy khí đốt.
Một trong những hướng đưa đi để EU giảm "cơn nghiện" khí đốt từ Nga đó là đa dạng hóa nguồn cung thông qua nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), đặc biệt là từ Mỹ. Theo dự kiến, khối lượng LNG châu Âu nhập của Mỹ trong năm nay sẽ tăng 75% so với năm ngoái.
Mỹ là nhà cung cấp LNG lớn nhất của EU. Khối này đã nhập khẩu hơn 12 tỷ m3 LNG từ Mỹ trong 3 tháng đầu năm, tăng so với 4 tỷ m3 cùng kỳ năm 2021. Hồi tháng 3, Mỹ tuyên bố nước này sẽ tìm cách cung cấp 15 tỷ m3 LNG sang châu Âu trong năm nay.
Tuy nhiên, cam kết của Washington là một chuyện, vấn đề còn phụ thuộc lớn vào chính các quốc gia châu Âu, trong đó việc nhanh chóng xây dựng các cảng LNG có ý nghĩa quan trọng.
Khác với khí đốt nhập từ Nga, LNG không vận chuyển qua đường ống. Thay vào đó, nó được làm lạnh để hóa lỏng bằng một quy trình tốn kém tại các cảng, chủ yếu ở các vịnh, bờ biển. Sau đó, LNG được đưa vào các tàu chở dầu chuyên dụng.
Tại cảng tiếp nhận, phải đảo ngược quy trình chuyển LNG thành khí để đưa vào sử dụng. Chính do quy trình phức tạp và tính đặc thù của LNG, các cảng LNG sẽ được xây dựng tại những quốc gia có biển, tạo thuận lợi cho quá trình vận chuyển cung ứng.
Để xây dựng được một cảng phục vụ xuất nhập khẩu LNG có trữ lượng lớn rất tốn kém, ước tính hơn 1 tỷ USD. Hơn nữa, quy trình từ việc lên kế hoạch, xin giấy phép cho đến khi hoàn thành xây dựng, đưa vào vận hành mất nhiều năm.
Cả Mỹ và châu Âu được cho đang nỗ lực cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, đáp ứng nhu cầu vận chuyển LNG. Thế nhưng, khó khăn về vấn đề tài chính đang là yếu tố khiến cho các dự án này gặp khó để về đích. Theo giới phân tích, trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng đủ các bến cảng phục vụ cho việc xuất khẩu LNG từ Mỹ sang châu Âu có thể mất từ 2 đến 5 năm.
Rõ ràng, hạn chế về cơ sở hạ tầng để vận chuyển khí LNG là thách thức lớn nhất, mà cả Mỹ và châu Âu chưa thể giải quyết trong ngắn hạn. Chừng nào điều này chưa giải quyết được thì giấc mơ thoát lệ thuộc khí đốt Nga của châu Âu khó lòng thực hiện được.
Bên cạnh nhập khẩu LNG, loạt quốc gia châu Âu đang tính sử dụng than đá để đảm bảo nguồn cung khí đốt. Chính phủ Đức, Italy, Áo và Hà Lan cho rằng việc khôi phục các nhà máy nhiệt điện than có thể giúp châu Âu vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng vốn khiến giá khí đốt tăng mạnh và lạm phát kỷ lục.
Bộ trưởng Khí hậu và Năng lượng Hà Lan Rob Jetten thông báo nước này đang dỡ bỏ tất cả các biện pháp hạn chế đối với các nhà máy điện than để giảm tiêu thụ khí đốt tự nhiên, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng càng nhiều càng tốt trước mùa đông.
Đức cũng có động thái tương tự, Bộ trưởng Kinh tế nước này - ông Robert Habeck cho biết Berlin sẽ phải đẩy mạnh việc sử dụng than để sản xuất điện, nhằm bù đắp lượng khí đốt tự nhiên thiếu hụt từ Nga.
Trong khi đó, tại Áo, chính phủ nước này đã thỏa thuận với công ty năng lượng Verbund để lên kế hoạch mở lại nhà máy sản xuất điện bằng than nếu tình trạng khẩn cấp về năng lượng ngày càng nghiêm trọng.
Theo các nhà phân tích, các nước châu Âu không còn con đường nào khác, buộc phải hy sinh mục tiêu cắt giảm khí thải để đối phó với giá năng lượng. Tuy nhiên, động thái của các quốc gia EU dự định quay trở lại dùng điện than vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của EC. EC cho rằng các quốc gia EU không nên quay lại sử dụng than và bỏ qua các mục tiêu về biến đổi khí hậu để tìm cách thế chỗ khí đốt Nga.
Các nước châu Âu cũng đang mua nhiều hơn khí đốt vận chuyển qua đường ống từ Na Uy để đối phó với thiếu hụt nguồn cung từ Nga. Na Uy là nước sản xuất khí đốt lớn nhất châu Âu. Theo hợp đồng hai bên vừa thông qua, Oslo sẽ gia tăng 15% nguồn cung khí đốt sang các nước EU trong năm nay. EU nhập khẩu khoảng 1/5 lượng khí đốt từ Na Uy và đang đẩy mạnh hợp tác để đảm bảo bổ sung các nguồn cung khí đốt ngắn hạn và dài hạn từ quốc gia Bắc Âu này.
Ngoài ra, nhiều nước châu Âu như Thụy Điển và Đan Mạch cho biết có thể phải ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, triển khai các biện pháp khẩn cấp để hạn chế việc sử dụng khí đốt tự nhiên. Đức cũng lâm vào tình cảnh tương tự khi công bố kế hoạch tăng lượng dự trữ khí đốt. Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nói rằng đây là thực tế đau lòng, song nếu không làm vậy, các kho dự trữ khí đốt sẽ không đủ đầy để cung cấp cho người dân qua mùa đông tới.
Giá khí đốt được dự báo sẽ còn nhiều biến động một khi căng thẳng giữa Nga và EU còn gia tăng.
Giá khí đốt châu Âu sẽ tăng?
Động thái Gazprom cắt giảm 60% nguồn cung khí đốt từ Nga sang châu Âu qua đường ống Nord Stream khiến cho nguồn cung tới Italy, Áo, Cộng hòa Séc và Slovakia bị giảm đáng kể. Trước đó, Nga đã dừng hoàn toàn việc cung cấp khí đốt sang Ba Lan, Bulgaria, Pháp và Hà Lan. Rõ ràng, những lo ngại của châu Âu trước việc Moskva ngừng hoàn toàn dòng chảy khí đốt sang châu lục này là không thừa.
Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), ông Fatih Birol cho rằng, những giải pháp mà châu Âu đang đưa ra là chưa đủ mạnh, cần có sự sẵn sàng hơn trong trường hợp khí đốt của Nga bị cắt hoàn toàn. Theo vị này, Nga có thể cắt hoàn toàn khí đốt sang châu Âu khi nước này tìm cách tăng cường đòn bẩy chính trị của mình trong cuộc khủng hoảng Ukraine.
Sự phụ thuộc khí đốt của EU vào Nga trong nhiều thập kỷ đã khiến chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin thêm cứng rắn, coi đây như là “vũ khí” lợi hại để đối phó với EU. Trong khi các chính phủ châu Âu luôn e dè, tỏ ra ngần ngại trước các đối sách chính quyền Nga. EU hiện đang phải chi đến 850 triệu USD một ngày cho nguồn cung dầu và khí đốt từ Nga.
EC mới đây cho biết nguồn cung khí đốt cho khối hiện được đảm bảo, nhưng tình hình vẫn bị xem là nghiêm trọng khi Nga giảm lượng cung cấp. Chính phủ Đức cảnh báo hậu quả nặng nề vì thiếu khí đốt Nga. Nước này cũng đã phải kích hoạt giai đoạn hai trong chương trình khẩn cấp gồm ba giai đoạn về khí tự nhiên, đưa nền kinh tế lớn nhất châu Âu tiến gần hơn tới việc hạn chế sử dụng khí trong công nghiệp.
Mặc dù các nước EU hạn chế sử dụng khí trong công nghiệp, song người tiêu dùng châu Âu có thể sẽ không bị gián đoạn nguồn cung. Tuy nhiên, giá năng lượng, vốn đã ở mức cao, sẽ tiếp tục tăng.
Theo Trading Economics, giá khí đốt tại châu Âu ngày 23/6 là 132,9 euro/mwh (140 USD/mwh), tăng 4,5% so với ngày trước đó và tăng 300% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu Nga cắt hoàn toàn xuất khẩu khí đốt sang châu Âu, mức giá này sẽ còn bị đẩy lên cao hơn.
Ông Klaus Müller, người đứng đầu cơ quan quản lý năng lượng Đức Bundesnetzagentur, cho biết Đức chỉ có thể xoay xở trong 2,5 tháng mùa đông năm nay mà không có khí đốt Nga. Theo ông Müller, giá khí đốt tiêu dùng ở Đức có thể tăng gấp 3 trong thời gian tới.