“Nhiều quốc gia trong khu vực châu Á đã trải qua đợt nóng kỷ lục vào năm 2023, cùng với hàng loạt điều kiện khắc nghiệt, từ hạn hán, nắng nóng đến lũ lụt và bão", Giám đốc Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) Celeste Saulo thông tin.
WMO tiết lộ thêm tác động của các đợt nắng nóng ở châu Á ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Nhiệt độ toàn cầu đạt mức cao kỷ lục vào năm ngoái và khu vực này đang ấm lên với tốc độ đặc biệt nhanh. Mức nhiệt tại châu Á vào năm 2023 cao hơn gần 2 độ C so với mức trung bình từ năm 1961 đến năm 1990.
Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới châu Á. (Ảnh: Getty)
“Biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng sâu sắc đến xã hội, nền kinh tế và quan trọng nhất là cuộc sống con người”, ông Saulo nhấn mạnh.
Chỉ tính riêng năm 2023, châu Á ghi nhận 79 thảm họa liên quan các sự kiện khí tượng thủy văn trong năm 2023. Hơn 80% trong số các thảm họa này là lũ lụt và bão, cướp đi sinh mạng của hơn 2.000 người.
“Lũ lụt là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong các sự kiện được báo cáo vào năm 2023. Các nước vẫn đang tiếp tục có mức độ dễ bị ảnh hưởng cao trước các đợt thiên tai", WMO cho biết.
Nhiệt độ trung bình ở mức cao cũng được ghi nhận trên một khu vực rộng lớn từ Tây Siberia đến Trung Á, từ miền Đông Trung Quốc đến Nhật Bản. Về lượng mưa, lượng mưa ở dãy Himalaya và dãy núi Hindu Kush ở Pakistan và Afghanistan thấp hơn mức bình thường.
Trong khi đó, phía Tây Nam Trung Quốc phải hứng chịu hạn hán với lượng mưa dưới mức trung bình. Khu vực châu Á vùng núi cao, tập trung vào cao nguyên Tây Tạng, chứa lượng băng lớn nhất so với bên ngoài vùng cực.
Theo báo cáo Hiện trạng khí hậu ở châu Á 2023, tốc độ gia tăng của các chỉ số biến đổi khí hậu quan trọng như nhiệt độ bề mặt, sự rút lui của sông băng và mực nước biển dâng. Đồng thời, chúng sẽ có tác động nghiêm trọng tới xã hội, nền kinh tế và hệ sinh thái trong khu vực.
“Châu Á vẫn là khu vực hứng chịu nhiều thiên tai nhất trên thế giới do các mối nguy hiểm liên quan đến thời tiết, khí hậu và nước trong năm 2023", WMO cho hay.
Hong Kong từng ghi nhận lượng mưa 158,1 mm trong một giờ vào ngày 7/9/2023. Đây là mức cao nhất kể từ khi ghi nhận vào năm 1884 do hậu quả của một cơn bão.
Giáo sư Saulo tuyên bố: “Các hành động và chiến lược phải phản ánh tính cấp bách của vấn đề biến đổi khí hậu trong thời điểm này. Giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với khí hậu đang phát triển không chỉ đơn thuần là một lựa chọn".