Theo một thống kế, thiếu hụt lao động tại Khu chế xuất - khu công nghiệp tại TP.HCM lên đến 153.000 người (tức thiếu 53,1%) sau đại dịch. Việc thiếu hụt lao động ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất của doanh nghiệp, nhất là vào thời điểm cuối năm.
Chính vì vậy, vấn đề xây dựng nhà ở sạch đẹp, vệ sinh, ổn định lâu dài, giá hợp lý, dành cho công nhân trong các doanh nghiệp đang trở nên cấp bách và cần thiết hơn lúc nào hết sau đại dịch.
Sống chật vật trong nhà trọ
"Siêu" xóm trọ Kiều Quân nằm sâu trong một con hẻm nhỏ trên phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân. Đây là nơi trú ngụ của gần 1.000 lao động nhập cư, có những gia đình 2, 3 thế hệ cùng sinh sống trong căn nhà trọ chỉ khoảng hơn 20m2, đủ từ già tới trẻ, có cả con nít.
Hơn 200 phòng trọ nằm san sát, ở giữa là lối đi chung sâu hun hút được cải tạo từ một kho xưởng cũ để dành cho thuê. Ông Dương Phi (49 tuổi, quê huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) cho biết, vợ chồng ông và hai người con trai ở trọ tại đây đã được 6 năm. "Ở đây tuy chật hẹp, đông đúc thật nhưng được cái giá rẻ lại gần chỗ làm", ông Phi nói.
Khu xóm trọ Kiều Quân, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân.
Thường ngày, hai vợ chồng ông đi làm công nhân tại Công ty TNHH Pouyuen, con trai lớn đi làm thuê bên ngoài, còn đứa út đang đi học cấp 2, đến tối cả gia đình ông mới được quây quần trong căn phòng chỉ khoảng hơn 20m2, với mức thuê 1,7 triệu đồng/tháng.
Ông Phi cho biết, do không gian kín, chật hẹp, số lượng người quá đông nên đợt dịch vừa qua, tại khu trọ này có tới 70% người lao động bị mắc COVID-19. "Hơn 200 phòng trọ tại đây thì có đến 60 phòng đã cửa đóng then cài, nhiều gia đình đã trả phòng bỏ về quê do lo sợ dịch bệnh, không còn việc làm, không còn tiền sinh hoạt, tiền nhà trọ", ông Phi cho hay.
Giống như nhiều gia đình khác, gần 1 tháng trước, vợ chồng ông Phi cũng tính về quê. Nhưng vì con trai còn đang học dở dang nên ông quyết định dời việc này đến sang năm.
Ở phòng trọ gần đó, chị Trương Thị Bích Lài, (35 tuổi, quê Bình Thuận) chia sẻ, sau gần 16 năm rời quê nhà lên TP.HCM lập nghiệp, chưa bao giờ chị trải qua tình trạng ngặt nghèo như hiện tại.
Hơn 4 tháng qua chị Lài bị mất việc, chồng bệnh tật, bản thân chị là lao động chính trong gia đình. Không may chị bị mắc COVID-19 rồi mất việc làm, không có thu nhập, mấy tháng qua chị sống nhờ sự hỗ trợ của các mạnh thường quân. "Thực sự là rất túng quẫn, mình cũng chẳng còn tiền để gửi về cho ông bà ngoài đang chăm sóc 2 đứa con nhỏ ở quê", chị Lài chia sẻ.
Nhiều công nhân phải ở trong các căn nhà trọ chật hẹp, tối tăm.
Chị Lài cho hay, những ngày qua, nhiều gia đình tại khu trọ đã bỏ về quê, hai vợ chồng chị cũng muốn về nhưng giờ về cũng không biết làm gì nên cố gắng gồng gánh, bám trụ chờ công ty cho đi làm trở lại.
Tình cảnh của ông Phi, chị Lài cũng là tình cảnh chung của hàng trăm nghìn lao động tại TP.HCM trong những ngày cao điểm của đợt dịch vừa qua. Ở trong những căn nhà trọ chật hẹp, tối tăm, điều kiện sinh sống không đảm bảo, họ luôn mong ước có một tổ ấm ở TP để an cư, nhưng với thu nhập và điều kiện của những người công nhân như họ thì giấc mơ đó có lẽ rất xa vời.
Giải bài toán nhà ở cho công nhân thế nào?
Tại hội thảo phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM mới đây, PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM đưa ra một thống kê của Bộ LĐTB&XH. Trong đó, chỉ tính riêng trong KCN, KCX của TP.HCM đã có 244.982 người lao động ngừng việc tại 827 doanh nghiệp.
Số liệu từ BHXH TP.HCM cho thấy, trong giai đoạn giãn cách từ tháng 5/2021 đến tháng 9/2021, đã có 338.730 lao động chấm dứt hợp đồng lao động, 665.946 lao động nghỉ không hưởng lương. Như vậy, số lao động tạm thời mất việc hoặc mất việc sau 5 tháng giãn cách là 1.046.676, chiếm 41,2% của 2.439.272 lao động tham gia BHXH.
Người lao động ùn ùn rời TP.HCM về quê sau giãn cách hồi đầu tháng 10.
Theo PGS.TS Khánh, để an cư cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp, chính quyền cần thiết kế chính sách hỗ trợ để có nhiều phân khúc nhà ở khác nhau phù hợp với khả năng chi trả tương ứng của từng nhóm thu nhập khác nhau.
Kinh nghiệm các nước cho thấy, mức chi trả cho nhà ở được xem là hợp lý khi không vượt quá 30% thu nhập và tỷ lệ này ước tính sẽ thấp hơn nhiều ở Việt Nam vì mức sống thấp hơn các nước.
Ông cho rằng, phát triển nhà ở giá hợp lý thành công cùng với việc cải tạo nhà ở dưới chuẩn của các khu dân cư lao động nghèo, nhà ven kênh rạch sẽ góp phần quan trọng để đảm bảo yêu cầu chống dịch, tạo điều kiện thu hút lao động quay trở lại TP.HCM và góp phần chỉnh trang đô thị.
TS Dư Phước Tân, (Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM) cho rằng, qua đại dịch, một trong những khiếm khuyết bộc lộ rõ nét nhất là việc cung ứng nhà ở cho công nhân, lao động tại các doanh nghiệp trong KCN, đã chưa được đầy đủ, an toàn, ổn định, giúp người lao động thực sự an tâm làm việc trong bối cảnh đại dịch cũng như sau khi đại dịch, dẫn đến hiện tượng thiếu hụt lao động do di chuyển về quê, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất của các doanh nghiệp.
Do vậy, nhu cầu xây dựng nhà ở dành cho người nghèo, thu nhập thấp và công nhân lao động trong các khu công nghiệp là vấn đề đặt ra bức thiết.
Theo ông, để thực thi chính sách giải quyết nhà ở cho người lao động nghèo, thu nhập thấp và nhà lưu trú công nhân trong các KCN, TP.HCM cần áp dụng mô hình “bao cấp chéo”, để lấy thu bù chi, tạo điều kiện có một nguồn lực dồi dào, đầu tư nhà ở cho thuê dài hạn.
Theo đó, thành phố cần nghiên cứu hình thành một tổ chức liên ngành, đủ mạnh, được trao nhiều quyền hạn, kể cả giao một số quỹ đất công, để triển khai thực hiện chương trình nhà ở dành cho lao động nghèo, thu nhập thấp theo đúng nghĩa (khác với mô hình nhà ở xã hội hiện nay).
"Nhân cơ hội này, chúng ta cần tập trung giải quyết rốt ráo vấn đề nhà ở cho lao động nghèo, người thu nhập thấp và công nhân lao động trên địa bàn thành phố", TS Tân nói.
Khu lưu trú cho công nhân tại Khu chế xuất Tân Thuận.
Còn theo PGS TS Trần Tiến Khai, (ĐH Kinh tế TP.HCM), để giữ chân người lao động bên cạnh các giải pháp chăm lo phúc lợi và an sinh xã hội cho công nhân và người lao động cần nâng cao đời sống vật chất của công nhân thông qua thay đổi chính sách lương tối thiểu áp dụng cho khu vực tư. Nâng dần mặt bằng lương tối thiểu để đuổi kịp mức bù trượt giá và tiến tới xây dựng ngưỡng thu nhập tối thiểu hợp lý với thu nhập quốc dân.
"Chúng ta có thể xây dựng các quy định tiêu chuẩn xây dựng và tiện ích của nhà trọ, ký túc xá công nhân. Cung cấp vốn ưu đãi cho giới chủ nhà trọ để nâng cấp nơi lưu trú, từ đó nâng cao chất lượng sống của công nhân và người lao động. Cung cấp đầy đủ các dịch vụ công về y tế, giáo dục cho gia đình công nhân và người lao động. Nghiên cứu đề xuất tỷ lệ đóng góp bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp hợp lý nhằm nâng cao thu nhập thực của công nhân và người lao động", PGS TS Trần Tiến Khai đưa ý kiến.
Bên cạnh đó, ông cho rằng, cần giãn mật độ tập trung của người lao động, giảm áp lực cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội đối với các khu công nghiệp tập trung ở một vài tỉnh thành, tạo điều kiện cho công nhân và người lao động giảm bớt dịch chuyển đến các tỉnh thành khác, có thể làm việc tại địa phương và cư trú tại gia đình (ly nông bất ly hương). Điều này góp phần phát triển kinh tế địa phương và giảm các chi phí xã hội toàn vùng.