Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chàng trai dân tộc Thái trở thành thủ khoa kép ngành múa

Ba năm học trung cấp múa ở Lào Cai và bốn năm tại Đại học Sân khấu điện ảnh, Nùng Văn Minh (23 tuổi) đang dần thu trái ngọt.

8h30 sáng ở phòng học lớp múa dân gian dành cho học viên năm nhất Học viện Múa Việt Nam (Cầu Giấy, Hà Nội), Nùng Văn Minh trong chiếc áo phông trắng, quần tập đen, đứng giữa lớp hướng dẫn các em khởi động rồi bắt đầu bài học.

Hơn ba tiếng sau, Minh vội lấy xe đi đến địa điểm tổ chức lễ kỷ niệm thành lập của một công ty cách trường chừng 5 km. Chỉ kịp uống ngụm nước, chàng trai sinh năm 1996 thay vội trang phục. Trong vai trò của diễn viên múa, Minh nhanh chóng lên sân khấu để tổng duyệt cho buổi biểu diễn vào 3h chiều.

"Hơi vất vả nhưng mình rất vui vì được sống và làm việc đúng như những gì đặt ra khi quyết định xuống Hà Nội thi đại học cách đây bốn năm", Minh, thủ khoa kép ngành Huấn luyện và Biên đạo múa (Đại học Sân khấu điện ảnh), chia sẻ.

Sinh ra trong gia đình dân tộc Thái ở bản Nà Hoi (xã Thân Thuộc, huyện Tân Uyên, Lai Châu), bố mẹ chủ yếu làm nông, Minh không nghĩ sẽ theo học ngành nghệ thuật. Tốt nghiệp THCS, Minh muốn học tiếp THPT ở trường nội trú tỉnh nhưng không đỗ.

Cùng lúc đó, trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Lào Cai xuống huyện tuyển sinh. Có người quen trong bản từng học múa và giờ làm giảng viên trường này, Minh đăng ký thi thử.

Phụ giúp gia đình làm nông từ nhỏ, thân hình thô cứng lại chưa múa bao giờ nhưng có chiều cao, bắt chước được các tổ hợp động tác của ban giám khảo, Minh vừa đủ điểm vượt qua vòng tuyển sinh.

"Trúng tuyển vừa vui vừa phân vân. Bố mẹ mình không biết chữ nên không định hướng được nghề nghiệp cho con. Thấy thầy trong bản đi học múa rồi được làm giảng viên, bố mẹ cũng liều cho con trai sang Lào Cai học với kỳ vọng một ngày con cũng được đứng trên bục giảng. Thế là mình khăn gói lên đường. Năm đó mới 14 tuổi", Minh nhớ lại.

Nùng Văn Minh biểu diễn múa. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Những ngày đầu học múa là khoảng thời gian Minh nhớ nhất. Cơ thể không mềm dẻo, lại phải học những động tác như ép dẻo, uốn người khiến Minh đau đến bật khóc. Mỗi lần xoạc như một cực hình mà khi được thầy cho phép thả động tác thì như "chết đi sống lại". Dần dần, cơ thể cũng mềm hơn nhưng phải đến năm thứ ba, Minh mới cảm nhận được sự mềm dẻo, thanh thoát của một diễn viên múa.

Học xong ba năm trung cấp, Minh được trường giữ lại làm việc ở trung tâm thể nghiệm, chuyên đi biểu diễn phục vụ các sự kiện trong trường và tỉnh với mức lương 1,5 triệu đồng mỗi tháng. Dù chỉ đủ ăn, chàng trai Thái vẫn rất hào hứng khi kiếm được những đồng lương đầu tiên trong đời. Cũng trong thời gian đó, Minh ấp ủ xuống Hà Nội học đại học chương trình huấn luyện và biên đạo múa bởi thấy sự nghiệp diễn viên không thể lâu dài.

Hôm xuống Hà Nội nộp hồ sơ thi vào Đại học Sân khấu điện ảnh, được người quen của thầy giáo cũ giới thiệu ứng tuyển tham gia show của Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam ở Nghệ An và Quảng Bình, Minh hào hứng tham gia. Kỹ thuật múa chưa tốt vì ở trường trung cấp chỉ được học những động tác cơ bản của một số dân tộc miền núi phía Bắc, nhưng với chiều cao 1,73 m, có khả năng bê vác, làm trụ trong các tiết mục, Minh được chọn.

Sau chuyến lưu diễn đầu tiên kéo dài 10 ngày, Minh nhận gần 6 triệu tiền thù lao, vui vẻ bước vào kỳ tuyển sinh đại học diễn ra sau đó khoảng một tháng. Kết quả, Minh trở thành thủ khoa đầu vào khoa Huấn luyện và Biên đạo múa. Tại đây, Minh được học múa bài bản hơn, được tiếp cận nhiều thể loại múa và học phương pháp huấn luyện, biên đạo bài.

Qua giới thiệu của bạn bè rồi tự gây dựng mối quan hệ của cá nhân, Minh đi diễn kiếm tiền ở nhiều sự kiện, từ các buổi khai trương công ty, lễ kỷ niệm đến liveshow của ca sĩ nổi tiếng.

Việc học và công việc biểu diễn khá dày khiến Minh gặp khó khăn trong sắp xếp thời gian, đảm bảo vừa giữ được quan hệ để có show sẽ được gọi, vừa không bỏ bê việc học ở trường. Tập luyện nhiều, Minh thường xuyên bị chấn thương, trầy xước là chuyện thường, nặng hơn là bị trẹo chân, thoái hóa xương khớp.

Minh từng phải điều trị ở viện trong 2-3 tuần vì chứng đau lưng và thoái hóa đốt sống cổ. Đổi lại, em được rèn nghề, không phải xin tiền bố mẹ kể từ năm hai đại học, tự mua được điện thoại, xe máy và mua quà mỗi lần về thăm gia đình.

Nùng Văn Minh (trái) trong một vở diễn tại trường. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Năm ba đại học, Minh được tuyển chọn tham gia chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản. Chàng trai qua Nhật hai lần để diễn vở "Không tín hiệu" của đạo diễn người Nhật tại nhà hát Kaat, thành phố Yokohama, sau đó lại được diễn một lần nữa vở đó ở Việt Nam.

"Đó là kỷ niệm không bao giờ quên bởi là lần đầu sang nước ngoài. Tham gia vở của đạo diễn người Nhật cũng giúp mình học hỏi được rất nhiều, đặc biệt là tính chuyên nghiệp, chuẩn mực đến từng milimet", Minh nói.

Sau bốn năm học, từ chàng sinh viên năm nhất biên đạo bài múa dân tộc Mông một cách khờ khạo, thiếu logic, Minh dựng được những bài dài hoàn thiện, học nhiều kỹ năng huấn luyện. Minh tốt nghiệp với điểm trung bình 8,59/10, ẵm danh hiệu thủ khoa đầu ra của toàn trường Đại học Sân khấu điện ảnh.

Hiện Minh là giảng viên thỉnh giảng bộ môn Múa dân gian của Học viện Múa Việt Nam. Mỗi tuần, Minh lên lớp bốn buổi ở hai lớp. Công việc giảng viên khiến Minh phải chỉn chu hơn, học cách bao quát, giao tiếp với học sinh. Minh cũng vẫn đi diễn để có thêm thu nhập.

"Ở bản Nà Hoi, mình là người thứ ba theo nghiệp múa, sau thầy giáo đang dạy ở Lào Cai và em gái thầy. Sau mình, một số em nữa sang Lào Cai học. Người lớn trong bản chỉ làm nông, không có định hướng cho con nên thấy có người thành công ở ngành nào sẽ cho con theo ngành đó. Vả lại, học các ngành khác khá tốn kém", Minh nói và chia sẻ sẽ theo nghiệp múa lâu dài, hy vọng có thể truyền cảm hứng cho các thế hệ sau.

Nguồn: VnExpress

Tin mới