Buổi sáng hôm đó, Tiểu Húc (Giang Tô, Trung Quốc) vừa thức dậy thì điện thoại đổ chuông. Điều kỳ lạ là tiếng chuông này đột nhiên trở nên rất nhỏ, kèm theo nhiều tạp âm lạ mà anh chưa từng nghe thấy bao giờ. Khi áp điện thoại di động vào tai phải, Tiểu Húc không thể nghe rõ lời nói của đầu dây bên kia. Phía bên tai trái trở nên rất khó chịu, giống như bị ù tai kèm theo âm thanh vo ve của cả đàn ong.
Tiểu Húc cho rằng đường truyền mạng có vấn đề, cộng thêm mình chưa tỉnh ngủ nên không để tâm mà đi tắm rửa rồi chuẩn bị bữa sáng. Trong lúc ăn sáng, anh gọi lại cho khách hàng một lần nữa, lần này còn cẩn thận dùng bông sạch ngoáy tai, mở sẵn loa ngoài nhưng kết quả là hoàn toàn không nghe thấy âm thanh gì.
Tiểu Húc bắt đầu lo lắng, anh thử dùng chiếc điện thoại dự phòng khác gọi cho một người bạn nhưng tình trạng cũng tương tự; ngay cả khi mở nhạc trên laptop cũng không có gì thay đổi.
Ngón tay anh run rẩy gõ những triệu chứng bất thường của mình lên thanh công cụ tìm kiếm, càng đọc càng hoảng loạn. Cuối cùng, Tiểu Húc quyết định nhắn tin xin nghỉ làm và bắt xe tới Bệnh viện Đại học Y Nam Kinh (Trấn Giang, Giang Tô, Trung Quốc) thăm khám.
(Ảnh minh họa)
TS Mã Vĩnh Minh - Trưởng khoa Tai mũi họng và Phẫu thuật đầu cổ của bệnh viện này là bác sỹ điều trị cho Tiểu Húc. Ông kể lại, khi nhận được kết quả chẩn đoán điếc đột ngột, chàng trai trẻ đã không giữ được bình tĩnh. Một phần vì không nghe thấy âm thanh xung quanh nên bệnh nhân khó kiểm soát âm lượng, liên tục la hét cho rằng các y bác sỹ bị nhầm lẫn.
Trong suy nghĩ của Tiểu Húc, nếu không phải do gặp tai nạn nghiêm trọng thì điếc chỉ có thể là bệnh tuổi già. Một chàng trai 22 tuổi khỏe mạnh như anh không thể mắc bệnh này.
Bác sỹ Mã cho biết, điếc đột ngột là một rối loạn tai mũi họng không hề hiếm gặp nhưng lại dễ bị xem nhẹ, phát hiện muộn, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng về thính giác, thậm chí có thể gây mất thính lực vĩnh viễn.
Điếc đột ngột chỉ tình trạng giảm sức nghe ít nhất 30 decibel ở ít nhất 3 tần số liên tiếp xảy ra trong vòng 72h, thường xảy ra ở một bên tai, các dấu hiệu thường rõ ràng nhất vào buổi sáng sau khi thức dậy. Bệnh xảy ra khi có tổn thương tai trong, thần kinh thính giác hoặc trung tâm thính giác ở não.
Có nhiều nguyên nhân gây bệnh, thậm chí có cả những trường hợp vô căn - không thể tìm ra nguyên nhân. Tuy nhiên, theo bác sỹ Mã thì có 5 nhóm nguyên nhân phổ biến nhất được tổng hợp trên lâm sàng, bao gồm:
- Viêm: Nhiễm trùng (virus, lao, giang mai…), tự miễn (hội chứng Cogan, xơ cứng rải rác…).
- Khối u: U thần kinh thính giác, u thân não…
- Mạch máu: Nhồi máu, xuất huyết, co thắt mạch, phình tách động mạch.
- Chấn thương.
- Nhiễm độc: Do thuốc (điều trị ung thư, lao…), chì.
Ông nói thêm rằng, nếu như trước đây, điếc đột ngột chủ yếu gặp ở người trung niên, cao tuổi thì khoảng 5-10 năm trở lại đây, bệnh này rất phổ biến ở người trẻ, nhất là thanh niên dưới 30 tuổi như Tiểu Húc. Nguyên nhân gây bệnh ở Tiểu Húc cũng chính là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất về lối sống dẫn tới tình trạng trên.
Cụ thể, Tiểu Húc sử dụng tai nghe quá nhiều với âm lượng quá lớn trong thời gian dài. Sau khi tốt nghiệp cao đẳng, vì quá khó để tìm được công việc đúng ngành học nên Tiểu Húc làm telesale hơn một năm. Công việc của anh phải gọi điện thoại rất nhiều, giao tiếp với khách hàng ngay cả buổi tối, trong lúc đi xe buýt về nhà nên chiếc tai nghe dần trở thành “vật bất ly thân”.
Để giải tỏa căng thẳng trong công việc, Tiểu Húc cũng có sở thích nghe nhạc bất cứ khi nào rảnh rỗi. Điều quan trọng là anh có thói quen nghe nhạc, nghe điện thoại ở mức âm lượng tai nghe rất lớn. Tổng thời gian sử dụng tai nghe, nhất là loại tai nghe nhét tai (in ear) của Tiểu Húc ít nhất là 10 tiếng mỗi ngày, có những ngày thậm chí còn đeo luôn tai nghe đi ngủ.
Sử dụng tai nghe sai cách là một trong những nguyên nhân chính gây suy giảm, mất thính lực ở người trẻ (Ảnh minh họa)Một khảo sát của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy, gần một nửa số người trên thế giới trong độ tuổi từ 12 - 35, tương đương 1,1 tỷ người có nguy cơ bị suy giảm thính lực, chủ yếu do thường xuyên đeo tai nghe để nghe nhạc âm lượng lớn.
Bác sĩ Mã giải thích thêm: “Sử dụng tai nghe quá nhiều tác động tiêu cực đến tai theo 2 cách chính. Đầu tiên, nó khiến cho các tế bào thần kinh trong ốc tai phải làm việc quá sức. Thứ 2 là làm không khí và máu khó lưu thông, dẫn đến tai dễ bị viêm nhiễm, tích tụ nhiều ráy tai. Từ đó gây ra suy giảm thính lực, điếc tạm thời hay thậm chí là bị mất thính lực vĩnh viễn.
Hơn nữa, khó mà tránh được tổn thương tai và suy giảm thính lực nếu hằng ngày tiếp xúc âm thanh có cường độ 85 - 90 decibels (dB) liên tục trên 2 giờ đồng hồ và kéo dài trên 12 tháng. Bởi vì với âm thanh ở ngưỡng 94dB, tai chúng ta có thể chịu đựng được 1 tiếng mỗi ngày. Còn với ngưỡng âm thanh là 105dB, tai con người chỉ có thể chịu đựng được khoảng 4 phút mỗi ngày”.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, tốt nhất không nên đeo tai nghe quá 2 giờ đồng hồ mỗi ngày. Không dùng tai nghe liên tục quá 15 phút mà cần cho tai có thời gian nghỉ ngơi giữa những lần sử dụng, nhất là với các loại tai nghe nhét sâu vào trong tai. Đương nhiên, không nên nghe tai nghe ở âm lượng quá lớn, vượt quá 60% tổng mức âm lượng thiết bị và vệ sinh tai nghe thường xuyên.
May mắn là trường hợp của Tiểu Húc chỉ bị mất thính lực tạm thời. Sau khi nhập viện và điều trị 5 ngày, anh đã lấy lại được trên 90% thính lực và được xuất viện tiếp tục điều trị ngoại trú.