Trước tình trạng sốt đất kéo dài, mới đây 4 bộ: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính và Kế hoạch Đầu tư đã vào cuộc để ngăn chặn. Thời hạn để báo cáo về Bộ Tài nguyên và Môi trường là trước 31/5/2021.
Theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, nhiệm vụ lớn nhất của cơ quan quản lý thị trường bất động sản Việt Nam lúc này là “cắt sốt” bằng mọi cách. Chính quyền các đô thị lớn như Hà Nội hay TP.HCM phải coi việc làm này là nhiệm vụ trọng tâm để ngăn chặn việc lan ra toàn thị trường.
Sốt đất diễn ra ở nhiều địa phương. (Ảnh minh họa)
Trong đó phải có công cụ thuế để “cắt sốt”, tuy nhiên, điều đáng tiếc hiện nay là hệ thống thuế bất động sản của Việt Nam chưa được đổi mới, do đó chưa thể dùng để ngăn chặn sốt đất.
Ông Võ phân tích, kinh nghiệm tại các nước phát triển cho thấy họ sử dụng công cụ thuế chuyển quyền đánh thuế theo lũy tiến ở mức cao vào những trường hợp mua nhanh, bán nhanh mang tính "lướt sóng", đồng thời có sắc thuế riêng đánh vào giá trị đất đai tăng thêm do đầu tư của người khác mang lại.
Ở Việt Nam, công cụ điều tiết cung cầu tức là nhà nước có thể tung ra nhà ở, đất ở để “giảm sốt” cũng không có. Chính vì vậy, giải pháp cơ bản nhất trước hết là các địa phương chỉ có thể ngừng cho phép chuyển mục đích sử dụng đất vì quy hoạch kỳ tới chưa được phê duyệt.
Cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cũng cần làm rõ thông tin lợi - hại để cảnh báo người dân phải nghiên cứu kỹ, phải có thông tin đầy đủ về tình trạng quy hoạch, những rủi ro gặp phải… khi tham gia đầu cơ đất.
Cần mạnh tay giải tán tất cả các cuộc tụ tập mua bán đất đai đông người tự phát mọc lên tại các vùng đang nóng sốt, không nên để nó ồn ã trên thị trường và đi theo hướng tạo lợi ích bất chính cho những người "ăn theo" sốt đất.
Nhiều chuyên gia còn cho rằng, cần thiết lập hệ thống dữ liệu mở để các bên liên quan thường xuyên cập nhật thông tin và đặt ra nghĩa vụ bắt buộc đối với các chủ thể trong việc đẩy thông tin lên kênh dữ liệu vừa nói.
Đơn cử như Nhật Bản, theo Luật xây dựng và kinh doanh bất động sản được ban hành từ năm 1952, các đơn vị kinh doanh bất động sản đều phải cập nhật thông tin về sản phẩm lên hệ thống. Giá cả và các biểu cước dịch vụ cũng được các sàn giao dịch và đơn vị môi giới trung gian niêm yết công khai.
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam - nhấn mạnh đến vai trò vào cuộc của chính quyền, địa phương trong việc kiểm soát hoạt động môi giới đất đai theo đúng quy định pháp luật; xử lý mạnh tay những tin đồn, đầu nậu cấu kết với cán bộ địa phương tạo dựng đất ảo. Bởi thực tế, hoạt động của nhiều sàn giao dịch, môi giới bất động sản hiện còn quản lý lỏng lẻo hoặc mức độ xử lý nhẹ nhàng, chưa cương quyết.
"Chúng ta trước hết phải có sự vào cuộc của chính quyền. Nhà nước, chính quyền khi công bố các quy hoạch thì phải công bố một cách công khai, phải làm thế nào để nhà đầu tư, khách hàng, người dân có thể tiếp cận thông tin đó và kiểm chứng thông tin một cách thuận lợi. Tránh trường hợp họ chỉ mới nghe có, còn mọi thông tin khác thì nghe từ đầu nậu, đầu cơ chứ không được nghe từ nhà nước và không có cơ sở gì để kiếm chứng”, ông Đính nhấn mạnh.
Nói về nguyên nhân khiến đất lên cơn sốt, theo GS. Đặng Hùng Võ, bắt nguồn từ việc thiếu nguồn cung từ năm 2019. Theo đó, giá nhà đất tại TP.HCM năm 2020 tăng khoảng 30%, Hà Nội tăng khoảng 20%. Ông Võ dự đoán, việc thiếu nguồn cung sẽ còn diễn ra vài ba năm nữa.
Trong khi đó, nhiều chủ đầu tư có nguồn cung chưa muốn tung sản phẩm ra thị trường mà chờ để tăng giá. Đây là nguyên nhân đẩy giá nhà tăng cao.
Mặt khác, 2021 là năm đầu tiên của kỳ quy hoạch 10 năm. Nhiều địa phương cần phải đưa ra ý tưởng quy hoạch sân bay, hệ thống giao thông, hệ thống đô thị nhà ở, xây dựng – quy hoạch lại tổ chức hành chính địa phương nâng huyện lên quận, thành lập thành phố mới… Điều này vô tình đã dẫn tới những cơn sóng sốt đất tại các địa phương.
Trong đó, chỉ có một số được phê duyệt, còn lại mới chỉ là dạng ý tưởng hoặc đang xây dựng đồ án. Như vậy, chính những thông tin chưa rõ ràng này bị lợi dụng để giới đầu cơ đẩy giá đất lên cao, từ đó có thể kiếm lợi, đẩy thị trường BĐS rơi vào cảnh sốt đất tăng cao, kéo dài.