UEFA vừa thông báo hạn chót để hoàn thành các giải đấu châu Âu mùa này là 30/6/2020. Đây dĩ nhiên là khoảng thời gian kỳ vọng, không phải ép buộc, nhưng để không ảnh hưởng đến mùa 2020/2021 và không phá vỡ những kết cấu lâu đời của bóng đá như hợp đồng cầu thủ, thị trường chuyển nhượng, các giải cần kết thúc trước khoảng thời gian này.
Dù vậy, theo ESPN, dường như UEFA đang cố đặt ra một thời hạn, thay vì hợp tác cùng các CLB tìm phương án giải quyết. So với các giải VĐQG, Champions League và Europa League đối diện với vấn đề nan giải hơn nhiều. Tổ chức phần còn lại của hai giải đấu và hoàn thành trước hạn 30/6 là nhiệm vụ khó khăn, thậm chí không tưởng với các nhà điều hành giải.
Champions League và Europa League đi về đâu?
ESPN liệt kê 3 lý do chính mang tới thách thức cho Champions League. Thứ nhất, giả sử kịch bản đẹp đẽ nhất là dịch Covid-19 sẽ giảm bớt sau đây vài tuần nữa, thì mức độ tồn đọng virus corona ở các quốc gia vẫn là khác nhau. Khoảng thời gian để Tây Ban Nha, Đức, Pháp, Italy,... tuyên bố hết dịch khó trùng khớp.
Sẽ có thời điểm Pháp, Đức hết dịch, nhưng chưa chắc các quốc gia khác đã giải quyết xong vấn đề. Mức độ nhiễm virus corona ở các quốc gia châu Âu là khác nhau, nên mỗi CLB khi rời nước này sang nước khác thi đấu sẽ đối diện với vô số khó khăn.
Nếu Atletico Madrid chạm trán RB Leipzig, có chắc chắn đội bóng Tây Ban Nha sẽ được nhập cảnh vào Đức mà không phải cách ly, hoặc nếu thi đấu xong, họ trở về Tây Ban Nha, liệu Atletico Madrid có phải tự cách ly 14 ngày?
Thứ hai, không có gì đảm bảo lệnh hạn chế đi lại giữa các quốc gia sẽ được tháo bỏ, trong trường hợp Covid-19 bị đẩy lui. Đó là lý do các vòng knock-out Champions League được tính đến giải pháp đá 1 trận duy nhất trên sân trung lập, song đó là sân... ở nước nào?
Bayern Munich sẽ đá trận lượt về với Chelsea thế nào, khi Đức có nguy cơ phải phong toả đất nước?
Thời điểm này, tìm ra một quốc gia tổ chức thi đấu cho hai đội châu Âu đến từ các quốc gia khác là chuyện không tưởng.
Cuối cùng, cứ cho rằng trong cuối tháng 4, đầu tháng 5 tới, dịch bệnh sẽ được khống chế, để ít nhất các trận đấu diễn ra trên sân không khán giả, thì các nhà điều hành sẽ phải cạnh tranh với rất nhiều giải đấu khác như Ngoại hạng Anh, LaLiga, Serie A, Bundesliga để giành thời gian tổ chức.
Để đạt thời hạn kết thúc giải do UEFA yêu cầu, các giải đấu gần như chắc chắn phải tăng cường độ đá 2 trận/tuần, thậm chí có đề xuất đá... 2 ngày/trận. Tần suất thi đấu dày như thế, các đội đá Champions League, Europa League phải xếp lịch vào đâu?
Trên lý thuyết, Champions League và Europa League mới đi đến vòng 1/8. Còn 17 trận ở Champions League và 29 trận ở Europa League phải thi đấu hết, trong quãng thời gian ít ỏi còn lại.
Trong trường hợp các trận bán kết, chung kết chỉ đá trong 90 phút, các CLB và nhà đài phải chịu thiệt hại lớn về tiền bạc. Một số CLB phải chịu cảnh đá trên sân đối thủ, nếu UEFA không tìm được sân trung lập, đây là thiệt thòi lớn.
Sân bóng trung lập nào đủ khả năng bất chấp rủi ro để tổ chức Champions League?
Một giải pháp khác là tổ chức vòng bán kết và chung kết trong 2 tuần giống một giải đấu thu nhỏ tại thành phố đăng cai trận chung kết, song liệu Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) và Gdansk (Ba Lan) đã sẵn sàng chào đón các đội đến thi đấu? Bởi không chỉ CLB, còn có hàng nghìn CĐV đến từ các nước châu Âu đổ đến để theo dõi, chỉ vài tuần sau khi các nước này ở trong tình trạng phong toả?
Khác với các giải VĐQG, vốn được giải quyết dễ dàng khi các trận đấu thuộc nội bộ một nước, Champions League và Europa League là giải đấu "xuyên quốc gia", liên quan đến rất nhiều nước, trong bối cảnh việc di chuyển giữa nước này sang nước kia đang rất nhạy cảm.
Do đó, tìm được giải pháp cho hai giải này là bài toán cần sự vào cuộc của nhà điều hành, CLB, nhà tài trợ, đài truyền hình và cả chính phủ các nước. Nếu không tìm ra giải pháp ít thiệt hại nhất, Champions League và Europa League sẽ đứng ở thế "chỉ mành treo chuông".