Ông Trần Văn Thức, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hoá cho biết, trường Đại học Hồng Đức và Đại học Văn hoá - Thể thao và Du lịch Thanh Hoá là hai cơ sở giáo dục đại học công lập, trực thuộc UBND tỉnh quản lý.
Theo chức năng tham mưu, từ cuối tháng 6/2023, Sở GD&ĐT phối hợp với hai trường trình Sở Tài chính và UBND tỉnh Thanh Hoá cấp kinh phí và giao chỉ tiêu đào tạo sư phạm đại học hệ chính quy năm 2023 theo hình thức đặt hàng.
Chậm giao chỉ tiêu khiến 2 trường đại học ở Thanh Hoá buộc tạm dừng tuyển sinh. (Ảnh minh hoạ)
Đến trước 29/7, UBND tỉnh vẫn chưa chốt mức kinh phí và giao chỉ tiêu cho hai trường. Do đó, đơn vị buộc phải thông báo tạm dừng tuyển sinh ngành sư phạm năm 2023.
"Sở GD&ĐT Thanh Hoá đã cố gắng hết sức giải quyết điểm nghẽn cho hai trường nhưng nằm ngoài thẩm quyền", ông Tứ nói. Về lý do cơ quan chức năng của tỉnh chậm trễ trong khâu giải quyết, giao chỉ tiêu khiến hai trường trên rơi vào thế khó và trách nhiệm việc này thuộc về đơn vị nào, ông Thức từ chối trả lời.
Là đơn vị trực tiếp cân đối ngân sách để giao đào tạo, nhưng ông Nguyễn Văn Tứ, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Thanh Hoá cũng từ chối trả lời nguyên nhân, trách nhiệm của đơn vị để xảy ra tình trạng chậm trễ giao chỉ tiêu đào tạo sư phạm cho hai trường trên địa bàn tỉnh. "Việc này nằm ngoài thẩm quyền quyết định của Sở Tài chính", ông nói.
Từ đầu tháng 7/2023, Sở Tài chính có văn bản tham gia ý kiến về việc giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên năm 2023 cho trường Đại học Hồng Đức cùng Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa. Tuy nhiên, nguồn kinh phí đảm bảo để đào tạo sinh viên sư phạm theo quy định tại nghị định 116 của Chính phủ là rất lớn. Hiện tỉnh chưa cân đối được nguồn đảm bảo để thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt với sinh viên sư phạm.
Sở Tài chính cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh văn bản báo cáo Bộ Tài chính, Bộ GD&ĐT đề nghị hỗ trợ kinh phí để đặt hàng đào tạo sinh viên sư phạm.
Đến nay, Bộ Tài chính chưa có văn bản trả lời địa phương. Còn Bộ GD&ĐT ra văn bản nêu theo phân cấp, kinh phí hỗ trợ theo Nghị định 116 cho sinh viên sư phạm tại các cơ sở đào tạo thuộc địa phương quản lý do các địa phương tự đảm bảo. Trường hợp địa phương khó khăn chưa cân đối được kinh phí thì báo cáo Bộ Tài chính để thẩm định báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ kinh phí cho địa phương theo quy định.
Hai ngày khi các thí sinh hết thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh Thanh Hoá mới cấp chỉ tiêu đào tạo đặt hàng ngành sư phạm cho hai trường Đại học Hồng Đức, Đại học Văn hoá - Thể thao và Du lịch vào hôm qua 1/8.
Tuy nhiên, UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ ký quyết định giao nhiệm vụ đào tạo 200 chỉ tiêu. Trong đó, trường Đại học Hồng Đức 135 chỉ tiêu đại học sư phạm, gồm: giáo dục Mầm non 30 chỉ tiêu, giáo dục Tiểu học 30, sư phạm Tin học 30, sư phạm tiếng Anh 30, sư phạm Khoa học tự nhiên 15.
Trường Đại học Hồng Đức là một trong những cơ sở có điểm chuẩn sư phạm cao nhất cả nước trong 3 năm qua.
65 chỉ tiêu còn lại giao cho trường Đại học Văn hoá - Thể thao và Du lịch Thanh Hoá, gồm: 25 chỉ tiêu giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học 20, còn sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật mỗi ngành 10 chỉ tiêu.
Trong khi trước đó Bộ GD&ĐT đồng ý cho trường Đại học Hồng Đức tuyển sinh 1.015 chỉ tiêu đại học sư phạm năm 2023. Vậy vì sao UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ giao nhiệm vụ đào tạo 135 chỉ tiêu đại học sư phạm?
Ông Bùi Văn Dũng, Hiệu trưởng trường Đại học Hồng Đức cho hay, trường là đại học địa phương, do UBND tỉnh Thanh Hóa quản lý. Vì vậy, việc Bộ GD&ĐT đồng ý cho tuyển hơn 1.000 chỉ tiêu là xét về chuyên môn, còn thực chất việc tuyển sinh khối sư phạm, nhà trường phải được UBND tỉnh giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo và cấp kinh phí từ ngân sách của tỉnh.
Vị hiệu trưởng tiếc nuối khi năng lực của trường có thể đào tạo được số chỉ tiêu mà Bộ GD&ĐT đồng ý cho tuyển sinh.
Thí sinh đỗ vào ngành sư phạm của trường Đại học Hồng Đức theo cơ chế đặt hàng sẽ được hưởng các chế độ chính sách theo quy định tại nghị định số 116 của Chính phủ, như miễn học phí đào tạo, được hỗ trợ chi phí học tập với mức 3,63 triệu đồng/sinh viên/tháng.
Với thí sinh chưa điều chỉnh nguyện vọng, trường tiếp tục xét tuyển, đồng thời trường cũng dành 15 -20% tổng chỉ tiêu mỗi ngành để xét tuyển đợt bổ sung tiếp theo, đảm bảo quyền lợi cho thí sinh theo quy định. "Hy vọng nguồn tuyển, chất lượng thí sinh năm nay sẽ không bị ảnh hưởng", ông Dũng lo lắng.
Lượng chỉ tiêu sụt giảm mạnh từ hơn 1.000 về còn hơn 100, cộng với việc quá thời gian thí sinh đăng ký nguyện vọng sẽ là rào cản, thách thức rất lớn cho trường Đại học Hồng Đức trong công tác tuyển sinh năm nay. Đáng nói, theo một số chuyên gia, sự chậm trễ này có thể xảy ra tình trạng chảy máu chất xám cho tỉnh nhà, khi các thí sinh giỏi đổ đi nơi khác để học.
Các năm trước, chất lượng thí sinh đỗ vào trường Đại học Hồng Đức đều thuộc top giỏi. Năm 2022 điểm chuẩn vào trường cao nhất trong các cơ sở giáo dục đại học khối ngành sư phạm cả nước. Lớp sư phạm Ngữ văn chất lượng cao và sư phạm Lịch sử chất lượng cao của Đại học Hồng Đức, có mức điểm gần "chạm trần" - 39,92/40. Nếu không có điểm ưu tiên, trung bình thí sinh phải được 9,98 điểm mỗi môn mới trúng tuyển.
Năm 2021, trường này cũng từng gây "choáng" khi công bố điểm chuẩn Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao là 30,5 điểm (thang điểm 30) cao nhất nhì cả nước.
Để xảy ra tình trạng chậm chễ giao chỉ tiêu đặt hàng đào tạo ngành sư phạm 2023 cho hai trường đại học thuộc sự quản lý của tỉnh Thanh Hóa, GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội khẳng định, trách nhiệm đầu tiên thuộc về UBND tỉnh.
Tiếp đến, cần xem xét lại trách nhiệm của Sở GD&ĐT, Sở Tài chính, Sở Nội khi giữ vai trò tham mưu cho UBND tỉnh mà lại để chậm trễ ban hành kế hoạch đào tạo tuyển sinh. Việc này không những ảnh hưởng đến hai trường Đại học Hồng Đức, Đại học Văn hoá - Thể thao và Du lịch Thanh Hoá, mà còn ảnh hưởng tới hàng ngàn thí sinh có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào 2 cơ sở giáo dục này.
GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội.
"Thanh Hoá là một trong những địa phương thiếu giáo viên nhiều nhất cả nước, theo số liệu thống kê năm 2022 và 2023, nhưng chính tỉnh lại không mặn mà, thiếu quyết liệt trong việc giải quyết tình trạng này", GS Báo thẳng thắn nhìn nhận. Trong khi Bộ Chính trị, Chính phủ và cả nước đang quyết liệt giải quyết việc thiếu giáo viên, cố gắng bổ sung 65.980 biên chế cho ngành giáo dục giai đoạn 2022 - 2026 thì Thanh Hoá lại để chậm trễ đào tạo đặt hàng.
Chia sẻ kinh nghiệm các trường trên thế giới, ông Báo cho biết, việc đào tạo giáo viên được thực hiện bài bản từ trung ương đến địa phương. Chính phủ sẽ xác định chỉ tiêu đào tạo sư phạm, dự kiến sắp xếp việc làm cho sinh viên sau khi ra trường, dự toán ngân sách. Sau đó Chính phủ trực tiếp chỉ định, phân bổ về địa phương, các trường đại học trọng điểm đào tạo sư phạm.
Nhờ đó, việc đào tạo và đáp ứng nguồn tuyển giáo viên cho các địa phương luôn được đảm bảo, không xảy ra tình trạng thiếu người dạy và không đào tạo sư phạm trôi nổi, kém chất lượng.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, Bộ GD&ĐT cần thể hiện rõ hơn nữa vai trò điều phối đào tạo và cấp kinh phí cho các trường, địa phương trong việc triển khai nghị định 116 của Chính phủ.
Đồng quan điểm, TS Lê Việt Khuyến, nguyện Vụ trưởng Vụ Đại học, Bộ GD&ĐT cho rằng, trách nhiệm thứ nhất thuộc về UBND tỉnh Thanh Hoá và các cơ quan chức năng tham mưu của tỉnh. "Văn bản đề xuất chỉ tiêu đào tạo 2023 được trường, Sở GD&ĐT gửi lên trình trước cả tháng nhưng Sở Tài chính, UBND tỉnh lại loay hoay không quyết định giao chỉ tiêu, ảnh hưởng tới trường, thí sinh. Như vậy thể hiện sự thiếu trách nhiệm, thiếu quyết liệt", ông nêu.
Mặt khác, hai trường Đại học Hồng Đức, Đại học Văn hoá - Thể thao và Du lịch Thanh Hoá do tỉnh quyết định thành lập "là con ruột mà tỉnh còn không quan tâm, đem con bỏ chợ, chậm trễ trong phát triển thì rất đáng buồn".
Trách nhiệm thứ 2 theo TS Khuyến thuộc về Bộ GD&ĐT. Thời gian qua, không chỉ Thanh Hoá mà Bộ GD&ĐT đang im lặng với tất cả các địa phương trong việc triển khai nghị quyết 116 của Chính phủ. Trong khi Bộ GD&ĐT là đơn vị chuyên môn, dù không quyết định biên chế tuyển nhưng hoàn toàn có thể tham vấn cho các địa phương để xác định nguồn tuyển ra sao, xin kinh phí đặt hàng đào tạo thế nào.
Theo Nghị định số 116 của Chính phủ, các tỉnh sẽ căn cứ nhu cầu giáo viên để bố trí ngân sách giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu với trường đào tạo sư phạm. Trong quá trình vào học, các em sẽ được miễn hoàn toàn học phí và nhận trợ cấp sinh hoạt hàng tháng. Các em phải cam kết sau khi ra trường sẽ về địa phương giảng dạy, nếu không sẽ phải hoàn trả lại mức chi phí hỗ trợ trong 4 năm học.
Điểm khó lớn nhất trong việc triển khai nghị định 116 này chính là các địa phương tính toán đầu tư tiền cho sinh viên nhưng lại không có quyền quyết định việc tuyển dụng viên chức sau khi các em ra trường. Đây cũng chính là lý do địa phương không mặn mà với việc đặt hàng đào tạo giáo viên thời gian qua.
Vướng mắc này khiến hơn 40/63 địa phương không đặt hàng đào tạo giáo viên hồi đầu năm học 2022, trong khi tỉnh nào cũng kêu thiếu người. Thanh Hóa và Hà Nội là hai địa phương thiếu nhiều nhất - trên 10.000 người.
Hệ luỵ, ngay cả các trường đại học lớn top đầu về đào tạo sư phạm (Đại học Sư phạm Hà Nội, Sư phạm Hà Nội 2, Sư phạm TP.HCM, Sư phạm Thái Nguyên...) đều bị cắt giảm đáng kể 10 - 40% lượng chỉ tiêu dự kiến tuyển sinh năm 2023.
Để gỡ khó việc giải bài toán thiếu giáo viên ở địa phương và đặt hàng đào tạo sư phạm trong thời gian tới, TS Lê Viết Khuyến đề xuất giải pháp Chính phủ cần quyết liệt hơn nữa, quy trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương. "Sai đâu phạt đấy, Chủ tịch UBND các tỉnh chịu trách nhiệm cao nhất, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, chậm trễ ảnh hưởng tới thí sinh, nhà trường", ông thẳng thắn nêu.