Như thường lệ, cứ đến cuối học kỳ 1, học kỳ 2, vào dịp họp phụ huynh, các cha mẹ có con học giỏi lại đua nhau khoe bảng điểm của con trên facebook. Không thể phủ nhận, những con được khoe bảng điểm ấy đã phải nỗ lực rất nhiều để có những điểm 9, điểm 10 và bố mẹ có quyền tự hào về kết quả của con.
Mẹ khoe "chiến tích", con ngượng
Trên facebook của chị Nguyễn Thanh Vân (Mỹ Đình, Hà Nội) những ngày này nhận "cơn mưa" lời khen của bạn bè khi chị khoe con chị là thủ khoa của một trường THCS với điểm tổng kết kỳ 1 là 9,7. Chưa kể, cô con gái lớn tham gia thi học sinh giỏi cấp thành phố cũng được chị "tường thuật" liên tục.
Cũng như chị Vân, chị Bùi Thanh Huế (Quán Thánh, Hà Nội) cũng khoe bảng điểm cao chất ngất của con ở trường THPT chuyên khiến các phụ huynh khác chỉ biết xuýt xoa, ghen tị.
Biết bảng điểm của mình bị mẹ post trên facebook, một nam sinh lớp 11 cảm thấy khó chịu. Nam sinh này cho biết, điểm số ấy không thể hiện rằng em học giỏi hơn các bạn khác mà mẹ phải tự hào đến vậy. Bởi, ở trong lớp có rất nhiều bạn thực sự giỏi, đặc biệt ở một số môn.
Em thì không giỏi xuất sắc môn nào. Điểm của em cao hơn các bạn là do em chăm chỉ hơn, học đều các môn hơn thôi. Thế nên, em cảm thấy rất ngượng khi nhiều người thân khen em hết lời. Đặc biệt, em rất ngượng với các bạn ở lớp.
Cuối học kỳ 1, cuối học kỳ 2 là dịp nhiều cha mẹ khoe bảng điểm của con.
Những đứa trẻ chịu trận vì điểm thấp
Việc một số cha mẹ khoe bảng điểm, thành tích của con trên facebook để nhận được "cơn mưa" lời khen lại gây cảm giác không vui cho nhiều phụ huynh khác. Họ cảm thấy không được hãnh diện vì con rồi nảy sinh tâm lý đố kỵ, ganh ghét. Họ dè bỉu và cho rằng "những đứa trẻ này chỉ biết học, chắc lại như gà công nghiệp, tồ tệch với đời"…
Bị ảnh hưởng nhất trong việc các cha mẹ khoe bảng điểm của con phải là những đứa trẻ học không giỏi. Từ trước đến nay, chị Hoàng Minh Ái (Thanh Xuân, Hà Nội) luôn xác định không quan trọng điểm số của con. Con được điểm 7, 8 là chị cảm thấy đạt. Thế nhưng, khi thấy nhiều mẹ khoe bảng điểm của con với tràn ngập điểm 9, 10, chị bắt đầu cằn nhằn con rất nhiều.
"Mẹ đầu tư bao nhiêu tiền cho con học như thế mà con học chẳng đâu vào đâu. Học thêm khắp nơi mà chỉ được 7, 8 thì đi học làm gì cho phí tiền. Nhìn bạn con nhà cô Linh ấy, cũng lớp 11 như con mà được 8,5 IELTS, hay bạn con nhà cô Mai ấy, cũng học cấp 3 mà điểm tổng kết trên 9 phẩy", chị nói. "Nghĩ đến điểm lẹt đẹt của con, mẹ thực sự buồn"…
Chị Ái cho biết, dù biết so sánh với "con nhà người ta" là không tốt cho con, nhưng chị không thể nào kiềm chế nổi cảm xúc khi nghĩ đến bảng điểm làng nhàng của con ở cạnh bảng điểm toàn 9, 10 của người quen trên facebook.
Với không ít những phụ huynh, thành tích của con chẳng khác gì "trang sức" của họ. Không ít người trong số họ ép con học ngày học đêm, không cho con có thời gian giải trí chỉ để con đạt thành tích tốt để khiến bố mẹ tự hào, để bố mẹ có thứ để khoe với mọi người.
Những đứa con ngày càng phải gánh áp lực từ kỳ vọng của bố mẹ. Chúng không được quyền thất bại, không được phép có điểm kém, chúng bắt buộc phải học giỏi toàn diện.