Tháng trước, một cô gái 16 tuổi gọi đến cầu cứu các nhà chức trách ở bang Tamil Nadu, miền Nam Ấn Độ khi cha mẹ ép buộc cô kết hôn với một người đàn ông 39 tuổi. Sợ hãi, cô chỉ còn biết tìm đến các nhân viên công tác xã hội giúp đỡ.
Cuối cùng, thiếu nữ được giải cứu kịp thời và đang được chính quyền bảo vệ.
Lý do đằng sau cuộc tảo hôn là cha mẹ cô gái bị mất việc trong lúc dịch Covid-19 tấn công Ấn Độ. Một người đàn ông đã đề nghị chi trả toàn bộ chi phí đám cưới, cũng như không yêu cầu của hồi môn của nhà gái, điều vốn được coi là bắt buộc và tốn kém nhất trong các lễ kết hôn tại quốc gia Nam Á này.
Ấn Độ là quốc gia có tỷ lệ tảo hôn thuộc hàng cao nhất thế giới. (Ảnh: Reuters)
Trước lời đề nghị hấp dẫn, cha mẹ cô bé đã đồng ý gả con gái đi. Và những cuộc tảo hôn vẫn tiếp tục xuất hiện giữa lúc Ấn Độ đang rối ren, đau đầu xử lý với số ca nhiễm virus tăng nhanh.
Ép con gái, lén làm đám cưới khi cả nước phong tỏa
"Số lượng bé gái đang bị ép kết hôn sớm đang ở ngưỡng cao nhất chúng tôi từng chứng kiến. Nhiều người lợi dụng tình hình khó khăn của Covid-19, khiến vấn nạn này càng phình to”, Christina Dorthy, cán bộ phúc lợi xã hội tại thành phố Tiruvannamalaihas, cho hay.
Dù vấn đề tảo hôn ở Ấn Độ không hề xa lạ, các nhà chức trách cho biết nguyên nhân gia tăng gần đây là do dịch bệnh và lệnh phong tỏa toàn quốc. Thất nghiệp tăng vọt cũng là lý do chính khiến nhiều thiếu nữ chưa đến 16 tuổi bị đem gả đi.
Các gia đình lợi dụng việc phong tỏa để tiến hành nghi lễ có chi phí thấp, kín đáo, thay vì tổ chức tiệc cưới linh đình với nhiều khách mời.
Thất nghiệp, điều kiện kinh tế thiếu thốn vì dịch bệnh khiến nhiều gia đình quyết định gả con gái cho những người đàn ông lớn gấp đôi tuổi để giảm bớt gánh nặng. (Ảnh: AP)
“Gia đình dễ dàng bí mật tổ chức hôn lễ ngay tại nhà. Gần đây, tôi vừa can thiệp một vụ tảo hôn, sau khi người dân làng tham dự về bí mật báo tin. Cha mẹ và hầu hết quan khách phủ nhận chuyện đó, song chúng tôi đã tìm thấy bằng chứng trong các bức ảnh về đám cưới”, Dorthy kể lại.
Ngoài ra, việc đóng cửa trường học và các trung tâm cộng đồng đã khiến thanh thiếu niên, đặc biệt là các thiếu nữ, càng không được bảo vệ. Tại bang Telangana, miền Nam Ấn Độ, chính quyền đã can thiệp hơn 200 vụ tảo hôn trong năm qua.
“Thực tế, những gì chúng ta nhìn thấy mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, khi trẻ vị thành niên chưa ý thức được hết và việc giao tiếp cũng bị hạn chế. Họ cũng khó liên lạc với thầy cô, bạn bè như trước”, Chezhian Ramu, nhân viên công tác xã hội, nói.
Một báo cáo năm 2019 của Quỹ Nhi đồng Quốc tế Liên Hợp Quốc (UNICEF) chỉ ra tỷ lệ cứ 3 cô dâu của nạn tảo hôn trên thế giới thì có 1 bé gái ở Ấn Độ. Theo ước tính, có đến 223 triệu cô dâu trẻ em tại quốc gia này, trong đó 102 triệu trường hợp kết hôn trước tuổi 15.
Kết hôn sớm, các cô gái - nạn nhân của tảo hôn, thường trải qua cuộc sống không mấy hạnh phúc về sau khi có con ở tuổi vị thành niên, bị nhà chồng coi thường, đánh đập. (Ảnh: AFP)
Đòi bồi thường chi phí đám cưới
Trên khắp Ấn Độ, nhiều quan chức và các nhà hoạt động đã báo cáo sự tăng đột biến số lượng các cuộc tảo hôn.
Khi lệnh phong tỏa toàn quốc có hiệu lực vào ngày 25/3, đường dây trợ giúp cho trẻ em Childline của chính phủ đã nhận được 37 cuộc gọi liên quan tảo hôn chỉ trong vòng 2 tuần sau đó.
Thành phố Tiruvannamalaihas hiện có số vụ tảo hôn cao thứ hai ở bang Tamil Nadu, với 40 đám chỉ riêng trong tháng 6.
Tại bang Maharashtra, bộ phận Phát triển Phụ nữ và Trẻ em đã can thiệp vào khoảng 80 trường hợp các cô gái bị ép kết hôn trong khoảng tháng 3-6. Trong các trường hợp giải cứu, các bé gái mới chỉ 13 tuổi và bị ép gả cho những người đàn ông gấp đôi tuổi.
Báo cáo tình trạng dân số thế giới năm 2020 của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc cho thấy mặc dù các quốc gia ở Nam Á gần đây đã chứng kiến mức giảm 50% trong các vụ tảo hôn, khu vực này vẫn chiếm phần lớn số trường hợp trên toàn cầu.
Ở các quận như Chatra, nơi tỷ lệ mù chữ và bỏ học càng nghiêm trọng khi có dịch, chính quyền vấp phải sự chống đối của người dân gay gắt hơn trước. “Dân làng sẽ chất vấn sự an toàn của các cô gái nếu họ để chính quyền bảo vệ, hoặc yêu cầu chi phí bồi thường cho đám cưới”, Dorthy nói thêm.
Các nhà chức trách còn lo lắng rằng lạm dụng sẽ không dừng lại việc ép kết hôn sớm.
“Các gia đình ép gả con gái nhỏ của mình đi nghĩ rằng họ sẽ tiết kiệm được chi phí bằng cách tổ chức các đám cưới bí mật trong thời gian phong tỏa. Nhưng họ không nhận ra được những hệ lụy đằng sau: Yêu cầu của hồi môn thái quá, con cái mang thai ở tuổi vị thành niên, bạo lực gia đình sau khi kết hôn”, Dorthy đánh giá.
Mặt khác, những người làm công tác xã hội trong giai đoạn này cũng đối mặt với nguy cơ nhiễm virus cao khi thực hiện nhiệm vụ của mình.
“Hầu hết chúng tôi đều không an toàn khi đi ra ngoài. Một nhân viên của tôi đã thử nghiệm dương tính, những người khác đã có các triệu chứng nhẹ”, Dorthy cho biết.