Hơn 30.000 học sinh Hà Nội rớt lớp 10 công lập. Dù biết trước tỷ lệ chọi khốc liệt, nhưng khi con trượt, nhiều phụ huynh thay vì động viên, định hướng cho con lại cảm thấy "muối mặt", khiến học sinh áp lực chồng áp lực.
Tôi thấy nực cười vì cha mẹ có thể không đỗ bằng lái xe hay trượt phỏng vấn xin việc vài ba lần, nhưng lại đặt lên đôi vai nhỏ của con trẻ sự kỳ vọng quá lớn - "không được phép thi trượt".
Những thí sinh không may mắn trong kỳ thi vào trường công lập đang phải trải qua thời gian không mấy dễ dàng, áp lực tứ bề. Tôi chứng kiến cảnh bữa cơm nghẹn đắng của gia đình chị gái khi cháu tôi trượt lớp 10.
Bố cháu buông bát cơm đang ăn dở, thở dài thườn thượt rồi lặng lẽ đi vào phòng. Chị tôi bực tức buông đũa nói "có mỗi ăn với học thôi mà cũng không thành. Trượt lớp 10 rồi thì làm được gì cơ chứ, con với chả cái, tưởng học hành thế nào". Cháu gái tôi chỉ biết bật khóc, rồi tự trách bản thân.
Ở những lần thi thử ở trường trước đó cháu đều đạt điểm cao nên tự tin với nguyện vọng 1 vào trường THPT Kim Liên. Cô bé không để tâm quá nhiều đến các nguyện vọng sau nên "chọn bừa".
Học sinh thi trượt lớp 10 đang phải trải qua những áp lực tồi tệ. (Ảnh minh họa)
Mỗi lần thi thử, Toán, Văn, cháu đều đạt từ 9 điểm nên chưa bao giờ nghĩ sẽ thi trượt. Nguyện vọng 2 của cháu là vào trường THPT Lê Quý Đôn, nguyện vọng 3 là trường THPT Nhân Chính. Năm nay cháu được 41,5 điểm, năm ngoái trường Kim Liên lấy 41,25 điểm nên nghĩ bản thân sẽ đỗ. Nhìn số điểm chuẩn năm 2023 vào trường là 43,25, cả nhà chị tôi như chết lặng vì con gái trượt tất cả nguyện vọng.
Cháu tôi thiếu 2 điểm để vào được trường THPT Kim Liên. Dù đủ điểm nguyện vọng 1 vào THPT Lê Quý Đôn và THPT Nhân Chính, nhưng do đặt nguyện vọng 2, 3 phải cộng thêm điểm nên cháu vẫn trượt. Từ lúc biết tin không đỗ lớp 10 công lập, nhà chị "rối như canh hẹ". Hai vợ chồng tính "trăm phương nghìn kế" để con có chỗ vào lớp 10.
Khi nghe mọi người mách phải xếp hàng xuyên đêm mới mong nộp được hồ sơ vào trường tư thục, anh chị vội xin nghỉ làm, lao vào "cuộc chiến" giành suất học cho con. Nhìn thấy bố mẹ nhọc nhằn, cháu tôi buồn vô cùng. Quả thật không hẳn vì cháu chưa cố gắng, mà đôi khi, mọi thứ trên đời đều cần thêm một chút may mắn.
Nói đến chuyện thi trượt, tôi rất ấn tượng với cách nhìn nhận, thái độ và sự đồng cảm của một người mẹ có con không vào được lớp 10 công lập năm nay.
Tôi nhớ mãi dòng trạng thái chị viết trên mạng xã hội: "Phút giây con nhìn trên màn hình máy tính và đối diện với dòng chữ “không trúng tuyển” như một luồng điện cháy đen, lạnh lẽo, tàn nhẫn xuyên qua tim. Ánh mắt buồn thăm thẳm, cái gục đầu lặng lẽ của con khiến tim mẹ thắt đau. Làm mẹ, chứng kiến bước chân con đi, hành trình con học, cùng đi qua những ngày nắng cháy da, những cơn mưa rào bất chợ thì có lẽ chẳng nỗi niềm nào xoa dịu được sự xót thương vô bờ bến".
Phụ huynh này cũng khẳng định, nếu có khóa học chuyên sâu về cách đối diện với thất bại, khổ đau khi đã ngoài tuổi 40 thì chị sẽ là người đăng ký đầu tiên. Dù có khóc, có buồn thì cũng phải đứng dậy vì chính bản thân người mẹ đã có được một hành trình gần bên con. Điều cần làm là "mẹ con mình cùng đối diện với nó".
Thật ra, trong một kỳ thi, đỗ hay trượt là chuyện thường tình. Chỉ là cách nhìn nhận và mức độ chấp nhận của mỗi người mỗi khác. Cha mẹ không nên trút hết mọi thất vọng lên con, vì hơn ai hết, chính con là người đang buồn bã và đau khổ nhất. Đón nhận mọi chuyện và ứng xử với nó ra sao là do bản thân mỗi người tự quyết định. Nếu con tự tin bước tiếp nghĩa là con đã chiến thắng rồi.
Vậy thì cha mẹ quát mắng con trước một câu chuyện "sự đã rồi" để được gì? Thiết nghĩ, ngành giáo dục cần thay đổi chính sách tuyển sinh vào lớp 10 để giảm bớt áp lực cho học sinh, phụ huynh.
Bạn nghĩ sao về câu chuyện này? Hãy để lại ý kiến của bạn vào ô bình luận phía dưới. Bài viết của độc giả không nhất thiết đồng nhất với quan điểm của VTC News.