Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cha của thí sinh từ đỗ thành trượt: 'Sách vở đã mua, giờ con tôi biết học ở đâu'

(VTC News) -

Sau khi có kết quả thanh tra về những sai phạm tại kỳ thi vào lớp 10 Thái Bình, nhiều thí sinh từ đỗ thành trượt khiến phụ huynh hụt hẫng, lo đến mất ăn mất ngủ.

258 học sinh từ đỗ thành trượt vào lớp 10 năm học 2024 - 2025 là con số được Thanh tra tỉnh Thái Bình thông báo trong buổi họp báo công bố kết quả thanh tra liên quan đến những sai phạm trong kỳ thi vào lớp 10 trên địa bàn tỉnh.

Giảm 9 điểm sau thanh tra

Ngay khi biết tin, em P.H.D (xã Nam Hà, huyện Tiền Hải, Thái Bình) hoang mang, vội lên website Cổng thông tin tuyển sinh của Sở GD&ĐT Thái Bình để tra cứu lại điểm thi. Thấy tổng điểm thi từ 36,9 giảm còn 27,9, nam sinh hụt hẫng, không tin vào mắt mình. Từ giây phút ấy, P.H.D tự giam mình trong phòng, không nói chuyện với ai.

Chị D. (mẹ của H.D) cho biết, điểm số hiện tại phản ánh đúng năng lực học tập của con, gia đình không có ý định phúc khảo lại. Tuy nhiên, điều khiến chị D. lo sợ nhất là tâm lý con trai.

Ban đầu, với điểm số 36,9, P.H.D đỗ nguyện vọng 1 trường THPT Nam Tiền Hải. Tuy nhiên, sau khi giảm 9 điểm, D. từ đỗ thành trượt.

Tập sách giáo khoa lớp 10 được các gia đình mua sau khi nhận lớp, giờ không còn cơ hội sử dụng.

Lúc thi xong, P.H.D ước chừng điểm Toán được 7, Văn 6, môn tiếng Anh thì không đối chiếu. Đến khi công bố, D. đạt 7,75 điểm Văn, Toán 8,5 điểm, chênh 1 - 2 điểm so với điểm dự trù nên không quá bất ngờ. Lúc này, gia đình rất mừng vì D. đã đỗ vào lớp 10 trường top đầu của tỉnh.

Tuy nhiên, khi được thông báo các thí sinh lên website Cổng thông tin tuyển sinh của Sở GD&ĐT Thái Bình tra cứu lại điểm thi, bố mẹ và D. mất ngủ cả đêm. 

"Hai mẹ con tra cứu điểm xong con cứ lẳng lặng lên phòng. D. tâm lý, sống tình cảm, nên tôi lo cháu suy sụp. Nếu ngay từ đầu công bố điểm con tôi trượt thì đỡ ảnh hưởng hơn. Tôi mong có được giải thích rõ ràng và có hướng xử lý để các con ổn định tâm lý, bởi lỗi sai này không phải từ học sinh hay phụ huynh", chị D. nói và khá lo lắng về khả năng trúng tuyển nguyện vọng 2 khi các trường đã tuyển đủ chỉ tiêu.

'Giờ con tôi biết học ở đâu'

Chung cảnh ngộ con từ đỗ thành trượt nguyện vọng 1 vào lớp 10 công lập, vợ chồng anh N.V.N (xã Nam Hà, huyện Tiền Hải) lo lắng tâm lý của con gái. 

Con gái anh là N.H.Y biết lực học không quá cao nên ngay từ đầu chọn thi vào trường THPT ở huyện Kiến Xương (Thái Bình) cách nhà khoảng 11km. Điểm thi ban đầu của con là 26,8 và đã trúng tuyển.

Anh N vừa bức xúc, vừa lo lắng cho con.

Anh N bức xúc, con đã đi nhận lớp, mua sách vở, đồ dùng học tập, chưa kể vợ cũng hai lần đi họp phụ huynh cho con. Vợ chồng anh đều làm nông, vay mượn tiền để mua cho con chiếc xe điện gần 18 triệu đồng. Sáng nay sau khi xem lại điểm, con không nói được bao nhiêu điểm mà chỉ khóc và bảo trượt rồi.

"Tôi sốc nhưng không biết phải làm sao, giờ đây con không biết phải học trường nào, sách vở đã mua giờ để lại cho ai?", anh N thở dài và lo lắng tâm lý, sức khoẻ của con sẽ bị ảnh hưởng.

Bà Đ.T.D (xã Nam Hà, huyện Tiền Hải) là người chứng kiến cháu trai - N.Đ.H bất lực, thất thần sau khi biết điểm thi mới. H mất mẹ từ khi học lớp 1, bố đi làm cơ khí, thường xuyên theo công trình. Từ nhỏ, bà D. chăm sóc cháu. Hiểu hoàn cảnh của bản thân, H ngoan ngoãn và chăm chỉ học hành.

Ngày tỉnh Thái Bình công bố điểm chuẩn vào lớp 10, H có chút buồn khi với điểm số 27,9, trượt nguyện vọng 1, chỉ đỗ nguyện vọng 2 vào trường THPT ở huyện Kiến Xương.

Bà D. mong muốn cơ quan chức năng có hướng giải quyết thoả đáng ổn định tâm lý các cháu.

Động viên con, bố mua cho H chiếc xe máy 50cc cũ cùng đi học với bạn. Mọi thứ đã chuẩn bị sẵn sàng cho năm học mới nhưng giờ đây sau khi biết điểm thanh tra lại, H. từ đỗ nguyện vọng 2 thành trượt.

Nhìn cháu ủ rũ, bà D. không đành lòng nhưng cũng không biết giúp đỡ bằng cách nào. Bà mong muốn cơ quan chức năng có hướng xử lý phù hợp với các trường hợp từ đỗ thành trượt giúp tâm lý các em học sinh không bị ảnh hưởng.

Khẩn trương khắc phục sự cố

Theo Thanh tra tỉnh Thái Bình, tổng số bài thi tự luận bị sai điểm là 2.769 bài thi, 1.589 thí sinh bị sai tổng điểm xét tuyển. 252 thí sinh từ trượt thành đỗ, trong đó 15 thí sinh đỗ THPT chuyên Thái Bình. Ngược lại, 15 thí sinh cũng bị loại khỏi danh sách trúng tuyển vào trường chuyên, 243 thí sinh hội đồng thi trường THPT đại trà từ đỗ thành trượt nguyện vọng 1.

Ông Đặng Văn Phong, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thái Bình cho biết, Sở sẽ tổ chức cho thí sinh đăng ký xét tuyển đợt 2 thông qua hệ thống tuyển sinh đầu cấp, xét tuyển và công bố trúng tuyển bổ sung vào ngày 23/8. Đồng thời, Sở sẽ tổ chức cho học sinh tiếp tục nộp đơn phúc khảo và chấm thi phúc khảo lần 2. Thời gian nộp đơn bắt đầu từ 21/8, kéo dài 5 ngày đến 25/8.

Những thí sinh không trúng tuyển vào trường THPT công lập đăng ký xét tuyển vào các trường THPT tư thục và Trung tâm giáo dục thường xuyên theo nguyện vọng thì đăng ký xét tuyển trên hệ thống tuyển sinh đầu cấp từ 24/8 đến 17h ngày 27/8.

Với hơn 250 thí sinh từ đỗ thành trượt, Sở GD&ĐT tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp với các địa phương tổ chức gặp mặt động viên và hướng dẫn các em đăng ký học tập tại các trường THPT tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh nếu có nhu cầu, đảm bảo tất cả học sinh đều có quyền được đến trường, Phó giám đốc Sở nhấn mạnh.

Thanh tra tỉnh sẽ tiếp tục xác minh làm rõ sự việc trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ở tất cả các khâu dẫn đến việc bị lệch phách, sai điểm của thí sinh, sai kết quả tuyển sinh. "Ước tính sẽ có hàng chục người liên quan, sẽ được cơ quan chức năng điều tra, xác minh làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật", ông Phong nói.

Đồng thời, Thanh tra tỉnh cũng đề nghị Sở Nội vụ tham mưu gia hạn thời gian đình chỉ công tác ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở GD&ĐT, để phục vụ công tác thanh tra.

Nguyễn Huệ

Tin mới