Ít ai đoán được, cô bé dân tộc Tày 11 tuổi lại tới từ một vùng đất “bao quanh là núi đồi, đồng ruộng. Các trung tâm tiếng Anh - nếu muốn đi học - cũng phải di chuyển cách nhà hàng chục cây số”.
Trúc sinh ra ở Hà Nội. Anh Tùng cũng từng mong dành cho con môi trường học tập tốt nhất. Nhưng khi Trúc hơn 1 tuổi, vì một số biến cố gia đình, anh buộc phải đưa con về quê ở cùng với ông bà nội tại Bắc Sơn, Lạng Sơn.
Một mình ở lại Hà Nội làm việc, nhìn bạn bè có điều kiện cho con cái học hành, đôi lúc, ông bố trẻ cảm thấy “có chút chạnh lòng”.“Những đứa trẻ ấy chỉ lớn hơn con mình độ vài tuổi, nhưng đã tự tin nói tiếng Anh. Tôi chỉ biết thèm: ‘Sao con họ lại giỏi thế?’”, anh nói.
Bản thân anh nghĩ rằng nếu tiếp tục để mặc con như vậy, thì cuộc sống của con sau này cũng không khác gì mình hiện tại.
Hành trình học tiếng Anh bắt đầu từ con số 0 của Lâm Trúc đều có bóng dáng của bố.
Tự xốc lại tinh thần, anh bắt đầu tìm đọc sách về nuôi dạy con. Hết giờ làm, anh lại tìm kiếm thông tin trên mạng, đi đến các trường quốc tế xem họ dạy gì. Thậm chí, nhờ bạn bè chụp cho xem giáo trình để đem về áp dụng cho con mình.
Giai đoạn đầu, anh cho con xem Youtube, nghe các bài hát tiếng Anh qua điện thoại. Nhưng mãi không thấy kết quả, anh tự nghĩ: “Cứ thế này thì không ổn”.
Anh bắt đầu sắp xếp lại công việc và cố gắng để về với con đều đặn hơn. Hành trình của hai bố con cho đến thời điểm ấy mới chính thức bắt đầu.
Không biết nhiều về tiếng Anh, sợ dạy con phát âm sai, anh tra Google cách đọc rồi học thuộc trước. Anh cũng mày mò tìm các kênh có nguồn âm chuẩn để cho con nghe và “thấm âm”.
Hàng ngày, anh cũng giao bài tập để con làm, sau đó yêu cầu con quay video lại để gửi cho bố.
Anh Tùng cũng rèn cho con cách nói để cuốn hút người nghe bằng những nội dung hấp dẫn, ngữ điệu phát âm chuẩn và dạy con cách sử dụng ngôn ngữ cơ thể.
“Tôi cho con xem các video về kỹ năng thuyết trình, tranh biện hay TED talks để con học cách làm chủ sân khấu. Lúc đầu chưa quen, mỗi khi quay video con đều đứng yên. Nhưng qua nhiều video, mọi thứ đều có sự cải thiện, kể cả ngôn ngữ cơ thể hay biểu cảm gương mặt”, anh nói.
Vượt 150 km để luyện tiếng Anh
Nhìn thấy sự tiến bộ rõ rệt từng ngày của con, anh Tùng biết mình đang đi đúng hướng. Nhưng không thể dạy con được mãi, anh bắt đầu tìm môi trường cho con luyện tiếng Anh.
“Tôi nghĩ đến điều này khi có hai vị khách Tây đến địa phương du lịch. Lúc ấy, Trúc đang bán hàng ngoài chợ cùng bà. Vì ở đây không phải khu du lịch nên hiếm lắm mới thấy vị khách nước ngoài. Hai bố con chắt chiu từng cơ hội nên đã mời họ về nhà ăn cơm, đưa họ đi du lịch. Trúc cũng học cách trở thành hướng dẫn viên”, anh Tùng chia sẻ.
Nhiều vị khách nước ngoài yêu mến cô bé Việt Nam thông minh, hòa đồng.
Lần khác, có một đoàn học sinh cấp 3 tới từ Úc đến Lạng Sơn để làm từ thiện trong vòng 1 tháng. Dù biết tin khi đã quá muộn, anh Tùng vẫn xin chủ homestay địa phương cho Trúc ở cùng trong 2 tuần còn lại. Khi về, anh nhận ra phát âm của con khác hoàn toàn.
Vì vậy, anh Tùng nhờ chủ homestay gọi điện báo cho Trúc đến nếu có khách nước ngoài. Hình ảnh cô bé nhỏ nhắn, tự tin trò chuyện, thậm chí nhảy rất giỏi khiến nhiều vị khách tới từ Pháp, Đức, Australia yêu mến.
Mùa hè năm Lâm Trúc 8 tuổi, anh Tùng đón con xuống Hà Nội chơi. Anh đưa con dạo quanh Hồ Gươm và đặt chỉ tiêu sẽ thưởng cho Trúc nếu bắt chuyện được với nhiều hơn 5 vị khách nước ngoài.
Dù chỉ đứng từ xa quan sát, nhưng anh Tùng thấy con cười nói vui vẻ, cuộc trò chuyện cũng được kéo dài. Anh bất ngờ vì không nghĩ con mình lại tự tin được như thế.
Thấy vậy, đều đặn mỗi tuần, anh lại đón con từ Lạng Sơn xuống Hà Nội.
Ngoài việc luyện tiếng, hai bố con còn tham gia các hoạt động thiện nguyện. Hàng tháng, Lâm Trúc vẫn đều đặn gửi tiền tiết kiệm xuống ủng hộ cho làng trẻ SOS.
Anh Tùng thường cùng con gái đi rong ruổi khắp nơi.
Bên cạnh đó, anh Tùng còn cho Trúc học chương trình của trường Phổ thông Mỹ trực tuyến nhờ vào học bổng toàn phần. Anh Tùng mong con có thể sử dụng tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai và thông qua công cụ này có thể học thêm được những kiến thức khác.
Tạo thói quen đồng hành cùng con
Hơn 5 năm đồng hành cùng con, có những lúc anh Tùng mông lung vì không biết nên làm gì tiếp. Trên hành trình ấy có rất nhiều nước mắt.
Nhưng sau đó, anh nhận ra rằng, “trẻ con luôn thích động viên, khích lệ hơn là quát mắng, xử phạt. Mỗi buổi học, nếu con cảm thấy vui vẻ thì giờ học sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với việc con ngồi vào bàn học theo sự thúc ép”. Cũng nhờ đồng hành cùng con, hai bố đã có cơ hội để hiểu và thân nhau hơn.
“Ở bên con, tôi phát hiện ra con có một số thế mạnh như khả năng đọc rap hay thích nhảy. Vì thế, tôi đã “nương” theo sở thích của con để thay đổi cách tiếp xúc tiếng Anh hàng ngày, qua đó có thêm nhiều hình thức học, giúp con không cảm thấy nhàm chán”.
Video: Trúc Lâm tự tin nói tiếng Anh
Anh Tùng cũng cho rằng, sự mất kết nối trong gia đình ở Việt Nam hiện nay là rất phổ biến.
“Cả ngày bố mẹ đi làm, con đi học, có gặp nhau cũng chỉ nói được vài ba câu, nhưng câu chuyện ấy cũng không đủ sâu để tạo nên sự thấu hiểu. Do đó, điều quan trọng là bố mẹ phải tạo ra thói quen đồng hành và duy trì điều đó hàng ngày. Chính bản thân phụ huynh cũng phải thay đổi thì mới có thể giúp con tiến bộ”, anh Tùng nói.