“Nếu nói về Net Zero thì không bao giờ là đủ vì nó bao hàm rất nhiều vấn đề hay thách thức mà một doanh nghiệp cần làm. Nhưng cho dù là vấn đề gì thì đó cũng là hành trình của những giá trị mà Vinamilk không bao giờ đặt lên bàn cân để so sánh với tiền bạc”, Tổng Giám đốc Vinamilk Mai Kiều Liên mở đầu buổi trò chuyện về phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Muốn phát triển, phải làm lợi cho cộng đồng
- Mục tiêu Net Zero đang được nhiều doanh nghiệp đề cập sau cam kết của Chính phủ. Liệu có tồn tại một “cuộc đua” nào không trong câu chuyện phát triển bền vững và nguyên tắc của Vinamilk là gì?
Phát triển bền vững không phải là cạnh tranh. Mỗi doanh nghiệp có cách đi riêng và sự đóng góp riêng. Cũng cần hiểu rằng, chúng ta không thể đạt được mục tiêu Net Zero nếu chỉ đi một mình. Nếu có một “cuộc đua” ở đây thì đó là cuộc đua của chính chúng ta với thời gian.
Kinh doanh thì sẽ có lúc lên lúc xuống nhưng phát triển bền vững phải xuất phát từ trách nhiệm, từ những gì bản thân mình tự nhận thấy cần làm dù không bắt buộc. Trong hơn 48 năm qua, những gì phục vụ cho lợi ích cộng đồng thì Vinamilk sẽ làm và khi làm thì Vinamilk sẽ theo tiêu chuẩn quốc tế. Đây là nguyên tắc mà tôi luôn nhắc với các cộng sự của mình.
Bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Vinamilk.
- Quá trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, cụ thể hơn là Net Zero của Vinamilk bắt đầu từ khi nào?
Trước khi cam kết Net Zero vào năm 2050 được công bố, chúng tôi đã thực hiện các chương trình như trồng 1 triệu cây xanh từ năm 2012, công bố báo cáo phát triển bền vững trong 12 năm qua, hay vận hành trang trại, nhà máy theo tiêu chí giảm phát thải từ nhiều năm trước.
Từ những năm 1990, Vinamilk bắt tay cùng nông dân chăn nuôi bò sữa để xây dựng vùng nguyên liệu sữa tươi, phát triển ngành chăn nuôi bò sữa trong nước. Đến khi các trang trại do Vinamilk được xây dựng thì chúng tôi đầu tư làm trang trại theo các tiêu chuẩn như Global GAP, theo những thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu.
Năm 2013, Vinamilk đầu tư xây dựng siêu nhà máy sữa tại Bình Dương. Khi đó, từ dây chuyền sản xuất, công nghệ chế biến, robot, kho thông minh đến quy trình quản lý vận hành nhà máy đã theo hướng tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải. Tại các cửa hàng Vinamilk trên cả nước, từ 5 năm trở lại đây, Vinamilk hoàn toàn chuyển qua dùng túi nilon tự hủy sinh học, túi thân thiện với môi trường.
Trang trại sinh thái Green Farm của Vinamilk tại Tây Ninh, Quảng Ngãi và Thanh Hóa là mô hình tiêu biểu về nông nghiệp bền vững.
- Như bà đề cập, Vinamilk thực hiện các công việc hướng tới phát triển bền vững từ nhiều năm trước. Tại Vinamilk, đâu là cách để những dự án hay một chặng đường dài hơi như vậy có thể tiếp diễn?
Sự bền bỉ. Sự bền bỉ này theo cùng với Vinamilk qua 48 năm, với nhiều thế hệ chứ không chỉ trong một dự án nào, một chương trình nào. Như chương trình một triệu cây xanh cho Việt Nam mà chúng tôi đã thực hiện từ hơn 10 năm trước, cũng bắt đầu từ vài trăm, vài nghìn cây, dần dần mục tiêu một triệu cây xanh cũng đạt được và còn vượt hơn.
Mới đây, khi tiến hành dự án khoanh nuôi rừng ngập mặn ở Cà Mau, nhân viên Vinamilk hào hứng lội bùn, không quản mưa nắng để làm hàng rào giúp tái sinh rừng. Chúng tôi là một tập thể cùng nhau hướng tới Net Zero, hướng tới phát triển bền vững chứ không chỉ một cá nhân đơn lẻ.
Sẵn sàng thay đổi, luôn làm với tiêu chuẩn cao nhất
- Bà từng trả lời trong một cuộc phỏng vấn rằng: “Tôi không sợ thay đổi chính sách của doanh nghiệp nếu như đó là điều cần thiết”. Có thể thấy, người đứng đầu đóng vai trò quyết định trong lộ trình Net Zero của Vinamilk?
Đúng vậy, tôi sẵn sàng thay đổi nếu điều đó cần thiết. Trải qua nhiều vị trí tại Vinamilk, khi soi chiếu lại, tôi thấy rằng, nếu người lãnh đạo đưa ra hướng đi nhưng không thuyết phục được đội ngũ thì cũng không thể thành công.
Như lộ trình Net Zero hiện đã đi vào chiến lược chung của Vinamilk và được đưa vào mục tiêu của các khối chức năng, các đơn vị một cách cụ thể. Lộ trình đó không phụ thuộc từng cá nhân lãnh đạo nữa mà là quy trình hay các hệ tiêu chuẩn được tuân thủ và thực hiện.
Tại Vinamilk, các tiêu chuẩn này luôn được nâng cao liên tục, làm tốt và tốt hơn nữa. Ví dụ trước đây có thể tiêu chuẩn A là tốt để quản lý khí thải nhà kính nhưng nay để trung hòa được phát thải, chúng ta phải cần tiêu chuẩn B… Trong môi trường biến đổi nhanh chóng ngày nay, những người không cầu tiến, nâng cấp kiến thức, kĩ năng liên tục thì sẽ khó có thể tạo ra giá trị cho doanh nghiệp.
Nhà máy sữa Việt Nam (Mega Factory) tại Bình Dương không chỉ được biết đến với sự hiện đại mà còn là đơn vị đi đầu về sản xuất xanh.
- Trong quá trình theo đuổi mục tiêu Net Zero, có những thách thức nào khi triển khai các dự án giảm phát thải?
Thách thức rõ nhất, theo tôi chính là yếu tố “mới”. Ngành sữa thế giới khoảng 300 năm tuổi, ngành sữa Việt Nam khoảng 60 năm, trong khi đó, phát triển bền vững là lĩnh vực mới đối với cả ngành sữa thế giới chứ không riêng chúng ta. Đây là thách thức đòi hỏi quá trình thực hiện trong dài hạn và tính bền bỉ của doanh nghiệp.
Còn thách thức có thể nói là lớn nhất chính là con người. Không phải do tiền bạc, tài chính, công nghệ… mà thành hay bại, đều ở con người. Tôi thường nói với anh em trong công ty, thế giới bây giờ đi nhanh lắm, người Vinamilk cần tự chủ, luôn cầu tiến, sẵn sàng tư duy lại những điều đã biết để làm tốt hơn. Đó mới là điều quan trọng, quyết định sự phát triển trong tương lai.
- Đứng trước một quyết định đầu tư cho phát triển bền vững, Vinamilk có gặp trở ngại nào không?
Tôi chưa gặp phải trở ngại nào từ nội bộ. Còn từ các nhà cung cấp nguyên liệu hay đối tác của Vinamilk, tôi nhận thấy họ cũng hào hứng tham gia cùng chúng tôi trong các chiến lược phát triển bền vững.
Tôi vẫn hay nói với nhân viên của mình rằng, hành động của chúng ta không bao giờ được gây hại cho người khác. Mọi hoạt động đầu tư của Vinamilk phải chứng minh được các lợi ích, ở đây lợi ích không chỉ cho mình, mà còn cho các bên liên quan như cổ đông, nhân viên, người dân địa phương...
Tất nhiên sẽ có nhiều sự thay đổi là chưa từng có tiền lệ và cũng không nhất thiết phải dò dẫm, chúng ta có thể học hỏi từ thế giới, sử dụng công nghệ,… Quan trọng là phải bắt đầu bước đi thì mới có thể đến đích.
Cánh rừng Net Zero Vinamilk là dự án trồng rừng, hình thành bể hấp thụ carbon mà Vinamilk thực hiện từ năm 2023.
- Qua hành trình theo đuổi phát triển bền vững, Vinamilk muốn truyền tải thông điệp gì với cộng đồng?
“Chúng tôi thay đổi vì bạn” – đây vẫn là thông điệp của tập thể 10.000 con người Vinamilk từ trước tới nay. Chúng tôi làm vì người tiêu dùng. Vinamilk có được quy mô ngày hôm nay là nhờ người tiêu dùng.
Vinamilk là công ty sản xuất sữa, là sản phẩm được dùng nhiều cho trẻ em và đây chính là thế hệ tương lai. Trong chương trình đổi vỏ hộp lấy cây xanh của chúng tôi, có những cô cậu bé lớp 1, lớp 2 uống sữa xong, rửa hộp rồi cho vào thùng thu gom để tái chế và vui vẻ mang những cây xanh về trồng… Những hình ảnh này giúp chúng tôi được khích lệ và tự hỏi mình nhiều hơn về việc “sẽ để lại gì thế hệ mai sau”.
Trân trọng cám ơn bà về cuộc phỏng vấn!
Vinamilk là doanh nghiệp tiên phong cam kết và công bố lộ trình tiến đến mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Đến nay, đã có 2 nhà máy và 1 trang trại của doanh nghiệp đạt trung hòa Carbon theo tiêu chuẩn quốc tế PAS2060:2014.
Với nhiều nỗ lực về Phát triển bền vững, Vinamilk liên tiếp được vinh danh tại nhiều giải thưởng trong và ngoài nước như: Doanh nghiệp trách nhiệm Châu Á 2024 (AREA), Top 50 Doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu (CSA),… các hạng mục quan trọng về Tinh thần lãnh đạo ESG /Lãnh đạo xanh và Giảm phát thải khí nhà kính.