Đặc điểm và thành phần của cây mã đề
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, mã đề còn được gọi là mã tiền xá, chúng mọc hoang dại ở nhiều nơi trên khắp các vùng miền ở Việt Nam. Đây là vị thuốc phổ biến trong đông y.
Đặc điểm chung
Mã đề thân thảo, lá hình thìa, cao tầm 10 - 15 cm, màu xanh đậm. Mã đề được sử dụng cả thân, rễ, lá để làm thuốc. Loại cây này tính lạnh, vị hơi ngọt, được dùng nhiều trong những bài thuốc dân gian chữa tiểu rắt, lợi tiểu và nhiều tác dụng khác. Cây mã đề có thể dùng tươi hoặc phơi khô thêm vào các bài thuốc đông y trị bệnh.
Thành phần hóa học
Mã đề nhiều thành phần hóa học đa dạng, trong đó chứa vitamin A, giàu Canxi, Glucozit, vitamin C và K. Trong hạt mã đề còn chất nhầy, axit plantenolic. Các thành phần này đều có những lợi ích nhất định với sức khỏe và hỗ trợ điều trị bệnh.
Cây mã đề chữa bệnh gì?
Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời ThS.BS. Nguyễn Quang Dương, Trưởng khoa Ung bướu Bệnh viện Tuệ Tĩnh cho biết, từ thời cổ, mã đề được nhân dân ta và nhân dân Trung Quốc dùng làm thuốc. Theo sách cổ, mã đề tính hàn, vị ngọt, không độc, vào 3 kinh can, thận và tiểu trường. Cây có tác dụng lợi tiểu, thanh phế, can, phong nhiệt, thẩm bàng quang thấp khí, ho, trừ đờm, chỉ tả (cầm đi ngoài), sáng mắt, làm thuốc bổ.
Trên thực tế, mã đề được dùng làm thuốc thông tiểu, chữa ho lâu ngày, viêm khí quản, tả lỵ, mắt đỏ đau. Ngày dùng 6 đến 12g dưới dạng thuốc sắc. Nhiều người dùng làm thuốc ho cho trẻ em, nhưng nhược điểm của loại thuốc này là gây cho trẻ tiểu dầm.
Trong sách cổ có nói: Phàm những người đi tiểu quá nhiều, đại tiện táo, không thấp nhiệt, thận hư, nội thương dương khí hạ giáng thì không nên dùng.
Mã đề là một vị thuốc tốt cho sức khoẻ
Dùng ngoài: Nhân dân ta dùng lá tươi giã nát đắp mụn nhọt, làm mụn nhọt chóng vỡ và mau lành. Dùng ngoài không kể liều lượng.
ThS.BS. Nguyễn Quang Dương giới thiệu một số bài thuốc chữa bệnh từ cây mã đề như sau:
- Thuốc lợi tiểu: Xa tiền tử (hạt mã đề) 10g, kim tiền thảo 10g, cam thảo 2g, nước 600ml (3 bát). Sắc và giữ sôi trong nửa giờ. Chia 3 lần uống trong ngày.
- Chữa ho tiêu đờm: Xa tiền thảo (cây mã đề) 10g, cam thảo 5g, vỏ quýt 10g, cát cánh 2g, nước 400ml. Đun sôi trong nửa giờ. Chia 3 lần uống trong ngày. Nếu không có cam thảo, thì có thể thay bằng đường cho đủ ngọt mà uống.
- Chữa béo phì đơn thuần: Mã đề, thảo quyết minh, sơn tra, mỗi thứ 12g. Tất cả thái nhỏ, hãm với nước sôi, uống làm hai lần trong ngày. Một đợt điều trị kéo dài 4 tuần.
- Trị lipid máu cao: Mã đề 8g, mộc hương, thảo quyết minh, tang ký sinh, mỗi thứ 6g, hà thủ ô đỏ, hoàng tinh, kim anh tử, sơn tra mỗi thứ 3g. Tất cả nấu với nước thành cao, rồi trộn với bột gạo làm thành viên, mỗi viên tương đương với 1,1g dược liệu. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 5 - 8 viên.
- Chữa gan nhiễm mỡ: Mã đề 20g, hà thủ ô (sống), thảo quyết minh, đan sâm, hoàng kỳ mỗi vị 15g; sơn tra (sống) 30g, hổ trượng 15g, hà diệp 15g. Sắc nước uống, ngày một thang, chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.
- Trị bệnh đái tháo đường: Mã đề 15g, ổi xanh ½ quả, ngọc trúc, sa uyển tử, bạch tật lê, tang bạch bì, câu kỷ tử, hoài sơn mỗi thứ 12g, râu ngô 9g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần, uống khi thuốc còn ấm. Uống liền 7 ngày. Kiêng thức ăn lạnh và cay, thịt dê, thịt cừu.
- Chữa chóng mặt, hoa mắt: Mã đề 10g; bạch truật, phục linh, bán hạ chế, hạn liên thảo, nữ trinh tử mỗi thứ 9g. Sắc uống ngày một thang, chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.
- Chữa tiểu tiện khó, đái dắt, đái buốt: Mã đề 12g, sa tiền tử 10g, thông thảo 6g. Sắc uống ngày một thang, chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.
- Trị cước khí, bí tiểu tiện, tức ngực: Mã đề 10g, khiên ngưu 8g; binh lang, xích phục linh, chỉ xác, mộc thông mỗi thứ 6g. Tất cả tán thành bột, nấu với gừng tươi, hành ta lấy nước uống trong ngày.
Lưu ý khi sử dụng cây mã đề
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, mã đề không được khuyên dùng với phụ nữ mang thai giai đoạn đầu. Các thành phần trong mã đề không có lợi cho cả mẹ và bé, có thể gây sảy thai.
Mã đề là vị thuốc lợi niệu, khi dùng không dùng kéo dài và liều cao sẽ gây hạ kali, rối loạn điện giải… do đó khi sử dụng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ y học cổ truyền.
Mã đề có nhiều tác dụng nhưng với điều kiện là phải được sử dụng đúng cách, đúng liều lượng, kết hợp đúng bài thuốc. Việc sử dụng mã đề làm thuốc chữa bệnh tốt nhất nên tham khảo ý kiến của chuyên gia và bác sĩ.