Liên quan đến sự việc cây phượng gãy đổ, đè lên nhiều học sinh ở TP.HCM khiến 1 nam sinh thiệt mạng, ông Nguyễn Vạn Phúc - Hiệu Trưởng Trường THCS Bạch Đằng (Quận 3, TP.HCM) cho biết, sau sự việc xảy ra, các em học sinh vẫn tham gia học tập bình thường. Nhà trường cũng cử giáo viên theo dõi, quan tâm đến các em để trấn an, ổn định tâm lý của các em bị thương.
"Để xảy ra sự việc này là điều không mong muốn, xảy ra rồi mình phải chấp nhận. Bây giờ nếu hỏi trách nhiệm để xảy ra cây xanh gãy đổ này là của ai thì rõ ràng người đứng đầu nhà trường phải chịu trách nhiệm. Bản thân tôi là người là người chịu trách nhiệm trước, vì đây là tài sản nằm trong khuôn viên trường", ông Phúc nhấn mạnh.
Theo ông Phúc, cây xanh này được trồng từ năm 1996. Về chuyên môn chúng tôi không bao hàm hết được việc quản lý cây xanh, nên hàng năm nhà trường đều thuê công ty cây xanh đến cắt tỉa, chăm sóc cây. Trong thời gian xảy ra dịch, nhà trường cũng thực hiện việc cắt tỉa cây. Đây là việc làm thường xuyên của các trường.
Đối với sự việc sáng nay, ông Phúc cho biết hiện trường đang rất bối rối. Vì thời điểm này các học sinh đang ngồi dưới sân, chuẩn bị lên lớp. Hiện trường là nơi các em ngồi ăn sáng. Lúc này cây xanh đổ ngã về hướng các học sinh lớp 6/8 đang ngồi.
Ông Vạn Phúc (ngoài cùng bên trái) - Hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng.
Theo quy định của nhà trường, học sinh tập trung tại trường lúc 6h30 hàng ngày. Các giáo viên nhận học sinh tại lớp học, không tập trung dưới sân. Những học sinh ở dưới sân đều đến sớm để ăn sáng, sau đó mới vào lớp.
"Chỉ muộn 15 phút là không còn ai dưới sân, vì lúc đó các em đang ăn sáng với nhau. Nhà trường ngay sau đó liên hệ trung tâm cấp cứu 115 đưa các em đi cấp cứu. Một số phụ huynh nóng lòng bế các em bị thương đi, nhưng tình hình tắc đường, nếu như bế đi như thế thì nguy hiểm", ông Phúc nói.
Đối với học sinh thiệt mạng, lúc sự việc mới xảy ra, cô giáo có tiếp cận em. Lúc này, học sinh này vẫn còn tỉnh táo. Khi cô giáo đưa nước, hỏi thăm, học sinh nói cảm thấy mệt. Khi xe cấp cứu 115 đến nơi, học sinh này đã mê man. Các bác sĩ hội chẩn cấp cứu, hô hấp nhân tạo, chích thuốc và đưa Bệnh viện An Sinh gần trường.
"Tôi có đến bệnh viện để theo dõi em học sinh nặng nhất. Các trường hợp còn lại thì tôi nghe báo tình hình ổn định", ông Phúc cho biết.
Theo ông Phúc, hiện trong trường còn một cây phượng lớn nữa, được trồng trước cây phượng bị gãy. Sáng cùng ngày, sau khi xảy ra sự cố, cơ quan chức năng có đến khảo sát, tư vấn và nhà trường đồng ý với việc sẽ đốn hạ cây này trong thời gian tới.
Video: Khoảnh khắc cây đè trúng nhiều học sinh qua lời kể của nhân chứng