Ngày 19/5 năm nay là tròn 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lãnh tụ thiên tài, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam và thế giới.
Chia sẻ với VTC News, GS-TSKH Kolotov Vladimir Nikolaievich, Giám đốc Viện Hồ Chí Minh, Trưởng bộ môn Lịch sử các nước Viễn Đông, Đại học Quốc gia Saint Peterburg nhắc tới hiện tượng “hoa nở tâm linh”. Đó là cây hoa Đào mọc bên cửa sổ của Viện Hồ Chí Minh thuộc Đại học Quốc gia Saint Petersburg.
Năm nay đánh dấu 10 năm kể từ khi thành lập Viện Hồ Chí Minh và trong thời gian này, cây hoa Đào này luôn bắt đầu nở rộ hàng năm vào ngày 19/5, đúng vào ngày sinh nhật của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cây hoa Đào ở Viện Hồ Chí Minh nở rộ đúng vào dịp kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ.
Trả lời PV VTC News, Ông Kolotov Vladimir Nikolaievich cũng cho rằng, dựa vào nền tảng vững chắc về giá trị tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Việt Nam hiện đại đang phát triển một cách tự tin và năng động.
- Là một nhà nghiên cứu lâu năm về Việt Nam và về Bác Hồ, cảm xúc của ông về lễ kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh như thế nào?
Tôi cho rằng, đây là ngày lễ hết sức ý nghĩa không chỉ đối với Việt Nam, mà còn với tất cả nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta minh chứng điển hình nhất về lòng phụng sự hết mình vì dân tộc, vì đất nước và cho cuộc đấu tranh vì hòa bình, vì quyền lợi của giai cấp bị áp bức. Những giá trị này tiếp tục duy trì tính cấp thiết đến ngày nay.
Lễ kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là dịp tốt để một lần nữa chúng ta tưởng nhớ tới công ơn của Hồ Chủ tịch, lãnh tụ đưa nhân dân Việt Nam giành thắng lợi trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh tư liệu)
- Ấn tượng nào sâu sắc nhất đối với ông khi đánh giá về Di sản tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh?
Trong tất cả di sản tinh thần của Hồ Chí Minh, giá trị đạo đức của Người luôn thu hút tôi. Đây là sự khác biệt lớn đối với các chính trị gia khác trên thế giới.
Đó là điều mà nhiều chính trị gia hiện đại còn thiếu, khi mà hoạt động của họ không theo hướng vì giá trị đạo đức, mà vì lợi nhuận.
Trong vấn đề này, tôi nhớ một ví dụ gần đây về việc Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in năm 2017 khi cho rằng, sự tham gia của binh sĩ Hàn Quốc trong Chiến tranh Việt Nam đặt nền móng cho sự phát triển kinh tế của Hàn Quốc.
Sau tuyên bố này, dư luận ở Việt Nam lên án ông Moon vì quan điểm thiếu đạo đức này. Bản thân tôi cũng phản ứng mạnh mẽ với những ngôn từ này trong cuộc phỏng vấn.
Đồng thời, tôi chú ý đến thực tế rằng, những lời chỉ trích liên quan đến nền tảng đạo đức của Tổng thống Hàn Quốc, người cho rằng có thể chấp nhận tham gia vào cuộc chiến bất công và giết thường dân để đổi lấy sự phát triển kinh tế.
Rõ ràng, Hồ Chí Minh và những người theo lý tưởng của Người không thể chấp nhận với những quan điểm thiếu đạo đức.
- Đánh giá của ông về giá trị tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho dân tộc Việt Nam và nhân dân thế giới?
Ví dụ mà tôi nêu trên cho thấy sự ưu tiên các giá trị đạo đức trong hệ tư tưởng của Hồ Chí Minh. Nước Việt Nam được khôi phục, xây dựng và phát triển dựa trên cơ sở đấu tranh chính nghĩa vì độc lập, tự do và dân chủ.
Và tên gọi “Việt Nam” từ lâu đã trở thành một biểu tượng của cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do và dân chủ cho nhiều thế hệ nhân dân trên toàn thế giới.
Và chính trên nền tảng vững chắc của giá trị tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Việt Nam hiện đại đang phát triển một cách tự tin và năng động, có uy tín cao trên chính trường quốc tế.
Kolotov (1).jpg
Nền tảng tư tưởng vận hành đất nước và huy động sức dân của Hồ Chủ Tịch giúp Việt Nam đối phó nhanh chóng và hiệu quả trước mối đe dọa lây nhiễm của COVID-19.
GS-TSKH Kolotov V.N, Giám đốc Viện Hồ Chí Minh
- Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu tinh thần và nền tảng tư tưởng của Chủ nghĩa Mác –Lênin vào thực tiễn Việt Nam một cách linh hoạt và tài tình, thưa ông?
Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến này. Tư tưởng của Chủ nghĩa Mác - Lênin, cũng như phương pháp luận khoa học của Quốc tế Cộng sản được vận dụng vào điều kiện cụ thể của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở Việt Nam, tạo ra hệ thống ý thức hệ đặc biệt, có thể đánh bại các đối thủ hùng mạnh và đặt nền tảng vững chắc cho sự phát triển của Việt Nam ngày nay.
Cũng cần nói thêm rằng, Hồ Chí Minh sử dụng một cách sáng tạo những thành tựu của triết học phương Tây và phương Đông phù hợp nhất cho cuộc đấu tranh giải phóng ở Việt Nam.
- Có ý kiến cho rằng: “Từ Nguyễn Ái Quốc lan tỏa ra một giá trị văn hóa, không phải văn hóa châu Âu, mà có lẽ là nền văn hóa tương lai". Ông có đánh giá như thế nào về nhận định này?
Đúng vậy. Ngày nay các ý tưởng về giá trị thực dụng và lợi nhuận chiếm ưu thế, và rõ ràng đây là con đường dẫn đến một cuộc khủng hoảng sâu sắc.
Để nhận thức được các giá trị văn hóa của Hồ Chí Minh, mỗi người phải cố gắng trở nên tốt hơn và đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân.
Trong tương lai, các giá trị của Hồ Chí Minh sẽ ngày càng lan tỏa rộng khắp hơn.
- Hiện nay, Chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn có ý thức đi theo con đường Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra. Đó là con đường đúng đắn giúp Việt Nam có thêm nhiều thành tựu, đạt vị thế cao trên trường quốc tế, thưa ông?
Uy tín quốc tế cao của Việt Nam hiện nay là lời khẳng định chính xác cho luận điểm này.
Chính việc thực hiện nhất quán đường lối của Hồ Chí Minh đã giúp Việt Nam giành được độc lập, tự do và thống nhất đất nước, đồng thời đánh bại các đối thủ lớn và bắt đầu phát triển nhanh nền kinh tế.
Cụ thể hơn, chính nền tảng tư tưởng vận hành đất nước và huy động sức dân trong của Hồ Chủ tịch giúp Việt Nam đối phó nhanh chóng và hiệu quả trước mối đe dọa lây nhiễm của COVID-19. Từ đó khiến cộng đồng quốc tế hết sức ngưỡng mộ và khâm phục.
- Giáo sư từng chia sẻ rằng, ở Việt Nam hiện nay Di sản tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh đang được phát triển sáng tạo trên cơ sở khoa học. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
Tôi có dịp làm quen một cách khá chi tiết với những nội dung chính của Di sản tinh thần Hồ Chí Minh, thông qua kênh liên lạc với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Từ năm 2015, chúng tôi đã tổ chức các hội nghị quốc tế thường niên để trao đổi ý kiến và thảo luận về nhiều khía cạnh khác nhau về Di sản tinh thần của Hồ Chủ tịch.
Tại hội thảo đầu tiên, Giám đốc Học viện, giáo sư Tạ Ngọc Tấn đã trình bày bài tham luận tại thành phố Saint Peterburg. Ngoài ra, tham dự hội nghị khoa học này còn có các đồng nghiệp của chúng tôi ở Matxcơva.
Đó là các nhà Việt Nam học hàng đầu Nga-Xô như E.V. Kobelev, G.M. Lokshin, V.M. Mazyrin,…Và những mối liên lạc này vẫn đang tiếp nối một cách hiệu quả.
Hội thảo khoa học "Di sản tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh - 50 năm sau" tổ chức năm 2019 tại Saint Peterburg. (Ảnh: Sputnik)
Cách đây không lâu, giáo sư Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh có chuyến thăm tại Đại học Quốc gia Saint Peterburg.
Tại đây giáo sư Thắng đã có buổi làm việc với Hiệu trưởng Đại học Quốc gia Saint Peterburg, giáo sư N.M. Kropachev.
Trong buổi làm việc này, hai bên đã lên kế hoạch về một lộ trình chi tiết nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai cơ quan. Đại học Quốc gia Saint Peterburg đã xây dựng một chương trình giảng dạy về Tư tưởng Hồ Chí Minh để đào tạo nâng cao cho các nhà Việt Nam học ở Saint Petersburg, theo đúng tinh thần mà Bác Hồ đã dạy: “Biết mình, biết người”.
Video: Ca sĩ Bùi Lê Mận xúc động hát "Từ làng Sen"
- Đánh giá của ông về di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với mối quan hệ hữa nghị Việt – Xô trước đây và Việt – Nga ngày nay?
Rõ ràng, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người đặt nền móng cho mối quan hệ Việt - Xô và Việt - Nga, mà còn là một trong những người có công xây dựng vững chắc cho sự phát triển ngành Việt Nam học Xô Viết.
Nhà Việt Nam học nổi tiếng E.V. Kobelev khẳng định rằng, chính Hồ Chí Minh đã đề nghị với Tổng bí thư Liên Xô N.S. Khrushchev gửi sinh viên Liên Xô đến thực tập ngôn ngữ tại Việt Nam vào giữa những năm 1950.
Sau đó, những người này trở thành các chuyên gia hàng đầu tại Liên Xô về ngành Việt Nam học. Và họ có công đào tạo thêm nhiều thế hệ chuyên gia có trình độ cao.
- Vai trò và sứ mệnh của Viện Hồ Chí Minh tại Liên bang Nga đối với việc chuyển tải, nghiên cứu về giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh diễn ra thế nào thưa ông?
Chức năng chính của Viện Hồ Chí Minh tại Đại học Quốc gia Saint Petersburg là nghiên cứu khách quan về Việt Nam hiện đại, lịch sử Việt Nam, Di sản tinh thần của Hồ Chí Minh, và các hoạt động chuyên gia để truyền bá những kiến thức này ở Nga và trên thế giới.
Nói chung, trong những năm qua, chúng tôi đã tích cực làm việc trong các lĩnh vực sau: khoa học; giáo dục; trung tâm chuyên gia; phân tích; ngoại giao nhân dân; kinh tế; văn hóa.
Viện Hồ Chí Minh là nơi là nghiên cứu khách quan về Di sản tinh thần của Hồ Chủ tịch.
Một trong những ví dụ nổi bật nhất trong hoạt động của chúng tôi với các đối tác trong lĩnh vực này là tổ chức triển lãm “Cổ vật sông Hồng”, được tổ chức tại Bảo tàng Hermitage vào tháng 5/2019.
Ý tưởng tổ chức triển lãm này ra đời vào ngày sinh nhật của Hồ Chí Minh vào năm 2017 trong cuộc họp giữa Trưởng khoa Phương Đông và Tổng Giám đốc Viện bảo tàng Hermitazh là Viện sĩ M.B. Piotrovsky với Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ông Nguyễn Tất Giáp, mà tôi là cầu nối và ủng hộ dự án này.
Sau ba năm làm việc chung, lần đầu tiên trong lịch sử, cuộc triển lãm về 4 nền văn hóa cổ đại của Việt Nam (Đông Sơn, Sa Huỳnh, Đồng Nai và Óc Eo) đã được khai mạc ở Bảo tàng Hermitage và nhận được hưởng ứng tích cực từ công chúng ở Nga.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm vào ngày 21/5. Trong suốt thời gian triển lãm, hơn 1 triệu người đã đến tham quan những thành tựu văn hóa Việt Nam của hơn 2 nghìn năm trước.
Tôi tin rằng, các hoạt động văn hóa như vậy góp phần vào sự hợp tác của hai dân tộc chúng ta và phát triển mối quan hệ hữu nghị Việt – Nga.