Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cấu trúc đề thi vào lớp 10 ở TP.HCM năm 2022 thay đổi thế nào?

(VTC News) -

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2022 dự kiến diễn ra ngày 11 và 12/6, Sở GD&ĐT TP.HCM sẽ có những điều chỉnh phù hợp trong cấu trúc đề sau một năm không tổ chức thi.

Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, TP.HCM không tổ chức kỳ thi lớp 10 mà chuyển qua hình thức xét tuyển. Năm nay, kỳ thi dự kiến tổ chức với một số điều chỉnh về đề thi nhằm bám sát với việc học tập của học sinh trong bối cảnh dịch và lần đầu tiên áp dụng tính điểm 3 môn thi hệ số 1. 

70 - 80% kiến thức là nhận biết, thông hiểu

Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, theo chỉ đạo chung của Bộ GD&ĐT, đề thi phải giải quyết được tình trạng thực tiễn, sát với kiến thức thực tế của học sinh. Tuy nhiên, do năm nay dịch bệnh nên cấu trúc đề thi được điều chỉnh phù hợp hơn. 

Kiến thức trong đề thi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9, đề sẽ không ra vào các phần kiến thức đã được Bộ GD&ĐT giảm tải trong thời gian học sinh học trực tuyến. Có 4 mức trong đề gồm: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.

Mức độ nhận biết, thông hiểu sẽ chiếm đa phần trong đề thi, dao động từ 70 - 80% tùy từng bộ môn, phần vận dụng chỉ khoảng từ 20 - 30% tối đa của đề. Riêng phần vận dụng cao chiếm không quá 10% trong từng bộ môn.

"Tùy từng bộ môn nhưng về chủ trường là đảm bảo sự ổn định. Dù vậy, độ phân hóa phải có trong đề và tỉ trọng vận dụng cao sẽ phải giảm xuống để phù hợp với tình hình học tập của học sinh vì năm nay là năm dịch bệnh", ông Quốc nói. 

Học sinh dự kỳ thi vào lớp 10 tại TP.HCM năm 2019. 

Như vậy, theo ông Nguyễn Bảo Quốc, đề thi năm nay sẽ có thay đổi để phù hợp với điều kiện học sinh phải học trực tuyến kéo dài trong dịch bệnh. Ngoài giảm nhẹ mức độ phần vận dụng cao, đề thi sẽ bám sát thực tế hơn, về cơ bản sẽ giúp học sinh tiếp cận một cách nhẹ nhàng hơn.

Ông Quốc cho hay, với môn Toán, đề bám sát tình hình thực tế, không hàn lâm. Học sinh chỉ cần ôn tập nắm kỹ các kiến thức cơ bản, đọc kỹ đề bài thì sẽ giải quyết được vấn đề mà đề bài yêu cầu. Đề Toán gồm 2 câu quen thuộc là giải phương trình và đồ thị hàm số, một bài hình học và các câu còn lại vận dụng kiến thức để giải quyết tình huống thực tiễn.

Đề thi Ngữ văn về cơ bản giống như những năm trước, tiếp tục duy trì theo hướng mở, gắn với thực tiễn để học sinh dễ dàng thể hiện năng lực, bao gồm năng lực ngôn ngữ, khả năng đọc, thể hiện.

Đề thi môn Tiếng Anh sẽ tăng câu hỏi và thời gian làm bài (năm ngoái có chủ trương tăng thời gian làm bài nhưng không tổ chức thi). Số lượng câu Tiếng Anh tăng lên 4 câu (trước đây 36 giờ tăng lên 40).

Lần đầu tiên tính điểm hệ số 1

Theo Sở GD&ĐT TP.HCM, năm nay điểm tuyển sinh lớp 10 với 3 môn thi đều tính điểm hệ số 1 thay vì môn Ngoại ngữ tính hệ số 1, môn Toán và Văn hệ số 2 như trước đây. Đây là năm đầu tiên thành phố áp dụng cách tính điểm này nhằm nâng cao vai trò môn Ngoại ngữ trong nhà trường phổ thông. Do đó, đề thi môn tiếng Anh tăng thời gian làm bài so với năm 2020 (năm 2021 không tổ chức thi) từ 60 phút lên 90 phút.

Ông Nguyễn Bảo Quốc cho rằng, việc áp dụng hệ số 1 ở 3 môn thi sẽ không gây xáo trộn trong ôn tập, giảng dạy của học sinh, nhà trường và nhất là không tạo ra sự bất lợi cho học sinh trong kỳ thi năm nay. Trên thực tế, việc đánh giá hệ số 1 đã được đề xuất và thông báo từ năm ngoái, mặc dù chưa áp dụng nhưng các em đã dần quen với việc học đều 3 môn thi.

Ngoài ra, bắt đầu từ năm ngoái đã có thông tin về tính điểm tất cả hệ số 1, các thầy cô đã tổ chức giảng dạy 3 bộ môn này là như nhau, không chú trọng hay tập trung hơn vào môn nào, thầy cô đã có kinh nghiệm 1 năm hơn để ôn tập cho học sinh. 

"Các em phải đánh giá đúng năng lực của mình để đăng ký nguyện vọng, đừng nên dựa vào một chỉ số nào đó sẽ không chính xác, việc tính hệ số như nhau với tất cả học sinh tham gia kỳ thi thì quan trọng nhất vẫn là sự trang bị kiến thức của các em", ông Quốc nói. 

Môn tiếng Anh tăng thời gian làm bài lên 90 phút. (Ảnh minh họa)

Nói về việc tính điểm 3 môn thi lớp 10 đều hệ số 1, cô Trần Thúy An, Hiệu trưởng Trường THCS Minh Đức (quận 1, TP.HCM) cho rằng, khi áp dụng thì về mặt đề thi môn tiếng Anh cũng phải cân nhắc cho phù hợp để không tạo ra sự lo lắng thái quá cho học sinh.

Trước Toán, Văn nhân hệ số 2, tiếng Anh điểm hệ số 1, học sinh thường có xu hướng học lệch, học thiên về Toán, Văn hơn, nếu 3 môn đều điểm hệ số 1, các em sẽ học đồng đều hơn, tránh “học tủ”, học lệch”, cô An nói.

Cô Nguyễn Ngọc Khánh Vân, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cũng cho hay, thay đổi là hợp lý vì đằng nào các em cũng học 3 môn Toán, Văn và tiếng Anh, tốt cho học sinh. Tránh tình trạng học lệch, thiên về những môn thi điểm nhân hệ số 2.

MAI CÁT

Tin mới