Trước Nhật Bản và Saudi Arabia, Oman đều thực hiện nhưng không thành công. Trước Australia, đối thủ trội hơn về hình thể, Oman thậm chí không sử dụng.
Trên lý thuyết, Oman có thể dồn cả 10 cầu thủ vào khu vực này (nếu có chỗ đứng). Bố trí như vậy là không phạm luật. Bí quyết của cách dàn xếp đá phạt này là tạo lợi thế về quân số từ đó tận dụng khả năng đá phạt xoáy của cầu thủ thực hiện. Chỉ cần 1 trong 5 cầu thủ áp sát khu vực này chạm được bóng, khả năng ăn bàn là dễ xảy ra.
Nhật Bản và Saudi Arabia đều bố trí thủ môn áp sát cầu thủ Oman trong vùng cấm để sẵn sàng va chạm và lấy lợi thế trong vùng 5,5 m.
Song vì sao chỉ tới khi gặp tuyển Việt Nam, Oman mới thành công nhờ cách đá phạt này? Điểm yếu lớn của cách dàn xếp này là buộc phải diễn ra trong vùng 5,5 m, khu vực thủ môn có quyền lớn nhất theo luật bóng đá.
Tuyển Nhật Bản "phá" thành công trận địa này của Oman khi tinh quái bố trí thủ môn áp sát cầu thủ Oman. Trung vệ thủ quân dày dạn kinh nghiệm Maya Yoshida thậm chí chủ động đứng tách ra. Toan tính của Nhật Bản rất rõ ràng: Họ tạo điều kiện để thủ môn tranh chấp vật lý với cầu thủ Oman.
Lợi thế dĩ nhiên thuộc về thủ môn Nhật Bản. Chỉ cần ngã ra, trọng tài sẽ phạt lỗi cầu thủ Oman vì tranh chấp với thủ môn trong khu vực 5,5 m. Việc Yoshida đứng tách ra còn giúp thủ môn Nhật Bản thoải mái lấy đà băng ra phá bóng nếu cần. Saudi Arabia cũng bố trí tương tự.
Thủ thành Văn Toản và hàng phòng ngự Việt Nam đã bố trí không hợp lý trước Oman. Văn Toản không áp sát với bất kỳ cầu thủ Oman nào khi thủ quân Quế Ngọc Hải đứng chắn trước mặt và bị 2 cầu thủ áo đỏ ghim chặt.
Quế Ngọc Hải đứng chắn Văn Toản với 2 cầu thủ Oman. Thủ thành của tuyển Việt Nam không có lợi thế nào trong vùng 5,5 m.
Điều này vô hình triệt tiêu lợi thế trước đối thủ của thủ môn trong vùng 5,5 m. Văn Toản cũng không có không gian để nhảy lên phá bóng. Oman thành công mỹ mãn khi bóng rót thẳng vào khung thành, còn Văn Toản bị chính người đàn anh Ngọc Hải chặn đường cản phá.
VAR đã vào cuộc để xem lại tình huống này và quyết định sau cùng là công nhận bàn thắng. Nếu Văn Toản chủ động áp sát một cầu thủ Oman, và Quế Ngọc Hải không tự làm khó chính mình và đồng đội bằng tình huống gồng người giữ 2 cầu thủ đối phương, nhiều khả năng chúng ta tránh được bàn thua này, khi Văn Toản tranh chấp bóng và hoàn toàn có thể ngã ra, buộc trọng tài cắt còi vì đối phương phạm lỗi, hoặc chính thủ thành này cản phá được.
Có những lý do dễ hiểu để cách dàn xếp đá phạt góc này gần như rất ít xuất hiện tại những giải đấu hàng đầu như Premier League, Champions League, World Cup hay Euro.
Nó quá dễ bị hóa giải, và thậm chí mở ra những khoảng trống lớn để đối thủ phản công. Việc dồn 5 người đứng vào vùng 5,5 m khiến đội áp dụng còn 5 người phòng ngự tuyến hai, và theo kèm tiền đạo đối phương. Luật việt vị không áp dụng khi cầu thủ cuối cùng sang phần sân đối phương càng khiến cách dàn xếp đá phạt này thành con dao hai lưỡi.
Tuy nhiên, tuyển Việt Nam dường như không có sự chuẩn bị tốt nhất khi lần đầu phải đối mặt nó. Hàng phòng ngự cũng thiếu hụt kinh nghiệm khi phân chia trách nhiệm chưa chuẩn. Tất cả điều này khiến chúng ta nhận bàn thua thứ 2 trước Oman, từ đó mất thế trận và kết thúc trận đấu với tỷ số thua 1-3.
Tuyển Việt Nam chưa giành được điểm nào ở Vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á. Đồ họa: Minh Phúc.