Quế Ngọc Hải vi phạm bản quyền hình ảnh đội tuyển Việt Nam và mặc áo có cờ đỏ sao vàng không chuẩn mực đã phải lên tiếng xin lỗi. Tuy nhiên, việc trung vệ của Viettel đổ hết trách nhiệm cho đối tác cho thấy sự chủ quan, không chuyên nghiệp của cầu thủ này lẫn người đại diện (tự xưng) khi tham gia hợp tác quảng cáo.
Cụ thể, người đại diện của Quế Ngọc Hải trong vụ việc này đã không nắm rõ luật, các quy định về bản quyền hình ảnh. Người đại diện của Quế Ngọc Hải cũng không có định hướng, hay xem xét tỉ mỉ nội dung đối tác đưa ra cho cầu thủ dẫn đến những sai sót của cầu thủ Viettel.
Quế Ngọc Hải vi phạm bản quyền hình ảnh đội tuyển Việt Nam khi tham gia quảng cáo game.
Đây không phải lần đầu tiên các cầu thủ Việt Nam dính phốt khi tham gia các hoạt động truyền thông.
Năm 2015, Công Phượng quảng cáo cho một hãng bia cũng gây tranh cãi khi sử dụng hình ảnh của đội tuyển U19 Việt Nam mà chưa xin phép.
Năm 2018, đến lượt Quang Hải dính vào lùm xùm với một clip quảng cáo bia tương tự. Quang Hải xuất hiện trong đoạn video mà hãng bia này tái hiện pha đá phạt thành bàn trong trận chung kết giải U23 Châu Á giữa mưa tuyết Thường Châu.
Dù đơn vị quảng cáo không hề sử dụng hình ảnh thật của U23 Việt Nam, ngay cả chiếc áo Quang Hải mặc cũng không phải chiếc áo mà đội tuyển quốc gia và U23 đang sử dụng. Tuy nhiên, tất cả những hình ảnh đó đều khiến người xem đều liên tưởng đó là hình ảnh của U23 Việt Nam.
Hay mới đây là việc Tiến Linh hồn nhiên cầm áo đấu của 1 CLB nghệ sỹ như thể chuyển sang thi đấu chính thức cho đội bóng này. Hành động ấy ngay lập tức bị CLB chủ quản B.Bình Dương lên tiếng phê bình, buộc Tiến Linh phải xin lỗi.
Tất cả những lỗi vi phạm bản quyền này có thể không xảy ra nếu các cầu thủ có một người đại diện chuyên nghiệp và am hiểu luật.
Một yếu tố nữa cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp của người đại diện cầu thủ ở Việt Nam là họ dễ bị cuốn vào những cuộc tranh cãi xung quanh thân chủ của mình trên các diễn đàn, mạng xã hội và báo chí. Thậm chí, có người còn dùng facebook của cầu thủ mắng chửi người hâm mộ, gây tổn hại tới hình ảnh của cầu thủ.
Điều này cũng cho thấy sự yếu kém của người đại diện cầu thủ ở Việt Nam trong cách xử lý các khủng hoảng truyền thông.
Nghề đại diện cầu thủ ở Việt Nam, dù xuất hiện đã lâu, song còn chưa được soi rọi rõ ràng trong dòng chảy bóng đá nước nhà. Những người đại diện cầu thủ xuất hiện phần lớn tự phát thông qua các mối quan hệ với cầu thủ chứ rất ít người được đào tạo bản bài và có đội ngũ luật sư tư vấn, hỗ trợ.
Các cầu thủ Việt Nam, đặc biệt là các ngôi sao được nhiều người quan tâm cần phải tỉnh táo khi chọn người đại diện. Đồng thời, đã đến lúc cần phải cần làm rõ vai trò của người đại diện trước pháp luật.