Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cầu thủ từng dạt sang Lào, đứt 2 dây chằng trở thành hiện tượng V-League

(VTC News) -

Tiền đạo Nguyễn Xuân Nam là hiện tượng thú vị ở V-League 2020 khi đang là cầu thủ nội ghi bàn nhiều nhất với 3 bàn thắng trong 2 lần vào sân từ ghế dự bị.

Cùng lứa 1993, 1994 với Đỗ Hùng Dũng ở lò "Hoàng Anh Gia Lâm" nhưng trong khi đồng đội cũ đã giành Quả Bóng Vàng Việt Nam, Nguyễn Xuân Nam mới đi những bước đầu tiên của hành trình làm lại từ đầu ở V-League.

Tiền đạo đang khoác áo CLB TP.HCM từng là một cầu thủ trẻ triển vọng, vua phá lưới U19 Đông Nam Á. Tuy nhiên, những biến cố trong những năm đầu mới lên chuyên nghiệp khiến anh có lúc phải dạt sang Lào, thậm chí suýt phải từ bỏ nghiệp cầu thủ.

Nguyễn Xuân Nam (áo trắng) thường được HLV Chung Hae-seong tin tưởng tung vào sân thay ngoại binh Amido Balde.

- Lý do gì khiến Nam sang Lào thi đấu khi đang là một cầu thủ trẻ tiềm năng được đánh giá cao?

Đợt đấy, tôi định nghỉ đá bóng rồi, vì cũng nhiều vấn đề. Mới cùng U19 Việt Nam dự giải Đông Nam Á về, tương đối nổi tiếng, tôi nghĩ đủ tốt rồi nên thái độ... không tốt. Thời điểm đấy chỉ cần dự bị, không được đá là tôi không hài lòng với quyết định của HLV. Tôi tự ái, dỗi hờn, không được đá rồi lại chán nản dẫn đến suy nghĩ tiêu cực. Đó là thời kỳ tôi suy nghĩ chưa chín chắn. 

Thời điểm ấy chú Thắng (HLV Nguyễn Đức Thắng) làm giám đốc đào tạo trẻ của Hà Nội T&T. Chú Thắng bảo làm sao mà phải chán, phải về. Tôi hờn dỗi, bảo cháu không thích nữa. Chú Thắng vẫn bảo phải suy nghĩ kỹ đi, còn đam mê thì còn cơ hội.

- HLV Đức Thắng gợi ý cho Nam sang Lào?

Lúc đó, tôi lên đội 1 Hà Nội T&T rồi. Thầy Hùng (HLV Phan Thanh Hùng) rất quý tôi. Bác Trần Văn Dũng làm HLV đội SHB Viêng Chăn bên Lào xin 1 cầu thủ trẻ sang. Ban đầu, người được chọn không phải Nam mà là Nguyễn Minh Hải, trước lên tuyển U16, U19, bây giờ nghỉ rồi.

Hải lên gặp chú Thắng xin không đi, thế là chú Thắng chỉ định tôi. Tôi cũng không muốn đi. Làm gì có ai đang ở đội Hà Nội T&T sướng như thế mà tự dưng sang Lào đá cho khổ ra. Xa đất nước, xa nhà, xa bố mẹ. Bảo tôi đi, tôi chán lại bỏ về nhà. Thầy Hùng mới gọi lên, nói rằng cứ chịu khó sang Lào 1 năm rồi về đây thầy tạo cơ hội. Sau này, đúng là thầy Hùng giữ lời hứa.

Tiền đạo sinh năm 1994 trải qua một hành trình lận đận ở V-League và đang làm lại từ đầu.

- Báo chí nói Nam là vua phá lưới Lào, nhưng hình như không phải vậy?

Hồi mới sang Lào, tôi không chịu đá đâu. Hai ba trận đầu, tôi đến tập còn chả tập. Chán mà! HLV Trần Văn Dũng điện về nhà nói với gia đình. Bố mẹ nhắc nhở đã không đi thì thôi, đi thì phải đàng hoàng, khi ấy, tôi mới tập trung lại để đá. Sau đó vào thi đấu tử tế ghi liền mạch 22 bàn, chỉ kém một tiền đạo người Nhật Bản, là huyền thoại của giải đấu năm nào cũng ghi hai mấy bàn. 

- Đặng Văn Lâm từng kể rằng giải Lào điều kiện rất khổ sở. Những trải nghiệm của Nam có như vậy không?

Lâm ở đội Attapeu, điều kiện thế nào thì không rõ. Nam may mắn hơn vì được ở ngay Viêng Chăn. Nhưng hai tháng đầu cũng rất khó sống. Ăn cơm có phải như Việt Nam đâu. Ăn cơm nếp, đồ nướng rất khó quen. Nam từng bị đau dạ dày, phải đi cấp cứu ngay trong đêm. Thời gian đầu khó khăn mỗi cái đấy thôi, còn tập luyện, cơ sở vật chất mặc dù thua Việt Nam nhưng không đến nỗi quá khổ, vẫn đủ điều kiện cho anh em tập luyện chuyên nghiệp.

Có một điểm phải nói về cầu thủ Lào là họ đá rất tốt, nhưng không có mục tiêu cũng chẳng có tiền thưởng nên cầu thủ xảy ra nhiều chuyện. Mọi người thấy đội tuyển Lào lúc nào cũng bị loại nhưng thực lực của họ không tệ, nếu đá hết sức mà có thưởng thì khó thắng họ lắm. 

- Có thật là Nam được LĐBĐ Lào mời nhập tịch để đá cho đội tuyển của họ không?

Hôm đó, tôi đang tập gym trong liên đoàn bóng đá Lào. Ông Steve Darby, HLV trưởng đội tuyển Lào nói chuyện với trợ lý đội SHB Viêng Chăn rồi gọi Nam ra, hỏi cậu này là người Lào à. Nếu người Lào thì sắp tới vòng loại World Cup gọi lên. 

Ông trợ lý bảo không phải, Nam là người Việt Nam thì ông Darby nói người Việt Nam đá như thế sao không lên đội tuyển Việt Nam mà phải sang Lào làm gì. Rồi ông hỏi Nam xem có muốn đá cho đội tuyển Lào không để nhập tịch.

Tôi hiểu ông ấy đánh giá cao tôi. Nhưng đối với Nam việc này chả có ý nghĩa gì, vì tôi làm gì có ý định đá cho đội tuyển Lào đâu. Nói vui là cho tiền cũng chả đá.

Tiền đạo của TP.HCM từng muốn bỏ bóng đá vì dỗi hờn và đau đớn. (Ảnh: M.D)

- Sau khi đá ở giải Lào rất thành công, Nam còn có cơ hội ra nước ngoài một lần nữa. Chuyện đó là như thế nào?

Kết thúc giải Hạng Nhất năm ngoái, tôi dự gala tổng kết để nhận danh hiệu vua phá lưới thì có người môi giới bên Thái Lan gặp riêng. Anh ấy nói muốn đưa Nam sang Thái thi đấu, chỉ cần đồng ý thì sẽ cho 2 phương án và kết nối cho. Họ cũng đưa ra khung lương và lót tay, cấp nhà, cấp xe rồi.

Thực ra chuyện này tôi muốn giữ kín vì nó là chuyện chưa trở thành hiện thực, nói ra chỉ như làm màu làm mè thôi. Tôi không muốn vậy. Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, mẹ vui quá nên lỡ khoe vậy, vì thấy tôi trở lại đá bóng được như thế này là mừng rồi. 

- Trở lại đá bóng được là mừng rồi, có phải vì hai lần chấn thương nặng khiến Nam nghĩ đến chuyện từ bỏ? 

Có những thời điểm tôi nghĩ chuyện bỏ nghề, nhưng vẫn áy náy. Tôi hờn dỗi, muốn bỏ nhưng có lẽ trong thâm tâm không muốn thế. Lúc chấn thương nhiều quá, đứt hai dây chằng, tôi nghĩ là không thể cố được nữa, nhưng trong lòng vẫn áy náy.

Tôi phải theo hết nghiệp để trả nợ nghề. Tôi không ép tôi phải thành công, nhưng ép mình phải theo hết nghề này. Đến bao giờ tôi không đá được nữa thì thôi. Cảm giác nợ nghề, tôi phải đi đá để trả nợ nghề.

- Giữa 2 đội Thái Lan và CLB TP.HCM, tại sao Nam lại quyết định không ra nước ngoài?

Một chút tình cảm nữa. Về tài chính thì TP.HCM kém hơn bên Thái Lan. Tuy nhiên tôi cũng có bạn gái và có dự định gia đình. Bố mẹ tôi nói rằng tiền thì ai cũng cần, nhưng ít hơn một chút thì không làm sao cả.

Thực ra bản thân tôi thích đi xa. Nhưng mọi lần tôi tự quyết định không đạt kết quả như ý rồi. Lần này tôi cảm thấy cần bố mẹ đưa ra ý kiến, để có thể làm sao cả gia đình vui vẻ. Quyết định là về TP.HCM.

- Nam từng trải qua khoảng thời gian không may mắn ở TP.HCM khi đá cho Sài Gòn FC. Trở lại lần này, gia đình có lo bạn sẽ thất bại lần nữa không, vì 26 tuổi thì cơ hội làm lại sẽ không còn nhiều?

Đúng. Gia đình tôi rất lo. Cho tôi vào TP.HCM một lần nữa rất đáng lo. Tôi phải tâm sự thật là lúc trẻ rất mải chơi. Các thầy nói tôi tiềm năng nhưng tôi mải chơi, chưa tập trung cho bóng đá 100%, chỉ 80% thôi. Còn 20% tôi còn thú vui khác. Tôi mải chơi, bị ảnh hưởng. Tôi đã ngã ở mảnh đất Sài Gòn này.

- Về CLB TP.HCM, rõ ràng Nam phải chấp nhận làm dự bị.

Người kết nối tôi về TP.HCM là thầy Đinh Hồng Vinh, bây giờ là Quyền Chủ tịch CLB Bà Rịa Vũng Tàu. Tôi suy nghĩ cũng rất nhanh thôi. Tôi biết CLB này có mục tiêu cao, cạnh tranh với Hà Nội. Tôi biết cơ hội rất ít nhưng vẫn luôn tin là nếu có thì phải nắm bắt được. Phải cố gắng chuyên nghiệp nhất có thể. Số phút thi đấu rất ít ỏi, nhưng tôi chấp nhận, TP.HCM nhiều ngôi sao thế cơ mà.

Ở V-League, ngoại binh nhận lót tay và lương rất cao nên họ được ưu tiên, tôi phải chấp nhận và lại chờ cơ hội. Ngày nhỏ tôi không kiên nhẫn, nhưng đến bây giờ qua bao nhiêu biến cố thì tự nhủ rằng có dự bị thêm một năm nữa cũng được. Tất nhiên tôi mong cơ hội sẽ nhanh đến.

Những việc khác không còn quan trọng nữa, tôi chỉ tập trung vào đá thôi. Tôi vào sân thể hiện, CLB sẽ đánh giá xem tôi có được việc không, tôi nhận đồng lương có xứng đáng không. Việc của tôi là đá bóng, thế thôi.

- Được làm việc với HLV Chung Hae-seong, Nam thấy thế nào? Mọi người nói ông ấy là một HLV giỏi và rất nghiêm khắc.

Thầy Chung là HLV có trình độ cao, đề cao tính kỷ luật. Trong làm việc rất nghiêm khắc nhưng bên ngoài lại cực kỳ tình cảm, quan tâm đến học trò. Đối với Nam, thầy không chỉ HLV mà quan trọng nhất, là một nhà tâm lý.

Thầy gọi từng cầu thủ lên phòng nói chuyện, lắng nghe tâm tư nguyện vọng. Riêng Nam, thầy luôn động viên là phải tự tin, đừng sợ sệt ngại ngùng, phải là chính tôi mới phát huy được.

Minh Ngọc - Hồng Nam

Tin mới