Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cầu thủ Ngoại hạng Anh phản ứng: 'Giảm lương chúng tôi để làm gì?'

(VTC News) -

Các thủ quân ở Ngoại hạng Anh không chấp thuận đề xuất giảm lương của CLB nếu không thấy mục đích chính đáng.

Mâu thuẫn giữa giới chủ sở hữu CLB và cầu thủ Ngoại hạng Anh đang có dấu hiệu leo thang. Cuộc họp giữa đại diện các CLB vào thứ Sáu tuần trước đi đến kết luận về đề xuất giảm 30% lương cầu thủ, qua đó có thêm chi phí bù đắp thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra. Tuy nhiên, nhiều cầu thủ không chấp nhận đề xuất này.

Theo Daily Mail, đội trưởng của 20 CLB Ngoại hạng Anh đã có cuộc họp video 45 phút được mô tả là "căng thẳng" với ban lãnh đạo, khi các cầu thủ đều hoài nghi trước kế hoạch cắt giảm lương của đội bóng. Trong suốt cuộc họp, chỉ có Kevin de Bruyne (Manchester City), Troy Deeney (Watford) và Mark Noble (West Ham) được phép lên tiếng. 

De Bruyne không đồng ý với đề xuất giảm lương. 

Quan điểm từ phía một số cầu thủ là các CLB đang lợi dụng khủng hoảng dịch bệnh để tìm cớ trốn tránh nghĩa vụ tiền bạc, đồng thời không biết động cơ phía sau kế hoạch giảm lương là gì. 

Các đội trưởng đại diện cho giới cầu thủ cũng muốn được giải đáp câu hỏi tại sao phải giảm 30% lương, khi họ đã khẳng định sẽ dùng số tiền mình kiếm được cho các hoạt động cộng đồng, hỗ trợ cho hệ thống y tế công cộng Anh (NHS)? 

Phía cầu thủ cũng muốn CLB bảo đảm cho các nhân viên không bị mất việc. Hiện có 5 đội Ngoại hạng Anh gồm Liverpool, Tottenham, Norwich City, AFC Bournemouth và Newcastle United cho nhân viên nghỉ ở nhà. 

Thắc mắc từ phía cầu thủ khiến các CLB gặp khó khi phải giải thích việc cắt giảm lương là cần thiết. Nhiều đội ở Ngoại hạng Anh có doanh thu lên đến hàng trăm triệu bảng. Một số đội lớn như Liverpool, Manchester United có giá trị lên tới 1 tỷ bảng.

Các đội cũng được sở hữu bởi những tỷ phú "lắm tiền nhiều của", nên việc giảm 30% lương cầu thủ ở khoảng thời gian này bị hoài nghi ít nhiều. 

Tỷ phú Levy vừa cho các nhân viên Tottenham tạm nghỉ. 

Theo thông báo từ ban tổ chức giải, việc cắt giảm lương cầu thủ là giải pháp cần có sự đồng thuận giữa các bên, không mang tính ép buộc. Các CLB cũng dự kiến giới hạn khoảng thời gian giảm lương nhiều nhất là 12 tháng. 

Mỗi CLB sẽ có cách áp dụng kế hoạch giảm lương khác nhau. Với MU, khoản tiền cắt giảm 30% lương cầu thủ được chuyển trực tiếp tới các bệnh viện địa phương và trung tâm y tế.

Chủ nhật vừa qua (5/4), Hiệp hội Cầu thủ chuyên nghiệp Anh (PFA) phản đối kế hoạch giảm lương khi cho rằng giải pháp này sẽ ảnh hưởng tới nguồn thu thuế của chính phủ. 

"Các cầu thủ đều lưu tâm rằng khoản tiền thuế trong mức lương của họ đóng góp đáng kể cho ngân quỹ y tế công cộng, vốn đang rất cần thiết vào lúc này. Cắt giảm 30% lương cầu thủ sẽ ảnh hưởng tới sự chắc chắn về tài chính của ngân khố quốc gia", theo PFA.

Video: Sergio Ramos tập luyện giữ phong độ tại nhà 

Hiệp hội đại diện cho quyền và lợi ích cầu thủ đưa ra dẫn chứng: Tổng 30% lương tháng của cầu thủ trong 1 năm có giá trị lên tới 500 triệu bảng, với mức thuế thu nhập 40% sẽ tương đương với 200 triệu bảng tiền thuế.

Với tình trạng xấu nhất là các CLB giảm 30% lương cầu thủ trong 1 năm, Chính phủ Anh sẽ mất tới 200 triệu bảng tiền thuế đáng ra phải có, con số rất đáng kể.

"Sự thất thu của chính phủ sẽ ảnh hưởng thế nào tới hệ thống dịch vụ y tế công cộng Anh (NHS). Khi yêu cầu các cầu thủ giảm lương, liệu Bộ trưởng Y tế Matt Hancock có cân nhắc tới điều này không?", PFA đặt dấu hỏi.

Hậu vệ Danny Rose của Tottenham cũng đồng ý khi cho rằng Ban tổ chức giải "đẩy cầu thủ vào thế chân tường" khi yêu cầu giảm lương. Tiền đạo kỳ cựu Wayne Rooney cho rằng việc giảm lương sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều người, và giới cầu thủ luôn bị đem ra làm "vật tế thần" mỗi khi khủng hoảng ập tới.

Hồng Nam

Tin mới