Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa giao Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đánh giá, xử lý và trả lời thông tin báo chí nêu về việc cầu Thanh Trì bị chỉ trích là "cầu tử thần".
Báo Tiền Phong thông tin cầu Thanh Trì đang có lưu lượng xe lớn nhất Hà Nội, đây cũng là cây cầu huyết mạch của tất cả các xe tải lưu thông theo hướng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Hải Dương.
Sau 14 năm được đưa vào sử dụng, hiện nay lượng phương tiện đi lại trên cầu đã lên 120 nghìn lượt xe/ngày, quá tải gấp 8,1 lần so với năng lực thiết kế.
Do vậy, từ nhiều năm nay ùn tắc trên cầu Thanh Trì diễn ra như "cơm bữa". Ngoài ra, cầu cũng được đánh giá là cầu có số vụ tai nạn chết người cao nhất Hà Nội. Từ năm 2018 đến 2020, theo số liệu của Cục Cảnh sát Giao thông, Bộ Công an, số vụ tai nạn có thiệt hại về người đã tăng 62% so với 2 năm trước đó.
Cầu Thanh Trì bị chỉ trích là "cầu tử thần", tình trạng này kéo dài nhiều năm nay nhưng đơn vị có trách nhiệm chậm đưa ra giải pháp, hướng xử lý hiệu quả.
Cầu Thanh Trì thường xuyên ùn tắc, tai nạn.
Sở GTVT mới đây quyết định điều chỉnh tốc độ khai thác làn ô tô trên cầu Thanh Trì từ 80km/h xuống 60km/h; Giữ nguyên tốc độ khai thác làn xe hỗn hợp 50km/h. Thời gian áp dụng từ 16/3.
Sở GTVT Hà Nội yêu cầu Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông lắp đặt biển báo hướng dẫn cho các phương tiện giảm tốc độ từ 80km/h xuống 60km/h cách 2 đầu cầu Thanh Trì 500m, đảm bảo khoảng cách an toàn; thay thế biển báo hạn chế tốc độ 80km/h thành 60km/h trên giá long môn tại hai đầu cầu Thanh Trì.
Sở GTVT Hà Nội cũng yêu cầu theo dõi, đánh giá tình hình giao thông đi lại trên cầu Thanh Trì và các tuyến đường xung quanh khu vực để kịp thời phát hiện các bất cập, đề xuất và báo cáo Sở GTVT điều chỉnh phương án tổ chức giao thông cho phù hợp.
Phòng CSGT - Công an TP, Thanh tra GTVT phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị có liên quan hướng dẫn phân luồng cho các phương tiện tham gia giao thông trên cầu Thanh Trì.