Nhiều năm nay, mặt cầu Thăng Long (Hà Nội) nhan nhản các đoạn lún, nứt, hư hỏng khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Để khắc phục tình trạng này, các đơn vị chức năng liên tục sửa chữa với chi phí tốn kém, tuy nhiên chỉ sau một thời gian ngắn, mọi chuyện lại đâu vào đấy, mặt cầu cứ theo "điệp khúc" sửa rồi lại hỏng mà không có giải pháp triệt để.
Trả lời VTC News về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Đình Thám - Nguyên Trưởng Bộ môn công nghệ quản lý và xây dựng, Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, cầu Thăng Long do Liên Xô giúp đỡ xây dựng, qua một thời gian sử dụng khá dài, khi các đơn vị của Việt Nam sửa chữa lại không nắm được công nghệ nên gặp nhiều khó khăn.
Mặt cầu Thăng Long liên tục được sửa chữa, lấp vá nhưng chỉ được một thời gian ngắn lại hỏng.
“Cầu Thăng Long do Liên Xô thiết kế và họ thi công cho mình phần mặt đường. Cầu hoạt động từ năm 1985 đến lần sửa chữa đầu tiên là khoảng 30 năm, như vậy nó đã tồn tại qua một thời gian dài.
Mặt cầu hư hỏng rồi sửa đi sửa lại, áp dụng công nghệ nọ công nghệ kia mà chưa được khảo nghiệm nên vẫn hỏng. Vì vậy để sửa chữa phải tìm đơn vị nào có công nghệ phù hợp với cầu Thăng Long là hợp lý nhất”, ông Thám nói.
Để sửa chữa mặt cầu, phải tìm đơn vị nào có công nghệ phù hợp với cầu Thăng Long.
PGS.TS Nguyễn Đình Thám
Trước ý kiến cho rằng các chuyên gia Liên Xô “giữ bí mật” công nghệ, không chuyển giao cho Việt Nam khiến việc sửa chữa cầu gặp khó khăn, ông Thám không đồng tình và cho rằng do các chuyên gia Liên Xô là những người thiết kế nên họ dễ dàng nắm được tính chất của cây cầu, các đơn vị khác sau này nhảy vào sửa chữa chắc chắn sẽ mất rất nhiều thời gian.
“Theo tôi cũng không có bí quyết gì đặc biệt lắm, vấn đề của cầu Thăng Long chủ yếu là giữa phần nền đường và phần mặt đường phải phù hợp với nhau.
Nếu không phù hợp thì mặt trên sẽ không bám được xuống dưới nền, nguyên tắc của nó chỉ như vậy thôi. Phần dưới là cầu thép, ở giữa đặt lớp mặt nền, sau đó mới trải lớp nhựa lên trên. Phần nhựa trên và phần nền ở dưới phải phù hợp với nhau mới có thể chịu được sự thay đổi của thời tiết.
Người thiết kế trước đây họ có thể biết được tính chất đó, còn người khác vào sau thì phải đi khảo sát, đo đạc tất cả mọi thứ và tất nhiên sẽ tốn công hơn người đã từng thiết kế”, ông Thám phân tích.
Mặt cầu Thăng Long bị lún, nứt, gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Vị chuyên gia này cho rằng, để khắc phục dứt điểm những hư hỏng ở cầu Thăng Long nên mời đơn vị thiết kế và thi công của Nga sang để xử lý.
“Phương án tốt nhất là mời nhà thiết kế và thi công của Nga sang và có thể kết hợp với một đơn vị Việt Nam. Người từng thiết kế trước đây sửa chữa là đảm bảo nhất. Tuy nhiên, khi mời họ phải phân nhiệm vụ sửa chữa rõ ràng và phải giao trách nhiệm, yêu cầu họ đáp ứng được. Phải có trách nhiệm và phải bảo lãnh cho công trình.
Trước kia, Liên Xô giúp đỡ chúng ta chủ yếu là viện trợ không hoàn lại nên họ lo mọi cái, chúng ta chỉ biết nhận và sử dụng thôi.
Còn giờ, phải xác định mình là chủ đầu tư, bỏ tiền ra rồi thì cần phải khác và bên kia họ cũng là đơn vị làm kinh tế nên chúng ta cần phải tính toán cẩn thận”, ông Thám nói thêm.
Cũng theo ông Thám, khi mời các đơn vị của Nga sang thì tự bản thân chúng ta cũng phải học hỏi, lấy kinh nghiệm làm chủ công nghệ, thậm chí triển khai cho các cầu khác.
Cầu Thăng Long cao 2 tầng, dài khoảng 3,1 km, gồm phần cầu chính dài 1,6 km với 15 nhịp dầm thép, khẩu độ mỗi nhịp 112 m. Mặt cầu bằng thép tấm thảm bê tông nhựa.
Tầng trên có bề rộng 20 m chia 4 làn xe cơ giới, còn lại hai bên là đường bộ công vụ, mỗi bên rộng 2 m. Tầng dưới ở giữa là tuyến đường sắt khổ ray 1.435m, hai bên là đường xe thô sơ, xe máy 3,5 m.
Cầu được khởi công xây dựng năm 1974 và chính thức khánh thành vào ngày 9/5/1985, do Liên Xô (cũ) hỗ trợ Việt Nam xây dựng.
Năm 2009, mặt cầu Thăng Long đã được trải lại toàn bộ lớp thảm mặt cầu tầng 2 bằng công nghệ Mỹ. Tuy nhiên, từ đó tới nay, lớp bê tông nhựa mặt cầu bị xô dồn, nứt ngang mặt do dính bám giữa bê tông nhựa mới sửa và bản thép phía dưới không đạt yêu cầu.
Sau đó, cầu Thăng Long còn được “đại tu” thêm vào các năm 2013, 2016 với kinh phí lên tới hàng trăm tỷ đồng nhưng mặt cầu vẫn hư hỏng.