Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Điểm 1 đáng nhớ của thủ khoa đầu ra Đại học Khoa học Tự nhiên

(VTC News) -

Bị điểm 1 môn Đại số tuyến tính vào năm thứ nhất, Bá Dương nhanh chóng chấn chỉnh lại bản thân và trở thành thủ khoa lúc ra trường.

Video: Bá Dương chia sẻ về quá trình học tập tại Đại học Khoa học Tự nhiên.

Trần Bá Dương trở thành thủ khoa đầu ra khoa Vật lý của Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) năm 2022 với điểm GPA 3.85/4.0. Dương cũng là chủ nhân học bổng toàn phần của Chính phủ Nhật Bản (MEXT) và sẽ lên đường du học tại Đại học Osaka vào tháng 9 tới.

“Điều mà em quan tâm là những kiến thức mình tiếp thu được trong môi trường đại học. Do không đặt nặng vấn đề điểm số nên khi biết tin là thủ khoa đầu ra khoa Vật lý em rất bất ngờ”, Dương nói.

Dương vốn là học sinh chuyên Tin, trường THPT chuyên Sư phạm. Lên đại học, nam sinh rẽ hướng theo đuổi ngành Vật lý.

Áp dụng cách học từ thời phổ thông, Dương nhanh chóng vượt qua các môn học ở kỳ 1 năm nhất. Cậu “mạnh tay” đăng ký gần 30 tín chỉ vào kỳ 2 và tự tin mình có thể hoàn thành xuất sắc chương trình học. Tốt nghiệp trước thời hạn cũng là mục tiêu của chàng 10x khi đăng ký lịch học dày đặc.

Học kỳ 2, Dương phải bắt tay vào nghiên cứu khoa học. Cùng với guồng quay các tín chỉ, nam sinh dần vỡ mộng. Dương nhận về cú sốc đầu đời với điểm 1 giữa kỳ môn Đại số tuyến tính.

“Đại số tuyến tính là một môn học khó, đòi hỏi sinh viên phải thay đổi cách học hoàn toàn so với các môn còn lại. Khi đó, em còn tự hỏi bản thân rằng liệu có sai lầm khi đá ngang sang ngành Vật lý”, nam sinh chia sẻ.

Sau đó, Dương sắp xếp thời gian khoa học hơn và dành khoảng trống để bản thân tái tạo năng lượng. Trước khi lên lớp, cậu đọc sách, giáo trình và tự đặt câu hỏi, tự tìm câu trả lời. Lên lớp, Dương trao đổi lại kiến thức với bạn bè, nhờ thầy cô giải đáp những vấn đề còn khúc mắc.

Chàng sinh viên thử nhiều phương pháp học khác nhau để tìm ra phương pháp phù hợp nhất với mình. “Lượng biến thì chất biến, vậy nên, mình phải học tập chăm chỉ thì mới tìm ra được phương pháp học tập tối ưu với bản thân”, Dương nói.

Hai cách học chính được cậu sử dụng xuyên suốt là sơ đồ hoá và hiện tượng luận. Dương thường sử dụng hình vẽ, sơ đồ để tự miêu tả những định nghĩa trừu tượng một cách dễ hiểu nhất. Cách này vừa giúp cậu không cần học tủ, học vẹt mà vẫn đạt điểm cao trong các bài kiểm tra nhờ hiểu sâu vấn đề.

Phương pháp hiện tượng luận, theo Dương, là đặc biệt phù hợp với sinh viên ngành Vật lý. Khi hình dung, mường tượng được những hiện tượng vật lý trong đầu, sinh viên có thể hiểu được bản chất vấn đề và xây dựng các công thức.

“Bản chất các vấn đề của vật lý đều là hiện tượng. Vậy nên, thay vì học thuộc công thức, mình có thể tìm hiểu tại sao có công thức đó để tự xây dựng lại công thức”, 10x chia sẻ.

Để vừa hoàn thành chương trình trên lớp, vừa rèn luyện ngoại ngữ, Dương ghi chép bài giảng của thầy cô 100% bằng tiếng Anh.

Đến cuối kỳ 2 năm nhất, Dương kết thúc môn Đại số tuyến tính bằng điểm 9 bài thi cuối kỳ.

Trần Bá Dương sẽ lên đường sang Nhật học thạc sĩ vào tháng 9 tới. (Ảnh: Hoài Anh)

Dương không chỉ sở hữu điểm GPA xuất sắc mà còn giành nhiều giải thưởng trong các cuộc thi. Cậu từng giành giải Nhất Olympic Vật lý sinh viên, giải Nhì nghiên cứu khoa học sinh viên cấp trường. Nam sinh có 1 bài báo khoa học quốc tế, 2 bài báo khoa học trong nước và nhiều báo cáo tại các hội nghị, hội thảo chuyên ngành.

Nhờ bảng thành tích này và năng lực thể hiện trong 2 vòng thi, Dương được trao học bổng toàn phần của chính phủ Nhật Bản.

Hiện Dương theo hướng nghiên cứu về vật lý sinh học tính toán. Cậu sử dụng máy tính để mô phỏng về protein trong sinh học, sau đó sử dụng kiến thức vật lý để phân tích. Dương từng nghiên cứu về những hợp chất có khả năng ức chế enzyme protease chính trong virus SARS-CoV-2, sử dụng máy tính để mô phỏng hoạt động và cơ chế của hợp chất đó gắn vào enzyme trong điều kiện của môi trường sinh lý tế bào cơ thể người.

Trong thư giới thiệu gửi đến trường Đại học Osaka, GS.TS Bạch Thành Công (khoa Vật lý, Đại học Khoa học Tự nhiên) nhận xét Dương là sinh viên thông minh và chăm chỉ, luôn đứng đầu bảng về thành tích học tập. Trong quá trình học, Dương không chỉ có tư duy đột phá mà còn có khả năng hiểu vấn đề một cách đáng kinh ngạc -  điều rất cần thiết đối với một nhà khoa học tương lai.

“Tôi tin rằng với sự cần cù, say mê nghiên cứu khoa học và được sự hỗ trợ từ quỹ học bổng MEXT, Dương sẽ phát triển hơn nữa”, Giáo sư Công viết.

PGS.TS Nguyễn Thế Toàn (khoa Vật lý, Đại học Khoa học Tự nhiên) cũng nhận xét Dương có khả năng tư duy độc lập, tự học hỏi và khả năng nghiên cứu toàn diện về các vấn đề vật lý.

HOÀI ANH

Tin mới