Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Câu hỏi của Thủ tướng và cái tâm, tầm của cán bộ

(VTC News) -

Những câu hỏi của Thủ tướng và phần trả lời của một số cán bộ phần nào cho thấy sự lơ là, hời hợt của một bộ phận cán bộ trong thời điểm nước sôi lửa bỏng.

Ngày 13/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã làm việc, kiểm tra công tác phòng chống dịch theo hình thức trực tuyến ở các tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang - nơi tình hình có nhiều diễn biến đáng lo ngại.

Tại cuộc họp, Thủ tướng đặt nhiều câu hỏi với lãnh đạo các tỉnh, trong đó có Bí thư Tỉnh uỷ Kiên Giang, lãnh đạo một số phường tại TP Rạch Giá (Kiên Giang) và Mỹ Tho (Tiền Giang): Số ca mắc trong cộng đồng tuần qua so với tuần trước, ngày hôm sau so với hôm trước thế nào, tăng hay giảm? Chu kỳ xét nghiệm là bao nhiêu ngày? Điều này rất quan trọng, vì tốc độ xét nghiệm mà chậm hơn tốc độ lây lan thì không ngăn chặn được dịch.

Thủ tướng còn chất vấn rằng, những nơi thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội đã triển khai trạm y tế lưu động tại xã, phường, thị trấn theo các công điện của Thủ tướng hay chưa.

Vị bí thư tỉnh uỷ lúng túng, không trả lời được câu hỏi của Thủ tướng và liên tục lật, tìm tài liệu trên bàn.

Thủ tướng nhắc nhở lãnh đạo các địa phương phải nắm rất chắc các số liệu để chỉ huy phòng chống dịch hiệu quả. (Ảnh: VGP)

Khó mà thông cảm cho vị lãnh đạo này được. Trong lúc nước sôi lửa bỏng, công việc chống dịch khẩn trương, gấp gáp đến từng phút, từng giờ mà lãnh đạo tỉnh không nắm được những thông tin cơ bản nhất.

Trong khi các lực lượng chức năng và nhân dân đang gồng mình chống dịch, hồi hộp theo dõi từng con số liên quan dịch bệnh hàng ngày, vậy mà một cuộc họp được cho biết trước về nội dung, một câu hỏi cũng rất sát với chủ đề họp mà vị bí thư không trả lời được. Người ta hoàn toàn có lý do để đặt ra vấn đề về trách nhiệm, về cái tâm, cái tầm đối với công việc, vị trí mà vị lãnh đạo nói trên đang gánh vác.

Căn bệnh “quan liêu, vô cảm” của một bộ phận cán bộ, thời nào cũng có, nhưng có lẽ lúc dịch bệnh đã bộc lộ rõ hơn căn bệnh này và hơn lúc nào hết phải được “chữa trị”.

Thủ tướng đã phải lên tiếng nhắc nhở lãnh đạo các địa phương, rằng phải nắm rất chắc các số liệu để chỉ huy phòng chống dịch hiệu quả. “Phòng bệnh hơn chữa bệnh, một đồng phòng dịch hiệu quả thì không phải chi hàng triệu đồng chống dịch, chưa kể mất mát về con người và nhiều thứ khác nữa”, Thủ tướng lưu ý.   

Bác Hồ từng nói: Bệnh quan liêu là nguy cơ lớn nhất của đảng cầm quyền, là nguyên nhân của nhiều căn bệnh khác. Đến nay, vẫn có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên quan liêu xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình, thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân.

Quan liêu sẽ dẫn đến vô cảm, đó là sự thờ ơ với nhân dân, với chức trách của mình, với khó khăn do dịch bệnh gây ra mà cả nước đang gồng mình chống đỡ. Không nắm chắc tình hình thì không thể chỉ đạo, hoặc sẽ chỉ đạo qua loa, đại khái và làm hỏng việc chung.

Căn bệnh “quan liêu, vô cảm” của một bộ phận cán bộ, thời nào cũng có, nhưng có lẽ dịch bệnh - lúc cần nhất để cán bộ các cấp tỏ rõ sự lăn xả, cái tâm, cái tầm - đã bộc lộ rõ hơn căn bệnh này và hơn lúc nào hết phải được “chữa trị”.

Nguyễn Kiều Hưng (Luật sư)

Tin mới