Tang Shangjun tới từ Quảng Tây năm nay tham gia kỳ thi tuyển sinh vào đại học Cao khảo lần thứ 13. Tuy nhiên, điểm thi của Tang lại giảm so với các năm trước và anh vẫn tiếp tục bỏ lỡ giấc mơ Thanh Hoa ấp ủ hơn 10 năm qua.
Hiện tại, Tang nhập học Đại học Quảng Tây nhưng anh nói đây chỉ là phương án tạm thời. Tang vẫn nuôi ý định tham gia kỳ thi Cao khảo lần thứ 14.
"Tôi khá căng thẳng. Tôi hy vọng kỳ Cao khảo năm sau là kỳ thi cuối cùng tôi tham gia", anh nói.
Tang chụp ảnh cùng bố mẹ. (Ảnh: Baidu)
Ngoài Đại học Quảng Tây, Tang từng đỗ vào 2 trường đại học top đầu khác. Nhưng anh từ chối vì vẫn muốn vào học Đại Học Thanh Hoa - ngôi trường nằm trong nhóm 20 đại học tốt nhất thế giới.
Lần đầu tiên Tang tham gia Cao khảo là vào năm 2009. Khi đó, Tang không thể giải các bài toán khó và điểm của anh khá thấp.
Trong 7 năm kế đó, Tang tiếp tục tham gia vào các kỳ thi cao khảo và giấu kín bố mẹ.
Tới năm 2016 khi đủ điểm vào Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc, Tang thừa nhận với bố mẹ chuyện dùi mài kinh sử suốt gần 10 năm của mình. Bố mẹ không trách anh mà nói họ tự hào vì sự bền bỉ của con trai mình.
Tuy nhiên, Tang quyết định bỏ học sau khi hay tin một trường cấp 3 ở Nam Ninh tặng 100.000 NDT (15.635 USD) cho những người có điểm thi cao như Tang nếu họ đến luyện thi ở đó và tham gia kỳ thi năm kế tiếp.
Ngôi trường này trợ cấp 2.000 NDT (312 USD) cho Tang hàng tháng và hứa thưởng 600.000 NDT (93.000 USD) nếu anh đỗ vào Đại học Thanh Hoa hoặc Đại học Bắc Kinh.
Tang tới ngôi trường này luyện thi trong 2 năm nhưng vẫn không đỗ và Thanh Hoa hay Bắc Kinh. Anh quyết định chuyển sang một ngôi trường khác có ưu đãi tương tự.
Trong suốt thời gian này, anh đi làm gia sư và thi thoảng nhận giao đồ ăn. 2 năm trở lại đây, anh bắt dầu chơi cổ phiếu và kiếm được hàng chục nghìn NDT.
Tang nói anh không hề hối tiếc vì đã thi Cao khảo nhiều năm như vậy.
"Nhưng thỉnh thoảng tôi nghĩ, nếu có một công việc toàn thời gian, gia đình tôi sẽ không nghèo như vậy. Giờ đây, tôi chẳng có gì và làm bất cứ thứ gì với tôi đều rất khó khăn", Tang nói.
Câu chuyện của Tang thu hút sự quan tâm đặc biệt từ mạng xã hội Trung Quốc. Nhiều người tôn trọng quyết định của Tang nhưng cũng có người nói rằng anh đã quá cố chấp với giấc mơ Thanh Hoa của mình. "Anh ấy hoàn toàn có thể theo học một ngôi trường khác rồi sau đó đăng ký học nghiên cứu sinh ở Thanh Hoa", một ý kiến bình luận.
Xiong Bingqi, giám đốc Viện Nghiên cứu Giáo dục Thế kỷ 21 ở Bắc Kinh kêu gọi công chúng không nhìn nhận trường hợp của Yang một cách quá tiêu cực.
"Các trường trung học truyền đạt cho học sinh quan điểm vào đại học danh giá đồng nghĩa với thành công trong cuộc sống. Chúng ta nên cảnh giác với việc các phụ huynh hoặc giáo viên có thể sử dụng câu chuyện của Tang để gây áp lực cho con cái mình", vị chuyên gia cho hay.