Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cặp trống đồng đen và kho báu bí ẩn trên Tây Côn Lĩnh

(VTC News) - Đào một ngôi mộ của vua Hoàng Vần Thùng thu được một số cổ vật, trong đó có hai chiếc trống đồng cực đẹp, màu đen tuyền.

(VTC News) - Đào một ngôi mộ của vua Hoàng Vần Thùng thu được một số cổ vật, trong đó có hai chiếc trống đồng cực đẹp, màu đen tuyền.



Kỳ 4: Bí ẩn kho báu vua Hoàng Vần Thùng



Một truyền thuyết khác, cũng của người La Chí ở Bản Phùng (Hoàng Su Phì, Hà Giang) kể rằng, xưa kia, vua Hoàng Vần Thùng cai quản cả một vùng La Chí rộng lớn. Núi đất, ruộng bậc thang nhiều, trâu bò đông đúc, gà vịt chạy khắp ruộng, sông suối, thú hoang đầy trong rừng.



Người La Chí dưới thời trị vì vua Hoàng Vần Thùng rất giàu có, sung túc, no ấm, yên bình. Vua có 5 bà vợ cùng 5 người con trai thông minh, tài giỏi.



Dinh thự của ông được xây dựng bằng đá, có tường thành bảo vệ, nằm trên đỉnh núi Gia Long, là nơi cao nhất, là trung tâm của vương quốc La Chí, nơi ấy là chốn tiên cảnh.



Vua thường vui đùa với các tiên nữ từ trên trời xuống hạ giới chơi. Tuy nhiên, vua vẫn không quên 5 bà vợ của mình.



Ruộng bậc thang của người La Chí ở Bản Díu 

Bà vợ cả sống cùng vua ở dinh thự, còn vợ hai sống ở Bản Phùng, vợ ba ở Nàn Xỉn, vợ thứ tư ở Bản Díu, còn vợ thứ năm ở Bản Máy.



5 người con sống với 5 người mẹ và họ được vua giao cho cai quản vùng đất mình sống. Thỉnh thoảng vua lại đi thăm vợ và ngắm cảnh, vui thú. Mỗi bà vợ đều có dinh thự riêng và quản lý dân cư trong vùng.



Vua Hoàng Vần Thùng sống được 100 tuổi thì đổ bệnh. Bao nhiêu thuốc quý ở khắp nơi cúng tiến cũng không chữa được bệnh hiểm nghèo.



Biết mình không thể qua khỏi, vua gọi các con lại và dặn dò: “Ta có rất nhiều vàng bạc, của cải để trong kho. Ta muốn mang về thế giới bên kia tiêu xài, nên khi ta chết đi, các con phải đem kho báu chôn với ta, nhưng phải bí mật, không được để kẻ khác biết”.



Ban thờ vua Hoàng Vần Thùng ở Lủng Cẩu rất đơn sơ 

Khi vua Hoàng Vần Thùng tắt thở, 5 người con liền huy động tất cả quân lính đi đào huyệt chôn vua cùng của cải. Mọi việc diễn ra rất bí mật, không người dân nào biết.



Để của cải và thân thể vua an toàn, đám quân lính đã đào đắp hàng ngàn ngôi mộ, trên khắp bản làng La Chí, dọc núi Tây Côn Lĩnh. Như vậy, sẽ không ai biết đâu là mộ thực, đâu là mộ giả để đào trộm tài sản.



Sau khi chôn vua, đắp xong vô số mộ giả, 5 hoàng tử và quân lính kéo về dinh vua ăn nghỉ. Đồ ăn thức uống đã được 2 đầu bếp nấu sẵn, bày thành những bàn tiệc.



Đám quân lính và hoàng tử liền giết 2 người đầu bếp để không lộ thông tin ra ngoài. Tuy nhiên, ăn tiệc xong thì cả 5 hoàng tử và đám quân lính cũng lăn đùng ra chết vì trúng độc.



Câu chuyện này đều được người La Chí ở 4 xã kể như nhau, nhưng phần kết luận thì khác một chút.



Đầu lâu trâu trong nhà thờ vua Hoàng Vần Thùng 

Ở Bản Díu (Xín Mần) thì cho rằng, hai người đầu bếp của vua Hoàng Vần Thùng đã bỏ thuốc độc vào thức ăn, nhằm giết chết hoàng tử và đám lính để chiếm đoạt kho báu, vì họ biết nơi chôn giấu.



Còn hoàng tử và đám lính thì giết chết đầu bếp để giữ kín thông tin và sau này sẽ chiếm đoạt kho báu chia nhau.



Còn người La Chí ở Bản Phùng thì cho rằng, đây là âm mưu thâm độc của vua Hoàng Vần Thùng nhằm bảo vệ tài sản và nơi yên nghỉ của mình.



Trước khi chết, ông đã dặn đàn con và đám lính phải giết hết những người biết thông tin về việc chôn giấu kho báu, trong đó phải giết cả hai người đầu bếp. Mặt khác, ông lại dặn hai người đầu bếp phải đầu độc các con ông và lính tráng để thông tin về kho báu được bí mật.



Và như vậy, thông tin về mộ phần cũng như kho báu của ông vua Hoàng Vần Thùng bặt tăm kể từ khi ông mất.



Mộ giả vua Hoàng Vần Thùng có mặt khắp nơi trên sống núi Tây Côn Lĩnh 

Cũng có ý kiến của các cụ già La Chí cho rằng, không có vàng bạc, kho báu nào cả, chỉ đơn giản là vua không muốn cho con cháu đời sau biết nơi vua nằm để khai quật, nên trước khi chết, ông cho quân lính đắp thật nhiều mộ giả.



Ông chết đi rồi, quân lính đem chôn ở ngôi mộ nào đó thật bí mật, không ai biết đến. Tất cả những địa điểm ông từng ở, hiện tại đều có miếu thờ và vẫn còn vài ngôi mộ giả ở xung quanh.



Các cán bộ xã, các cụ già trong các bản làng của người La Chí đều không thể lý giải được vì sao những mô đất như những ngôi mộ này, qua mấy trăm năm mưa nắng mà không bị mài mòn. Trong khi, những nấm mộ của nhân dân ở cạnh, đắp lên, chỉ qua vài năm mưa nắng đã mòn vẹt, nếu không có những chiếc sọ trâu đánh dấu thì đã mất hút rồi.



Con cháu đời sau của người La Chí cũng bỏ công sức đào bới nhiều ngôi mộ nhưng không tìm thấy xác cũng như kho báu của vua Hoàng Vần Thùng.



Rất nhiều câu chuyện về những cái chết bất đắc kỳ tử khi xâm phạm nơi yên nghỉ của vị vua này.



Dấu tích công trình đền thờ vua Hoàng Vần Thùng bằng vật liệu giống như bê tông ở Bản Díu 

Ông Lù Thanh Phong, cán bộ xã Bản Díu kể rằng, năm 1960, có mấy người đào một ngôi mộ của vua Hoàng Vần Thùng thu được một số cổ vật, trong đó có hai chiếc trống đồng cực đẹp, màu đen tuyền, một chiếc trống đực và một chiếc trống cái.



Khi mấy người này đào lên, dân bản bắt được liền tịch thu đôi trống. Ông Phong bảo rằng, ông đã đi xem trống đồng trưng bày ở các bảo tàng dưới Hà Nội và thấy 2 chiếc trống này cũng lớn và đẹp tương tự. Hoa văn cũng có nhiều nét tương đồng, chỉ có điều nó được làm từ đồng đen (?!). Trong ngôi mộ đó không có quan quách hay hài cốt gì.



Người La Chí coi 2 chiếc trống đó như tài sản mà vua Hoàng Vần Thùng để lại. Không ai dám mang về mà đem giấu ở một chỗ bí mật trong khu dinh thự tàn tích của vua trên đỉnh núi Gia Long.



Cứ hàng năm, vào tháng 3 âm lịch, chọn ngày đẹp, dân bản lại khiêng đôi trống về miếu thờ và đánh lên báo hiệu con cháu La Chí tụ tập dự lễ cúng vua.



Tuy nhiên, đến năm 1973, cả nước sôi sục phong trào buôn bán cái gọi là đồng đen, nên bọn trộm đã lên núi lấy trộm đôi trống. Từ bấy, trong lễ hội không có tiếng trống đồng nữa.



Một số ngôi mộ được đồng bào đào lên cũng thu được cổ vật, nhưng chỉ là những thứ vặt vãnh như bát đĩa, bình gốm… Còn ngôi mộ với kho vàng thì vẫn bặt tăm.



Còn rất ít cổ vật trong đền thờ vua Hoàng Vần Thùng 

Ông Lù Thanh Phong kể, năm 1997, một đoàn nhà khoa học dưới Hà Nội lên ăn dầm ở dề trong các bản làng La Chí, thu thập thông tin về vị vua Hoàng Vần Thùng, nhưng rồi họ bảo với ông rằng, thông tin về vị vua này ít quá, chưa đủ cứ liệu để xây dựng thành đề tài khoa học.



Thế rồi họ bỏ về mà không thấy viết dòng nào về vị vua đầy ắp huyền thoại của người La Chí. Cũng sau đó hai năm, lại có một đoàn cán bộ trung ương lên khảo sát các địa điểm được coi là có liên quan đến ông vua này. Tuy nhiên, họ cũng phải bỏ về với lý do công tác sưu tầm quá khó khăn, cứ liệu không đủ.



Cho đến hiện nay, tại Thư viện Quốc Gia, mới có một tài liệu chính thức duy nhất nghiên cứu về người La Chí, đó là cuốn “Văn hóa truyền thống của người La Chí”, của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huy. Tuy nhiên, tài liệu không nhắc gì đến vị vua Hoàng Vần Thùng, một ông vua không biết có thật hay không, nhưng nó lặn sâu vào tiềm thức của 8.000 người La Chí sống trên mảnh đất biên cương Hà Giang này.



TS. Hoàng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Thông tin, cho biết, theo dự đoán của ông thì có thể đây không phải là một ông vua. Theo ông, nhiều khả năng ông chỉ là vị “vua” do nhân dân yêu mến mà tự phong. Còn thực tế, có thể ông ta là một vị quan lại, bị thất thế trong chiến tranh loạn lạc, đã dẫn theo bộ tộc của mình di cư xuống phía Nam khai phá.



Ông này được nhân dân kính trọng, nên khi ông chết họ coi như ông tổ, phong làm vua của bộ tộc mình.



Cũng như người Pu Péo, khi thất thế, một vị quan đã đưa dân Pu Péo di cư xuống phía Nam sinh sống, rồi xây dựng dinh thự hoành tráng, toàn bằng đá xanh tại Củng Chá.



35 năm trước, do nhận thức ấu trĩ, một số người đã phá nát dinh thự, lật cả móng nhà lên để tìm vàng. Tất nhiên, vàng chả thấy đâu, nhưng một di tích tuyệt vời đã biến thành phế tích.



Phần nhiều ý kiến cho rằng, ông vua Hoàng Vần Thùng có thể ông là một “ông quan”, đứng đầu của tộc người La Chí như “Vua Mông” Vương Chí Sình ở Đồng Văn, nhưng ảnh hưởng của ông không lớn, quyền lực chỉ dừng lại ở bộ tộc La Chí, và sự xa xôi cũng như thời gian hàng trăm năm đã khiến ông bị lãng quên.



Còn tiếp…



Dương Phạm

Nguồn:

Tin mới