Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cập nhật dịch cúm corona đến 30/1: 170 người chết

(VTC News) -

Số nạn nhân thiệt mạng vì bệnh viêm phổi cấp do chủng virus Corona mới ở tỉnh Hồ Bắc tăng thêm 38 người, lên 170 tính đến sáng 30/1

170 người chết

Theo Hệ thống giám sát dịch bệnh của Việt Nam (Bộ Y Tế), tính tới 8h ngày 30/1, tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (nCoV) trên thế giới có 7.809 người mắc.

Trong đó, Trung Quốc chiếm 7.714 người, 95 người nhiễm virus corona ngoài Trung Quốc. Tổng số người chết tăng lên 170 người (Trung Quốc).

Ngoài Trung Quốc Trên thế giới ghi nhận 19 quốc gia và vùng lãnh thổ có người bị nhiễm nCoV với 95 ca bệnh. Trong đó Thái Lan 14 trường hợp, Australia (5), Singapore (7), Hoa Kỳ (5), Nhật Bản (7), Malaysia (7), Hàn Quốc (4), Pháp (5), Việt Nam (2), Campuchia (1), Canada (2), Đức (4), Nepal (1), Sri Lanka (1), Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (4), Phần Lan (1) Hồng Kông (10), Macau (7), Đài Loan (8).

Các chính phủ nước ngoài đang cố gắng đưa công dân rời khỏi ổ dịch Vũ Hán trong bối cảnh số người chết tăng vọt và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bày tỏ "lo ngại sâu sắc" về tình trạng lây lan bệnh từ người sang người ở ba quốc gia khác ngoài Trung Quốc.

Trong khi đó, 16 chuyên gia y tế hàng đầu thế giới sẽ tiếp tục nhóm họp lần thứ 3 để quyết định có nên đưa ra cảnh báo khẩn cấp toàn cầu bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus corona mới gây ra hay không.

Biện pháp lạ ngăn virus corona

Virus corona lây nhiễm cho hàng nghìn người trên khắp Trung Quốc. Các ngôi làng được cho là một trong những mắt xích yếu nhất trong chuỗi phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán. Tuy nhiên, nhiều ngôi làng ở Trung Quốc đang áp dụng các biện pháp lạ lùng nhưng thông minh nhằm ngăn chặn phát tán virus corona.

"Dân làng, xin vui lòng đeo mặt nạ, rửa tay thường xuyên và tránh thực hiện những chuyến thăm năm mới, một cuộc gọi điện thoại là đủ!", thông điệp này được phát sóng ba lần mỗi ngày tại thôn Li thuộc huyện Gia Hương, phía Đông tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.

Đến thăm hàng xóm và người thân và chia sẻ lời chúc mừng năm mới là một truyền thống của người Trung Quốc. Phong tục này được duy trì mạnh mẽ hơn ở các vùng nông thôn Trung Quốc.

Tuy nhiên năm nay, dịch cúm corona bùng phát là lan nhanh đúng dịp Tết Nguyên đán.

Trưởng thôn Wei Deli cho biết để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, ông kêu gọi dân làng ở nhà và đưa ra sáng kiến chặn đường vào làng.

Người đàn ông khử trùng chiếc xe hơi để ngăn virus corona. (Ảnh: Xinhua)

Những chiếc xe được đậu ở các con đường khắp bốn ngả tiến vào thôn Li - nơi có số dân khoảng 2.000 người, trong khi hai đến bốn chức sắc trong thôn tuần tra liên tục quanh thôn.

Tại một con đường nơi chiếc ô tô không đủ lớn để choán hết lối vào thôn, một người dân thậm chí cho mượn xe chở xăng của gia đình.

"Dân làng đồng ý với các phương pháp này", Trưởng thôn Wei nói. "Phòng chống dịch bệnh là ưu tiên hàng đầu đối với mọi người".

Năm 2018, Trung Quốc, với khoảng 40% dân số sống ở khu vực nông thôn, có gần 700.000 ngôi thôn xóm. Các cơ sở y tế ở thôn xóm thường không tiên tiến như ở thành phố và khi những người lao động nhập cư trở về nhà trong Lễ hội mùa xuân, nguy cơ gây ra bởi dịch bệnh là rất cao.

"Hiện tại, việc phòng ngừa và kiểm soát tình trạng viêm phổi đang trong giai đoạn quan trọng", He Qinghua, một quan chức của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, cho biết. "Chúng tôi phải phát huy đầy đủ khả năng, huy động từ cấp cơ sở, cộng đồng, gồm cả cộng đồng nông thôn".

Các thôn xóm Trung Quốc do các ủy ban quản lý. Ủy ban này là một cơ quan tự trị chi phối tất cả các vấn đề công cộng của thôn xóm. Điều này cho phép nhiều phương pháp trực tiếp hơn để huy động và thông báo cho người dân địa phương.

Loa, được sử dụng để phổ biến thông tin ở các vùng nông thôn trong thời kỳ kinh tế tập thể trong những năm 1960 và 1970, đã có ích trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh virus corona.

Shi Xijun, Trưởng thôn Yao ở thành phố Thái An, tỉnh Sơn Đông, cho biết ông sử dụng loa để nhắc nhở dân làng về kế hoạch chẩn đoán và điều trị mới được công bố và nâng cao nhận thức về dịch bệnh.

Một con đường bị dân địa phương dựng rào cản nhằm ngăn chặn sự lây lan virus corona. (Ảnh: SCMP).

Nhiều phương pháp truyền thống này đã được lưu hành trực tuyến. Đoạn video cho thấy một trưởng thôn ở Bồ Châu, phía đông tỉnh An Huy của Trung Quốc sử dụng loa để nhắc nhở dân làng địa phương không thực hiện cho các chuyến thăm năm mới đã đạt được 1,59 triệu lượt xem.

"Các biện pháp có vẻ là lùng, nhưng thực chất, rất được quan tâm", một bình luận cho biết. Các biện pháp do các thôn xóm khởi xướng cũng đang là xu hướng trên trang tiểu blog Weibo của Trung Quốc, với hơn 500 triệu lượt xem.

Ngoài loa, các phương pháp thông thường khác cũng được sử dụng.

Tại làng Shibuzi thuộc huyện Linshu, tỉnh Sơn Đông, có bảy con đường trong và ngoài làng và rất khó để tuần tra suốt ngày đêm, vì vậy dân làng đề nghị sử dụng đá và cát để dựng lên một tấm chắn đường.

"Đây là tất cả những nỗ lực mà dân làng nông thôn đang thực hiện để chủ động phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh", Feng Zijian, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc cho biết. "Tôi tin rằng tất cả các biện pháp này giúp ngăn chặn sự truyền bệnh”.

Triều Tiên áp lệnh cách ly 1 tháng với khách nước ngoài từ Trung Quốc

Hôm qua (28/1), Đại sứ quán Nga tại Bình Nhưỡng cho biết, Triều Tiên sẽ áp đặt lệnh cách ly 1 tháng đối với tất cả khách nước ngoài đến từ Trung Quốc, trong nỗ lực nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus corona mới. 

Triều Tiên áp lệnh cách ly 1 tháng với khách nước ngoài từ Trung Quốc. (Ảnh minh họa: Reuters)

Cục Lễ tân của Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã ra thông cáo này cho Đại sứ quán Nga, trong đó lưu ý một số khách sạn ở Triều Tiên có thể là nơi cần cách ly, phụ thuộc vào khách nước ngoài đến lưu trú.

Biện pháp trên là nhằm bảo vệ nhân viên của các tổ chức quốc tế, phái bộ ngoại giao ở Triều Tiên cũng như nhằm ngăn ngừa dịch bệnh.

Triều Tiên chưa công khai số ca mắc chủng virus mới có nguồn gốc từ Trung Quốc. Mặc dù chưa có ca tử vong nào bên ngoài Trung Quốc nhưng dịch bệnh lây lan nhanh đã gây báo động trên toàn cầu và vẫn còn nhiều bí ẩn xung quanh chủng virus mới này.

Triều Tiên đã tăng cường các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của virus, trong đó hướng dẫn vệ sinh cho các cơ sở y tế, tăng cường sản xuất thuốc kháng virus và đẩy nhanh các biện pháp cách ly ở các vùng biên giới và tại các sân bay, cảng biển. Nhà chức trách Triều Tiên cũng cử các quan chức Bộ Y tế tới những khu vực dễ bị tổn thương và nhận diện bệnh nhân viêm phổi để xét nghiệm và cách ly nếu thấy cần thiết. Tuần trước Triều Tiên cũng thông báo cho 4 công ty lữ hành không nhận du khách nước ngoài.

Số ca nhiễm virus corona vượt đại dịch SARS

Theo Báo cáo của Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, tính đến hôm nay 29/1, tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (nCoV) trên thế giới có 6.058 người mắc.

Trong đó, Trung Quốc chiếm 5.974 người, 84 người nhiễm virus corona ngoài Trung Quốc. Tổng số người chết tăng lên 132 người (Trung Quốc). 

Các quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận có trường hợp nhiễm nCoV bao gồm: Thái Lan (14 trường hợp), Singapore (7), Mỹ (5), Nhật Bản (7), Malaysia  (4), Hàn Quốc (4), Pháp (4), Việt Nam (2), Campuchia  (1), Canada (2), Đức (4), Nepal  (1), Sri Lanka (1), Hồng Kông (8), Macau (7), Đài Loan (8).

Để giúp mọi người dân thuận tiện trong việc theo dõi tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona trên toàn thế giới, trường Y học thuộc Đại học Johns Hopkins (Mỹ) mở website cập nhật số liệu liên tục số liệu về dịch bệnh theo thời gian trong ngày.

Tại website này, người dân có thể nắm được thông tin về số ca nhiễm bệnh, lượng người chết, số ca mắc mới và số người hồi phục trên toàn thế giới.

Bản đồ trên website được phân chia theo từng khu vực, số liệu lấy từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) và mạng xã hội bác sĩ Dingxiangyuan của Trung Quốc.

Website cập nhật liên tục tình hình dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng virus mới corona (nCoV) trên toàn thế giới.

Những nơi nào đóng cửa biên giới với Trung Quốc vì dịch cúm corona?

Hôm 27/1, Mông Cổ quyết định đóng cửa biên giới với Trung Quốc, không cho phép ô tô và khách bộ hành qua biên giới trong bối cảnh dịch viêm phổi cấp tại Trung Quốc vẫn đang diễn biến khó lường. 

Tất cả các trường học và trường đại học sẽ tạm thời đóng cửa tới ngày 3/2. Lệnh này cũng được áp dụng với các địa điểm công cộng khác. Các hoạt động tập thể, thi đấu thể thao và ngay cả các hội nghị cũng tạm thời bị hủy.

Nhiều quốc gia áp dụng biện pháp mạnh để tránh lây lan dịch viêm phổi cấp. (Ảnh: WHO))

Cùng ngày, chính quyền Macau tuyên bố không tiếp nhận các du khách đến từ tỉnh Hồ Bắc hoặc những người đã đến tỉnh này trong vòng 14 ngày trước đó, trừ phi họ trình được giấy xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền, khẳng định họ không bị nhiễm virus corona. 

Đặc khu này trước đó ghi nhận 2 trường hợp nhiễm bệnh. 

Nối gót Macau, Hong Kong tuyên bố đóng cửa tạm thời nhiều cửa khẩu biên giới với đại lục. Thành phố này cũng hạn chế cấp thị thực cho các du khách tới đại lục và giảm một nửa số chuyến bay giữa 2 bên. 

Ba khu vực của Nga ở vùng Viễn Đông gồm tỉnh tự trị Do Thái, vùng Khabarovsk và Amur hôm 28/1 xác nhận đóng cửa biên giới với Trung Quốc cho đến hết ngày 7/2. 

Ở khu vực Đông Nam Á, chính phủ Malaysia hôm 27/1 ban hành lệnh cấm tạm thời với các công dân Trung Quốc tới từ Hồ Bắc, nơi bùng phát dịch viêm phổi cấp và các khu vực lận cận của tỉnh này.

Riêng khu vực Trung Á, Kazakhstan cuối tuần qua thông báo ngưng miễn thị thực 72 giờ đối với hành khách quá cảnh từ Trung Quốc. Đơn xin thị thực của các du khách Trung Quốc sẽ chỉ được chấp thuận nếu họ cung cấp giấy chứng nhận y tế.

Trong khi đó, Kyrgyzstan và Tajikistan đã đóng cửa biên giới đất liền của 2 nước này với Trung Quốc. Hầu hết các chuyến bay giữa thủ đô 2 nước này với thành phố Urumchi của Trung Quốc đã ngừng phục vụ chưa xác định thời gian nối lại. 

Triều Tiên là một trong những quốc gia đầu tiên đưa ra biện pháp mạnh để ngăn ngừa sự lây lan của virus corona. Trong tuyên bố đưa ra hôm 21/1, công ty lữ hành có trụ sở tại Trung Quốc Young Pioneer Tours cho biết Triều Tiên sẽ "đóng cửa biên giới với tất cả du khách nước ngoài để đề phòng virus corona" từ ngày 22/1. Thông báo không nêu rõ lệnh cấm sẽ có hiệu lực trong bao lâu. 

Bệnh viện dã chiến xây thần tốc thế nào?

Ngày 28/1, bệnh viện 1.000 giường chuyên điều trị virus corona tiếp nhận một loạt bệnh nhân lúc 22h 30 phút (giờ địa phương). Đây là bệnh viện được sửa sang từ một tòa nhà bỏ trống ở quận Hoàng Châu, Hoàng Cương, tỉnh Hồ Bắc – Trung Quốc. Công nhân và tình nguyện viên dành 2 ngày để thiết lập được bệnh viện dã chiến này.

Trong khi đó, 2 bệnh viện dã chiến khác với sức chứa nghìn giường bệnh chuyên điều trị bệnh cúm corona đang gấp rút hoàn thành, dự kiến đi vào sử dụng trong vài ngày tới ở Vũ Hán, tâm ổ dịch.

Đây là một trong các bước đối phó với tình trạng khẩn cấp y tế gia tăng khi số người chết và nhiễm bệnh do virus corona mới gây ra ở Trung Quốc tăng lên. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cảnh báo nước này đang đối mặt với "tình trạng nghiêm trọng".

Ngày 24/1, thành phố Vũ Hán, trung tâm bùng phát dịch viêm phổi do corona virus mới, thông báo đang xây dựng một bệnh viện có chỗ chứa cho 1.300 giường bệnh. Các hình ảnh của dự án này xuất hiện sau đó không lâu, cho thấy hàng trăm máy móc làm việc không ngừng nghỉ.

Hàng triệu người đang theo dõi hai bệnh viện dã chiến Trung Quốc được xây dựng.

Theo truyền thông Trung Quốc, bệnh viện này sẽ được sử dụng điều trị riêng cho các bệnh nhân nhiễm corona virus mới, đóng vai trò là một trung tâm cách ly, giải quyết tình trạng thiếu thốn tài nguyên y tế và tăng khả năng chăm sóc cho bệnh nhân.

Bệnh viện được mô phỏng theo hình mẫu bệnh viện Sars Xiaotangshan (Tiểu Thang Sơn) ở Bắc Kinh. Bệnh viện Sars cũng được xây dựng chỉ trong một tuần hồi năm 2003 trong đợt bùng phát dịch Sars, với các khối cách ly biệt lập nhìn giống như những hàng cabin nhỏ.

Bệnh viện coronavirus mới có thể được xây dựng từ các cấu trúc lắp ráp sẵn trước khi đưa đến công trường, hoặc cải tạo các container chở hàng.

Ông Yanzhoong Huang, nghiên cứu sinh y tế tại Hội đồng Quan hệ quốc tế, cho rằng Trung Quốc hoàn toàn có thể xây xong bệnh viện trong 6 ngày xét đến thành tích hoàn thành nhanh chóng các dự án hoành tráng trong quá khứ.

Năm 2015, các công nhân Trung Quốc dựng lên một tòa tháp cao 57 tầng chỉ trong 19 ngày, và năm 2018, một đoạn video của hãng tin Tân Hoa Xã cho thấy 1.500 công nhân đặt đường ray cho một nhà ga đường sắt mới ở đông nam Trung Quốc chỉ trong 9 giờ.

Toàn bộ nguồn lực được huy động

Bệnh viện được xây dựng cấp tốc cho dịch corona virus thành hình sau vài ngày. 

"Chúng tôi đã huy động tất cả các công nhân còn lại ở Vũ Hán để làm việc theo ca để đảm bảo xây dựng suốt ngày đêm", Zhang Chongxi, quản lý của nhóm xây dựng Vũ Hán cho biết.

Bệnh viện sẽ có sức chứa 1.000 giường trải rộng trên 25.000 mét vuông, Tân Hoa Xã cho biết.

Theo nhà phân tích Tom Howdy, hệ thống chính trị của Trung Quốc cho phép nước này có quá trình ra quyết định với quy mô và phạm vi lớn hơn để trong trường hợp khẩn cấp có thể phản ứng nhanh chóng như việc giải phóng mặt bằng và huy động các tài nguyên.

Ông Huang chỉ ra rằng Trung Quốc dựa vào phương pháp huy động từ trên xuống dưới với tất cả các nguồn lực, các kỹ sư sẽ được đưa đến từ khắp đất nước để hoàn thành việc xây dựng kịp thời.

"Công việc kỹ thuật là những gì Trung Quốc giỏi. Họ có hồ sơ xây dựng các tòa nhà chọc trời một cách thần tốc. Điều này rất khó để người phương Tây tưởng tượng được", ông nói thêm.

Về mặt vật tư y tế, Vũ Hán có thể lấy nguồn cung từ các bệnh viện khác hoặc có thể dễ dàng đặt mua chúng từ các nhà máy.

Video: Quá trình xây dựng bệnh viện Trung Quốc chống dịch cúm corona

Ý thức về nghĩa vụ cũng tạo áp lực để các công nhân làm việc nhanh hơn. Wu Zhizhen, một kĩ sư cho biết ông chỉ nghỉ ngơi 5 tiếng một ngày. “Là công dân Vũ Hán và là công nhân xây dựng, tôi có nghĩa vụ đóng góp tất cả những gì có thể. Chúng tôi phải hoàn thành công việc trước thời hạn” – ông nói.

“Chúng tôi không gặp vấn đề kỹ thuật, nhưng không có đủ thời gian để mua vật tư và trang thiết bị” – Zhou Pan, một quản lý ở công ty xây dựng Vũ Hán cho biết.

Máy móc xây dựng, bao gồm 35 máy đào và 10 máy ủi, đã đến công trường Vũ Hán vào tối thứ Năm (24/1). China State Engineering Engineering, một trong những công ty xây dựng bệnh viện, cho biết họ có hơn 100 công nhân trên công trường.

Sử dụng các cấu trúc nhà tạm thời không chỉ tạo điều kiện cho việc xây dựng nhanh chóng mà còn giảm chi phí.

Bệnh viện được đặt tên là Huoshenshan hay Hỏa Thần Sơn, có sự tham gia xây dựng của 4 công ty làm việc xuyên kỳ nghỉ Tết theo chỉ thị của chính phủ.

Ngoài ra bệnh viện thứ hai tương tự là Leishenshan, hay Lôi Thần Sơn cũng đang được xây dựng, cùng với hai dự án khẩn cấp khác ở các thành phố lân cận.

"Hình mẫu" bệnh viện Sars

Bệnh viện Sars với các phòng khám biệt lập nhau.

Năm 2003, Bệnh viện Xiaotanshan được xây dựng tại Bắc Kinh nhằm đáp ứng số lượng bệnh nhân có triệu chứng Sars. Nó được xây dựng trong bảy ngày, được cho là phá vỡ kỷ lục thế giới về việc xây dựng một bệnh viện nhanh nhất.

Khoảng 4.000 người để xây dựng bệnh viện, đã làm việc suốt ngày đêm để đáp ứng thời hạn, China.com.cn cho biết. Bên trong, nó có phòng chụp X-quang, phòng CT, phòng chăm sóc đặc biệt và phòng thí nghiệm. Mỗi đơn vị được trang bị phòng tắm riêng.

Trong vòng hai tháng, nó nhận một phần bảy số bệnh nhân Sars ở nước này và được truyền thông nước này ca ngợi là "phép màu trong lịch sử y học".

Tuy nhiên theo ông Huang, Theo ông Huang, bệnh viện đã "lặng lẽ bị bỏ hoang sau khi dịch bệnh kết thúc".

Theo WRCB, các bước xây dựng bệnh viện Xiaotangshan trong 7 ngày bao gồm:

1) Chọn một nơi phù hợp

2) Thiết kế bố trí và tìm công đoàn xây dựng

3) San lấp mặt bằng

4) Nước, điện và phương tiện truyền thông

5) Liệt kê các thiết bị cần thiết

6) Xây dựng các tòa nhà và phòng khám tạm thời

7) Hoàn thành việc mua sắm, vận chuyển, lắp đặt và kiểm tra tất cả các thiết bị

8) Nhân viên y tế vào bệnh viện

Corona có thể lây nhiễm từ người sang người?

Các nhà chức trách bang Bavaria của Đức thông báo hôm 28/1 về ca nhiễm virus corona đầu tiên tại nước này là một người đàn ông 33 tuổi sống tại Stockdorf, ông này chưa từng đến Vũ Hán. Bệnh nhân được cho là nhiễm virus corona từ một đồng nghiệp người Trung Quốc khi hai người gặp nhau tại Đức hôm 21/1.

Bệnh nhân người Đức đã nhập viện và bị cách ly sau khi được xét nghiệm dương tính với virus corona. Nhà chức trách Đức cho biết người đàn ông này đang trong trạng thái ổn định.

Trong khi đó, ca lây bệnh từ người sang người ngoài lãnh thổ Trung Quốc được ghi nhận tiếp theo là ở Nhật Bản. Đó là tài xế xe buýt du lịch Nhật Bản khoảng 60 tuổi, từng chở hai nhóm khách du lịch Trung Quốc từ Vũ Hán hồi đầu tháng này.

Ông được chẩn đoán viêm phổi vào cuối tuần trước, hiện đã phải nhập viện. Một người đàn ông khác - khoảng 40 tuổi, sống ở Vũ Hán, đã đến Nhật Bản vào ngày 20/1 cũng được xác nhận đã nhiễm virus, nâng tổng số ca bệnh được xác nhận tại Nhật Bản lên 6.

Mỹ cân nhắc lệnh hạn chế đi lại đến Trung Quốc

Lo ngại về sự lây lan của dịch viêm phổi cấp do nCoV trên toàn cầu, ngày 28/1, Nhà Trắng cho biết đang xem xét, làm việc với Giám đốc điều hành các hãng hàng không lớn của Mỹ về lệnh cấm tạm thời đối với các chuyến bay từ Trung Quốc

Nếu quyết định này được thực hiện, tất cả các chuyến bay đến và đi Trung Quốc, cũng như các sân bay trên khắp nước Mỹ đều sẽ bị ảnh hưởng.

Ngoài lệnh hạn chế chế di chuyển, Chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng đang xem xét nhiều biện pháp để ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm phổi này.

Dịch viêm phổi cấp do virus corona đến nay khiến 6.058 mắc bệnh, 132 người Trung Quốc thiệt mạng.

27 người nghi nhiễm nCoV đang chờ kết quả tại Việt Nam

Ngày 28/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành chỉ thị về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra; trong đó yêu cầu trước mắt thành lập Đội phản ứng nhanh, Bộ Y tế hàng ngày báo cáo Thủ tướng.

Nội dung chỉ thị nêu rõ, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc. Đến nay dịch bệnh đã lan rộng ra 30/31 tỉnh, thành phố của Trung Quốc và đã lây lan ra 18 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Để chủ động phòng chống dịch, Thủ tướng chỉ thị các Bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, không để dịch lây lan, phải coi việc phòng, chống dịch như “chống giặc”.

Ngay trong chiều 28/1, chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Bộ Y tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các bộ ngành, địa phương quán triệt tinh thần của Chính phủ, Thủ tướng: "Sẵn sàng trong mọi tình huống, nhất định không để dịch viêm hô hấp cấp do virus corona lây lan".

Báo cáo Phó Thủ tướng, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) ông Đặng Quang Tấn cho biết, hiện nước ta có 27 trường hợp nghi nhiễm virus corona đang chờ kết quả xét nghiệm. Trong đó, miền chủ yếu phân bố tại miền Bắc và miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên không có trường hợp nào.

Gấp rút chế tạo vaccine

Ngày 28/1 vừa qua, Giáo sư Yuen Kwok-yung tại Đại học Hong Kong cho biết, nhóm nghiên cứu của ông phát triển được vaccine chống virus corona đang gây bệnh viêm phổi cấp tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Theo ông Kwok-yung, vaccine được tách ra từ virus trong ca nhiễm đầu tiên tại Hong Kong. Tuy nhiên, sẽ phải mất vài tháng để vaccine có chể chính thức được sử dụng sau những thử nghiệm trên động vật và thử nghiệm lâm sàng trên người.

Theo các chuyên gia, nếu được thử nghiệm thành công, vaccine này có thể là câu trả lời cho bệnh dịch đã lây nhiễm cho hàng nghìn người trên toàn cầu và khiến hơn 130 người thiệt mạng ở Trung Quốc đại lục, chủ yếu là tại Vũ Hán.

Ngay sau công bố của các nhà khoa học Hong Kong, Các nhà khoa học của Viện Nhiễm trùng và miễn dịch Peter Doherty tại bang Queensland của Australia cũng công bố kết quả nghiên cứu mang tính đột phá trong cuộc chiến toàn cầu chống lại virus corona khi lần đầu tiên phát triển thành công phiên bản virus này trong phòng thí nghiệm.

Theo Tiến sĩ Julian Druce, kết quả nghiên cứu trên sẽ giúp phát triển một thử nghiệm để xác định người nhiễm virus khi chưa có bất kỳ triệu chứng nào. Từ đó, giúp các nhà khoa học đẩy nhanh tiến độ bào chế vaccine cũng như thuốc điều trị chống lại virus nguy hiểm này.

Các nước đang chạy đua với thời gian để chế tạo vaccine chống lại virus corona.

Phòng bệnh viêm phổi do virus corona thế nào?

Theo Bộ Y tế, viêm phổi do nCoV gây ra được chẩn đoán bằng kỹ thuật Real time RT - PCR với bệnh phẩm là dịch đường hô hấp, đờm, dịch nội khí quản được thu thập bằng tăm bông và bảo quản trong môi trường phù hợp.

Các trường hợp có thể hoặc khẳng định mắc virus corona cần phải báo cáo lên Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) hoặc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tại địa phương.

Tuy nhiên, để hạn chế lây nhiễm viêm phổi do coronavirus, công tác phòng bệnh vẫn được đặt lên hàng đầu. Do đó, để chủ động phòng chống bệnh viêm phổi cấp do chủng virus mới coronavirus tại thành phố Vũ Hán, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng thực hiện tốt các biện pháp sau:

- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.

- Giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi.

- Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.

- Hạn chế tiếp xúc gần với các trang trại nuôi động vật hoặc động vật hoang dã.

- Những người trở về từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hoặc có tiếp xúc gần với người mắc bệnh viêm phổi tại thành phố Vũ Hán trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.

Phạm Quý

Tin mới