Trước bối cảnh dịch bệnh COVID-19 trên cả nước nguy cơ bùng phát, nhiều tỉnh, thành phố ra quy định bắt buộc các trường hợp đến, trở về từ vùng dịch phải khai báo y tế và cách ly tại nhà 7-21 ngày, có giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2.
Hà Nội yêu cầu cách ly tại nhà 7 ngày
Chủ tịch Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu từ 17h ngày 7/7, tất cả người từ TP.HCM và các vùng dịch khác phải khai báo y tế bắt buộc, cách ly tại nhà 7 ngày (trừ trường hợp đi công tác công vụ trở về Hà Nội và tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch theo quy định của Bộ Y tế).
Ngoài ra, các trường hợp từ vùng dịch về phải tổ chức xét nghiệm 3 lần (vào ngày đầu tiên, ngày thứ 3 và ngày thứ 6 kể từ ngày đi từ vùng có dịch về), sau đó tự theo dõi sức khỏe tiếp trong vòng 7 ngày; nếu có dấu hiệu sốt, ho, đau họng, khó thở hoặc có biểu hiện mất vị giác phải thông báo ngay cho chính quyền cơ sở, cơ sở y tế nơi gần nhất để được hướng dẫn quản lý sức khỏe kịp thời.
CSGT Hà Nội kiểm tra công tác phòng chống dịch của các phương tiện ra vào thành phố.
TP Hà Nội cũng yêu cầu người dân hạn chế tối đa di chuyển đến các vùng dịch và TP.HCM. Trường hợp bắt buộc phải đến với mục đích công vụ, làm việc tại các cơ quan, tổ chức, khu công nghiệp có trụ sở tại TP.HCM và các vùng dịch khác phải được cấp thẩm quyền cho phép, phải thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch.
Người dân được yêu cầu không tụ tập quá 10 người ngoài trụ sở cơ quan, trường học, bệnh viện, nơi công cộng; các cơ sở dịch vụ, nhà hàng ăn uống trong nhà thực hiện nghiêm các quy định về đảm bảo an toàn phòng chống dịch và đóng cửa trước 21h hàng ngày.
Kể từ 0h00 ngày 8/7, Sở GTVT hà Nội yêu cầu tạm dừng hoạt động vận tải hành khách công cộng đường bộ từ Hà Nội đến 14 tỉnh (thành phố) và ngược lại, gồm: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa, Phú Yên, Đắk Lắk, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nam (trừ xe hợp đồng chở chuyên gia, cán bộ, công nhân viên, người lao động của các cơ quan, khu công nghiệp, khu chế xuất).
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội chỉ cho phép các phương tiện trên hoạt động trở lại nếu sau 14 ngày liên tiếp không ghi nhận ca bệnh COVID-19.
Cách ly tập trung 21 ngày
Tỉnh Thanh Hóa yêu cầu những người đi đến và trở về từ các điểm dịch, các khu phong tỏa, khu cách ly, giãn cách (theo bản đồ dịch tễ của Bộ Y tế công bố) phải cách ly tập trung ít nhất 21 ngày và theo dõi y tế tại nhà ít nhất 7 ngày.
Còn đối với những người đi, đến và trở về từ TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Phú Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, An Giang, Đà Nẵng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên (kể cả không liên quan đến các ổ dịch) phải thực hiện cách ly tại nhà tối thiểu 14 ngày, chịu sự giám sát của tổ giám sát cộng đồng và được điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm theo chỉ định của cơ quan y tế.
Các tỉnh Nghệ An, Vĩnh Phúc, Lâm Đồng, Quảng Nam, Bạc Liêu cũng yêu cầu cách ly 21 ngày, lấy mẫu xét nghiệm tối thiểu 3 lần đối với những người đi, đến và trở về từ các địa phương đang thực hiện cách ly y tế, cách ly xã hội.
Ngoài yêu cầu cách ly 21 ngày, các tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận, TP Đà Nẵng, TP Hải Phòng còn yêu cầu những người trở về từ các địa phương có dịch phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 và phải tự trả phí cách ly.
Điển hình như ở Hải Phòng, chính quyền thành phố yêu cầu các chốt kiểm soát cửa ngõ kể từ 12h ngày 8/7 chỉ cho phép những người có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 5 ngày mới được vào thành phố.
Những trường hợp không phải xuất trình giấy xét nghiệm khi vào TP Hải Phòng gồm: lái xe, phụ xe container, xe chở xăng dầu của các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa phận TP Hải Phòng chạy tuyến cố định; công nhân, người lao động ngoại tỉnh làm việc tại các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tại Hải Phòng có xe đưa đón hàng ngày của đơn vị.
Đồng thời, Thành phố áp dụng cách ly tập trung 21 ngày đối với tất cả những người về từ TP.HCM. UBND TP Hải Phòng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hạn chế tối đa việc cử cán bộ đi công tác tại các tỉnh phía Nam và vùng có dịch; quy định chặt chẽ việc khai báo y tế khi trở về từ vùng dịch, thông báo kịp thời đến chính quyền địa phương sở tại hoặc trạm y tế gần nhất để được quản lý, cách ly và xét nghiệm theo quy định.
Theo danh sách công bố của Bộ Y tế, hiện có 41 tỉnh, thành phố có khu vực phong tỏa và địa bàn ghi nhận ca bệnh là Hà Nam, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Lạng Sơn, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội, Hòa Bình, Phú Thọ, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Ngãi, TP.HCM, Đồng Nai, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Bình Dương, Long An, Tây Ninh, An Giang, Tiền Giang, Trà Vinh, Bắc Kạn, Phú Yên, Khánh Hòa, Đồng Tháp.
Tham khảo danh sách vùng dịch do Bộ Y tế công bố TẠI ĐÂY.