Việc xin cấp giấy đi đường theo mẫu mới đang trở thành nỗi lo lắng, bức xúc của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội. Trong khi giấy cũ đã hết hiệu lực thì giấy mới vẫn chưa được cấp do thủ tục rườm rà, thời gian gấp rút. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng hóa vì thế nguy cơ đình trệ, tắc nghẽn.
Một vòng luẩn quẩn
Chiều 7/9, chia sẻ với VTC News, bà N.T.T, đại diện một chuỗi thực phẩm lớn, cho biết, đến giờ vẫn “rối như tơ vò” trước tin phải làm giấy đi đường mới cho nhân viên.
Nhiều doanh nghiệp bị ách tắc, đình trệ hoạt động sản xuất, vận chuyển hàng hóa vì quy định cấp giấy đi đường mới của TP Hà Nội.
Theo bà T., ngay khi nhận được thông báo thay đổi giấy đi đường, doanh nghiệp đã lập tức liên hệ các sở ban ngành, công an phường để xem doanh nghiệp thuộc nhóm ngành nào và cơ quan chủ quản là ai; Nhân viên phục vụ, nhân viên giao hàng, người quản lý di chuyển từ địa bàn này sang địa bàn khác… sẽ phải cần giấy tờ gì.
Mặc dù kinh doanh hàng thiết yếu nhưng đến nay chuỗi cửa hàng thực phẩm này vẫn chưa xác định được chính xác doanh nghiệp thuộc nhóm ngành nào và các biểu mẫu thông tin sau khi làm xong sẽ phải gửi cho cơ quan nào phê duyệt.
Vì là hàng hóa thiết yếu nên ở công ty hiện tại có 4 nhóm nhân viên cần được cấp giấy phép, gồm: Nhóm nhân viên phục vụ tại cửa hàng, nhóm nhân viên giao hàng cho khách hàng, nhóm nhân viên điều chuyển hàng nội bộ và bảo trì bảo dưỡng máy móc và nhóm quản lý điều hành và nhóm hỗ trợ tại văn phòng.
Thêm nữa, doanh nghiệp cũng băn khoăn nhiều câu hỏi: Việc nhân viên bán hàng đi làm từ vùng này sang vùng kia có được phép không? Có cần phải khai báo cả biển số xe không? Và bao giờ thì được cấp giấy vì giấy cũ đã hết hạn.
Không có giấy thông hành khiến doanh nghiệp gặp hàng loạt khó khăn, trong đó có việc thuyết phục các nhà cung cấp giao hàng. Đặc thù hàng tươi sống (thịt, cá, rau, đậu..) nếu không giao được thì nhà cung cấp phải chịu rủi ro rất lớn. Hiện có khoảng 5-7% nhà cung cấp đã từ chối giao hàng luôn và đợi hướng dẫn cũng như xong thủ tục “giấy đi đường”.
“Với các siêu thị, thực phẩm sạch, chuỗi cung ứng như chúng tôi chỉ mong cơ quan ban ngành hỗ trợ tạo QR hoặc quản lý một lần vì thực tế dù có giãn cách thì doanh nghiệp vẫn phải cung ứng đủ hàng hoá thiết yếu cho người dân”, bà T. nói.
Vẫn theo bà T., hiện tại, tuân thủ chỉ đạo của TP.Hà Nội, doanh nghiệp đã sắp xếp tối đa nhân viên văn phòng làm việc ở nhà và thực hiện thông điệp 5K cũng như giãn cách khách hàng tại cửa hàng.
Trước đó, để giảm thiểu sự tập trung lượng khách tại cửa hàng, doanh nghiệp đã đẩy mạnh bán hàng trực tuyến qua các kênh Facebook, website, sàn thương mại điện tử và các ứng dụng gọi xe. Tuy nhiên, để đảm bảo phục vụ đủ nhu cầu thiết yếu của người dân thì việc vận hành chuỗi cung ứng từ nhà cung cấp đến cửa hàng đến người dân được xuyên suốt vẫn là điều quan trọng nhất.
Tương tự, anh N.V.G - phụ trách kinh doanh một doanh nghiệp chuyên về vật tư, thiết bị trường học - cũng đang rất mệt mỏi lo thủ tục cấp giấy đi đường cho nhân viên. Tháng trước, doanh nghiệp của anh đã phải chạy ngược chạy xuôi ra phường sở tại làm thủ tục, rồi ra các văn bản phân công nhiệm vụ, lịch trực, lịch làm việc… để đảm bảo đầy đủ thủ tục theo yêu cầu.
“Với quy định mới này, toàn bộ giấy tờ xin cấp phép, phê duyệt trước đó đều thành giấy vụn. Muốn có mẫu giấy đi đường mới cấp cho nhân viên sử dụng, ngay trong ngày chủ nhật, chúng tôi phải “vắt chân lên cổ” tìm hiểu thông tin để làm thủ tục mà đến chiều nay vẫn chưa nhận được giấy”, anh G. nói.
Bỏ cuộc vì “rừng” thủ tục
“Tôi không làm nữa vì nhiều thủ tục quá”, ông Đ.V.H., Giám đốc chuỗi thương hiệu Thực phẩm sạch Q.H, ngao ngán nói với VTC News trưa 7/9.
Ông H. cho biết, trước đó đã phải chạy đôn chạy đáo để làm giấy đi đường cho nhân viên và gặp nhiều khó khăn, phiền toái. Đơn cử khi mang hồ sơ ra UBND phường sở tại nơi doanh nghiệp đặt trụ sở xin giấy con dấu đi đường cho nhân viên giao hàng. Tuy nhiên, đại diện UBND phường giải thích chỉ cấp giấy đi đường từ nhà tới cơ quan làm việc, còn từ cơ quan đi giao hàng thì không. Khi gọi điện lên đường dân nóng của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thì không được giải đáp thoả đáng.
“Việc xin giấy lưu thông vận tải khó khăn khiến doanh nghiệp bị đóng băng từ nhiều tháng. Để duy trì, doanh nghiệp vẫn cố xoay xở, nhưng chi phí đội lên, người tiêu dùng và doanh nghiệp đều chịu thiệt”, ông H. cho hay.
Cùng chung hoàn cảnh, ông N.V.T., Giám đốc doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thiết bị điện trên địa bản quận Hoàng Mai, cho biết đang lo làm hồ sơ, thủ tục xin cấp giấy đi đường cho một số nhân viên trong công ty.
Qua tìm hiểu thông tin, ông T. liên hệ làm việc với công an phường sở tại để được hướng dẫn. Tuy vậy, trao đổi với anh T., cán bộ công an giải thích chỉ cấp giấy cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng thiết yếu. Những doanh nghiệp lĩnh vực khác, trong đó có ngành vật tư, thiết bị điện của anh do Sở Công Thương Hà Nội cấp.
“Văn phòng đại diện của công ty tôi ở quận Hoàng Mai, còn nhà máy sản xuất ở huyện Thanh Trì. Mấy hôm nay chúng tôi liên hệ với công an khu vực dưới đó cũng không có người nhấc máy. Hôm nay đã là chiều 7/9, chúng tôi chưa biết phải làm thế nào”, ông T. nói.