Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cao Dĩ Tường đột tử và góc khuất trong các buổi quay show về đêm ở Trung Quốc

Trong cuộc chiến cạnh tranh khốc liệt của thế giới chương trình thực tế, các yếu tố đảm bảo an toàn cho người chơi đều bị nhà đài bỏ qua.

Những năm trở lại đây chứng kiến sự bùng nổ của các chương trình truyền hình thực tế giải trí ở Trung Quốc với đa dạng nhiều thể loại để đáp ứng thị hiếu của công chúng. Sự mới lạ trong nội dung và cách dàn dựng thu hút một lượng lớn khán giả theo dõi và mang về cho nhà đài khoản tiền quảng cáo khổng lồ.

Không những vậy, cuộc đổ bộ rầm rộ của các show thực tế cũng góp phần tạo dựng danh tiếng, tiền bạc cho nhiều nghệ sĩ trong showbiz Hoa ngữ. Tuy nhiên, phía sau hậu trường lại là những sự thật mà không phải ai cũng biết.

Show thực tế trở thành cỗ máy kiếm tiền

Trái ngược với sự ảm đạm ở lĩnh vực phim ảnh, trong năm 2019, chương trình truyền hình thực tế ở Trung Quốc tiếp tục có một năm rực rỡ khi xuất hiện liên tục, dày đặc trên sóng truyền hình.

Theo Nhân dân Nhật báo, trong nửa đầu năm 2019 có 49 show truyền hình được sản xuất. Tính đến hết năm 2018, số lượng các chương trình thức tế tăng hơn 73% so với năm 2017.

Các show truyền hình ở Trung Quốc phát triển ồ ạt như "nấm mọc sau mưa" với đủ các thể loại từ năm 2013 cho đến nay.

QQ cho hay sự ra đời ồ ạt của các chương trình truyền hình thực tế xuất phát từ việc các công ty truyền thông chuyển hướng kinh doanh. Họ ngày càng ưu tiên đầu tư vào các show truyền hình giải trí, thay vì cấp vốn cho các bộ phim truyền hình, điện ảnh như trước đây.

Đại diện giấu tên của Jereh Group - công ty truyền thông chuyên sản xuất các show truyền hình cho biết xu thế hiện nay trong giới thương nghiệp tại Trung Quốc là đầu tư, sản xuất các chương trình tạp kỹ. Lý do là loại hình này có tính ưu việt và ít rủi ro trong việc thu hồi vốn hơn so với khi đầu tư vào phim điện ảnh hay truyền hình.

Nếu chu kỳ sản xuất một bộ phim thành phẩm phải tính bằng năm, thì các show thực tế mất khoảng 3 tháng là hoàn thành, có khi còn ngắn hơn. Không những vậy, quy trình kiểm duyệt rất dễ thông qua và thu hồi vốn cũng rất nhanh", đại diện Jereh Group nói.

Ngụy Bằng Cử - Viện trưởng Viện Kinh tế Văn hóa - Đại học Tài chính và Kinh tế Trung ương cho hay các công ty điện ảnh và truyền hình hiện nay đang đối mặt với thách thức về tính sáng tạo trong khâu kịch bản, vì nhiều thể loại phim ăn khách đều bị Cục “cấm vận”, hạn chế.

Chính vì vậy, các chương trình truyền hình thực tế vô hình trở thành miếng mồi ngon thu hút nhiều nhà đầu tư.

"Chase me" là phiên bản "anh em" của show truyền hình nổi tiếng "Keep Running" ("Running man" bản Trung).

Phim giảm bắt buộc nhà đài phải chuyển hướng sang một lĩnh vực khác ăn khách hơn để phục vụ khán giả. Hơn nữa, lợi nhuận thu được từ tiền bán quảng cáo cũng không phải là con số nhỏ. Cho nên, các show ăn khách đều được mạnh tay đầu tư thực hiện nhiều mùa hay ăn theo dưới dạng mô típ “rượu cũ bình mới”.

Theo Nhật báo Kinh doanh Bắc Kinh, chỉ tính riêng năm 2019, doanh thu quảng cáo của đài Hồ Nam đạt hơn 850 triệu USD. Trong khi đó, vào năm 2018, một show truyền hình thực tế giấu tên cũng từng nhận được gói tài trợ độc quyền 10 triệu USD đến từ thương hiệu nổi tiếng.

Quay đêm, bị coi thường tính mạng

Theo QQ, từ lâu việc quay hình với cường độ dày đặc vào lúc tối muộn trở thành tiêu chuẩn làm việc trong lĩnh vực truyền hình. Từ các nghệ sĩ dù nổi tiếng cho đến ít tên tuổi và những nhân viên trong ê kíp sản xuất đều phải chấp nhận việc này dù muốn hay không.

Ghi hình vào đêm khuya là chuẩn mực trong ngành. Nghệ sĩ hiện nay đều có lịch trình dày đặc vào buổi sáng sớm, cho nên đó là cách duy nhất để thực hiện tiết mục”, đại diện Jereh Group nói.

Phàm Lâm - nhân viên của một đài truyền hình cho hay: “Thông thường các show giải trí đều được ghi hình từ lúc tối muộn cho đến sáng hôm sau. Cũng có các chương trình được quay vào ban ngày, nhưng việc này chỉ dành cho các show thực tế cần phải lấy bối cảnh hiện trường, còn phần lớn các show quay trong nhà đều được thực hiện vào ban đêm. Dù biết rằng rất mệt mỏi và dằn vặt cơ thể, nhưng không thể không làm”.

Các show truyền hình Trung Quốc thời gian qua được quay vào lúc tối muộn để phù hợp với lịch trình dày đặc, chồng chéo của nghệ sĩ.

Không chỉ thời gian ghi hình bị đảo ngược từ ngày thành đêm, môi trường làm việc khắc nghiệt cũng là điều mà bất kỳ ai cũng phải cắn răng chịu đựng khi tham gia chương trình thực tế giải trí.

Ví dụ tiêu biểu nhất là Chase me, trong ngày xảy ra sự cố đáng tiếc của Cao Dĩ Tường, tiết mục được quay vào lúc nửa đêm khi nhiệt độ ngoài trời ở Ninh Ba ngày càng giảm sâu dưới 10 độ C và kèm theo mưa nhỏ.

Dù phải làm việc trái với nhịp độ sinh học của cơ thể trong môi trường khắc nghiệt, nhưng vấn đề an toàn lao động đối với các nghệ sĩ không được quan tâm đúng mức.

Bản hợp đồng sinh tử đài Chiết Giang ký với nghệ sĩ là minh chứng rõ nét cho thấy sự coi thường sức khỏe và tính mạng con người của nhà đài Trung Quốc.

Theo như các điều khoản được ghi trong hợp đồng, các ngôi sao tham gia tiết mục của đơn vị này đều được mua bảo hiểm, nhưng phải tự chịu trách nhiệm hoàn toàn về tính mạng, sức khỏe của bản thân, nếu có sự cố đáng tiếc xảy ra trong quá trình ghi hình.

Ngoài ra, các điều khoản liên quan an toàn lao động, điều trị y tế, kiểm tra sức khỏe trước và sau khi tham gia các chương trình có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe... đều không được phía nhà đài này đề cập đến trong hợp đồng.

Nhiều năm qua, có không ít các ngôi sao gặp tai nạn từ nặng đến nhẹ, thậm chí là bỏ mạng trên trường quay, song vấn đề này vẫn bị nhà sản xuất và dư luận ngó lơ, bất chấp lời cảnh báo từ truyền thông.

Năm 2017, nữ diễn viên Đài Loan Ngô Ánh Khiết (biệt danh: Quỷ Quỷ) bị chấn thương não sau khi bị ngã cắm đầu xuống đất trong show truyền hình "Happy Camp".

QQ cho biết không riêng gì nghệ sĩ, chính bản thân các nhân viên trong ngành, đặc biệt là nhân viên cấp thấp cũng rơi vào tình trạng tương tự. Một số nhà đài thậm chí còn từ chối mua bảo hiểm cho các thành viên không chính thức trong ê kíp sản xuất tiết kiệm chi phí.

Mai Hinh - thành viên trong ê kíp của một show truyền hình cho hay những người như cô tự gọi mình là “nhân viên di cư trên TV”, vất vả cực khổ cả ngày, nhưng cuối cùng vẫn chỉ là cát bụi.

Làm việc từ sáng đến tối ở phim trường với áp lực và cường độ cao, nhưng các gói bảo hiểm an sinh, y tế cơ bản cũng không được đơn vị chủ quản mua cho. Thu nhập trung bình hàng tháng của họ cũng chỉ có 400 USD. Nếu chẳng may bị tai nạn cũng phải tự bỏ tiền túi ra chữa trị.

Hồi chuông cảnh báo sau bi kịch của Cao Dĩ Tường

Việc các chương trình truyền hình thực tế ra đời ồ ạt dẫn đến cuộc đại chiến thu hút khán giả bằng nhiều chiêu trò của các nhà đài. Một số nhà sản xuất trong nỗ lực tìm kiếm sự mới mẻ nhằm thu hút người xem tạo nên một guồng xoáy với đủ mọi hỷ nộ ái ố hay tạo ra những thử thách kịch tính, nghẹt thở nhằm lôi kéo khán giả.

Tuy nhiên, trong nỗ lực đổi mới, có không ít chương trình bị tẩy chay, vì sự phản cảm. Chase me là một ví dụ điển hình. Tổ tiết mục của đài Chiết Giang bị chỉ trích dữ dội khi vẫn tiếp tục quay hình dù chứng kiến Cao Dĩ Tường ngã xuống ngay trước mắt, vì nghĩ điều này có thể tạo hiệu ứng chân thực cho show.

Survivor Games thậm chí còn bị Tổng cục Điện ảnh, Phát thanh và Truyền hình Trung Quốc (SARFT) đình chỉ quay chỉ sau một mùa. Chương trình bị khán giả phản ánh chứa nội dung tiêu cực, gây hoang mang, ám ảnh tâm lý sau khi phát sóng tập phim có cảnh bắt người chơi ăn giun đất còn sống.

Trương Quân Ninh bật khóc phải ăn giun đất còn sống trong một thử thách của "Survivor Games".

"Việc thị hiếu khán giả liên tục thay đổi buộc các nhà đài phải lao đầu vào cuộc đua đổi mới. Điều này vô tình làm các chương trình thực tế giải trí mất đi tính nhân văn. Bi kịch của Cao Dĩ Tường chính là hồi chuông thức tỉnh, nhắc nhở các nhà sản xuất dù làm bất kỳ tiết mục cũng phải tiên quyết đặt tính mạng, sức khỏe con người lên hàng đầu", Tân Hoa Xã cho hay.

Tờ này cũng chỉ ra so với Nhật Bản, Hàn Quốc, việc sản xuất các show truyền hình ở Trung Quốc hiện tụt hậu về mặt đảm bảo an toàn tính mạng cho các ngôi sao và ê-kíp chương trình. Tại các quốc gia tiên tiến, ở địa điểm ghi hình quy mô lớn và có một số lượng lớn người tham gia thì xe cứu thương và bác sĩ chuyên nghiệp là hai yếu tố bắt buộc phải có.

Đối với sự cố của Cao Dĩ Tường, nhiều người đặt câu hỏi tại sao chương trình vận động với cường độ cao như Chase me lại không có bác sĩ chuyên nghiệp, xe cứu thương hay AED (máy khử rung tim tự động) tại chỗ. Nhìn thẳng vào thực tế, đó không chỉ là sự thiếu sót cơ bản của nhà đài Chiết Giang mà còn là tình trạng chung của rất nhiều nhà đài khác ở Trung Quốc.

"Giá trị đích thực của chương trình thực tế là để giải trí. Vì vậy, trong quá trình sản xuất, nhà đài đừng vì rating, doanh thu quảng cáo mà bỏ qua các yếu tố an toàn và nhân văn", Tân Hoa Xã nhận định.

"Các nghệ sĩ cũng cần phải chú ý hơn đến sức khỏe của mình. Khi trạng thái cơ thể không tốt, bị hao tổn thể lực thì nên nghỉ ngơi, đừng lao đầu vào làm việc. Là nghệ sĩ ai cũng thích được công chúng ghi nhận công sức và cống hiến của mình, nhưng đến mức phải trả giá bằng mạng sống là điều không một khán giả nào muốn nhìn thấy", Tân Hoa Xã bình luận.

Nguồn: Zing News

Tin mới