Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cảnh sống 'khom lưng, cúi đầu' của 2 cha con trong căn nhà 2,5m2 ở phố cổ Hà Nội

(VTC News) -

30 năm qua, cha con ông Chu Văn Cao trú ngụ trong "căn nhà" rộng 2,5m2, cao chưa tới 1,4m ở phố Thuốc Bắc, nơi họ chỉ có thể ngồi ôm gối hoặc nằm nghiêng.

Video: Căn nhà tí hon có diện tích vỏn vẹn 2,5m2 ở phố Thuốc Bắc, Hà Nội.

Gọi là nhà những thực chất đây chỉ là căn gác xép nhỏ vốn được dùng làm kho chứa đồ, là một phần của ngôi nhà nằm trong con ngõ nhỏ ở phố Thuốc Bắc, quận Hoàn Kiếm.

Con ngõ sâu hun hút và rất hẹp, chỉ vừa một người đi; bên phải, bên trái, trên đầu đều bị "bủa vây" bởi các bức tường và trần nhà nên ánh sáng không thể chiếu vào, dù là ban ngày cũng tối tăm mù mịt, phải nhờ ánh điện mới có thể thấy đường.

Con ngõ sâu hun hút dẫn vào nhà ông Chu Văn Cao.

Lối đi rất hẹp, gần như chỉ đủ cho một người qua lại. 

"Căn nhà" của ông Cao có vị trí khá kỳ lạ. Nó nằm dựa vào tường giữa chiếu nghỉ cầu thang, chỗ dẫn lên một khu nhà khác. 

Tất cả mọi sinh hoạt của hai cha con ông Cao đều diễn ra ở căn phòng "hộp diêm" này.

 

Nói về nơi cha con mình trú ngụ 3 thập kỷ qua, ông Chu Văn Cao (76 tuổi) cho biết, hồi xưa ông ở phố Khâm Thiên, vì muốn thuận lợi cho công việc làm ăn nên đổi nhà cho chị gái lên phố Thuốc Bắc. Nhà ông khi đó có diện tích hơn 10m2, nằm ngay dưới tầng 1. Nơi ông ở hiện nay vốn chỉ là gác xép được dựng lên làm nơi chứa đồ.

Năm 1993, do làm ăn thua lỗ, ông phải bán căn nhà hơn 10 mét vuông ấy để trang trải nợ nần. Vợ bỏ đi, ông đứa cùng con trai 5 tuổi chuyển lên căn gác xép ở từ đó đến bây giờ.

Tuy là gác xép của nhà cũ nhưng căn phòng lại "nằm lơ lửng" ngay trên lối đi của con ngõ, đường duy nhất lên phòng là chiếc cầu thang sắt nối chung với một căn nhà khác ở tầng 2.

“Tổ ấm” của cha con ông Cao chỉ dài khoảng 2,5 mét, rộng 1 mét, cao 1,4 mét. Ở trong "cái hộp diêm" này, người trưởng thành chỉ có thể ngồi hoặc nằm, không thể đứng thẳng và đi lại bình thường.

Ai muốn di chuyển đều phải chú ý khom lưng, cúi đầu và thu mình hết mức mới không chạm vào trần nhà và đồ đạc xung quanh. Do phòng có bề ngang quá hẹp nên khi ngủ, hai cha con ông Cao luôn phải nằm nghiêng. Tuy nhiên, họ đều cảm thấy có một chỗ để ngủ, để sống là quá tốt rồi.

Trần nhà loang lổ những vết xi măng vừa trát lại. Toàn bộ gạch tường hai bên đã tróc lở, ngả màu, được "che giấu" bằng những mảnh giấy dán tường chắp vá. Sàn được lát bằng một tấm gỗ ép vừa khít với diện tích căn phòng. 

Căn phòng chỉ cao 1,4m nên ông Cao không thể đứng thẳng.

Mọi đồ dùng trong nhà đều phải được gói ghém gọn gàng.

Ở bức tường bên phải, chủ nhân treo vài bộ quần áo mặc hằng ngày. Ở kệ trên tường bên trái, ông xếp ngăn ngắn vài quyển sách và đồ dùng cá nhân. Phía cuối căn phòng có một chiếc tủ bằng nhôm màu trắng đựng những món đồ quan trọng. Do không gian quá chật chội nên ông Cao cố gắng sắp xếp mọi thứ rất ngăn nắp nhất có thể để tối ưu diện tích.

Nguồn sáng duy nhất trong căn phòng là chiếc đèn học cũ nhỏ xíu, phục vụ chiếu sáng và việc đọc sách báo.  Việc vệ sinh, tắm rửa của hai bố con được thực hiện ở khu vệ sinh công cộng. Điện và nước sinh hoạt thì hàng xóm cho dùng ké miễn phí, vì cũng chẳng tốn bao nhiêu.

Còn về chuyện ăn uống, từ hồi trẻ ông Cao đã có thói quen ăn cơm hàng vì "ngon hơn cơm nhà nhiều và đa dạng các món, mà không phải mất công nấu". Mấy chục năm nay, hai cha con không biết đến chuyện bếp núc khi nhà còn không đủ chỗ ngủ thẳng lưng. 

Thật may mà căn phòng tí hon này mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát. Ông Cao gọi nó là "phòng bảo ôn". 

Chiếc kệ tự chế để một vài đồ dùng cá nhân và sách báo.

Do diện tích phòng nhỏ nên đồ đạc của chủ nhà rất đơn sơ.

 

Ông Chu Văn Cao cho biết, hồi xưa ông từng là giáo viên cấp 2, dạy các môn khoa học tự nhiên, sau đó chuyển sang công việc lái xe. Do thời gian công tác chưa đủ nên ông không có lương hưu. Hiện tại dù tuổi cao, ông vẫn kiếm sống bằng cách ai thuê gì làm nấy, đủ tiền sinh hoạt mà không phụ thuộc vào con trai.

"Vì không có nhu cầu gì lớn, lại biết cách cân đối sinh hoạt nên cuộc sống hiện tại đối với tôi rất ổn", chủ nhân căn phòng 2,5m2 nói. Ông lão 76 tuổi này vẫn lạc quan dù sống trong cảnh thiếu thốn, chật chội.

Dù khách đến nhà đều cảm thấy bí bách, quá chật không thể sống được, nhưng ông lại thấy bình thường: "Ở phố cổ, tình trạng ở chật chội thế này là bình thường. Tất cả đều là thói quen, sống lâu năm rồi quen hết. Mọi người ở đây sống được thì mình cũng sống được".

Vì điều kiện vật chất không tốt, nhưng ông Cao luôn chú ý chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần. Ông duy trì thói quen tập thể dục mỗi ngày từ khi còn trẻ. Hồi còn khỏe, buổi sáng ông chạy 4 - 5 vòng hồ Gươm, giờ già rồi thì ngày nào cũng đi bộ 1 - 2 vòng hồ. Ông cảm thấy buổi sáng không ra bờ Hồ thì bí bách không chịu được, càng vận động nhiều càng thấy khỏe ra.

Ngoài thói quen thể dục, ông Cao vẫn ngày ngày đọc sách, cập nhật tin tức qua báo giấy. Chính những tờ báo giấy này là cây cầu giúp ông kết nối với cuộc sống bên ngoài khi tuổi đã cao, cũng chẳng còn nhiều người thân, bạn bè. 

"Từ bé, tôi đã lấy sách báo của bố để xem vì tò mò, rồi dần dần hình thành thói quen đọc sách báo. Mỗi sáng sớm, tôi đều ra sạp mua một tờ báo giấy khoảng 6.000 đồng. Đọc báo sẽ theo dõi tin tức được kỹ hơn, còn đài hay tivi chỉ nói qua là xong, không đọng lại được nhiều", ông Chu Căn Cao bộc bạch. Mặc dù tuổi cao, ông vẫn đọc được cả những dòng chữ nhỏ mà không cần phải đeo kính. 

Thói quen đọc báo được ông Cao duy trì từ bé.

Những tờ báo giấy như người bạn giúp ông kết nối với cuộc sống bên ngoài.

Thỉnh thoảng, ông Cao cũng được chính quyền hỗ trợ, nhưng ông lão không dựa dẫm vào đó vì cho rằng cuộc sống của mình thì mình phải tự lo: "Trợ cấp xã hội là chủ trương chính sách chung dành cho mọi người chứ không cho cá nhân tôi. Xã hội không phải là vú em cung cấp cho mình thường xuyên, nên mình phải tự lo liệu cuộc sống".

Người đàn ông 76 tuổi bày tỏ sự hài lòng về cuộc sống hiện tại: "Tuổi trẻ không phấn đấu được bằng bạn bằng bè thì hiện tại phải biết chấp nhận".

Căn nhà không một chiếc bàn, không một chiếc ghế, gần như không bao giờ có khách, còn chủ nhân của nó lúc nào cũng ngồi với tư thế ôm gối.

Kể về cậu con trai sinh năm 1988, ông Cao cho biết hiện anh làm thuê cho cửa hàng nhôm kính trong khu phố, thu nhập khoảng 6 - 7 triệu đồng/tháng, cũng đủ sinh hoạt. Ban ngày, anh sinh hoạt bên ngoài, tối mới về tắm giặt rồi ngủ ở đây, sáng hôm sau lại đi làm sớm. 

Không có mong ước gì cho bản thân, hiện tại ông Cao chỉ mong con trai chịu khó làm ăn để có điều kiện lấy vợ sinh con. Điều mà người cha này luôn canh cánh bên lòng là cuộc sống khó khăn, thiếu thốn là rào cản khiến con trai ông vẫn độc thân và chưa biết khi nào mới lập gia đình.

Nhật Thùy (Thiết kế: Huy Mạnh)

Tin mới