Nhằm phát triển cây cà phê theo hướng bền vững, HTX Thuận An (xã Thuận An, huyện Đăk Mil, Đăk Nông) đã đăng ký tham gia vào Hiệp hội Thương mại công bằng (Fairtrade) tập hợp những nông dân có tâm huyết với cây cà phê để sản xuất ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Hạt cà phê HTX Thuận An được dán tem truy xuất nguồn gốc, có đăng ký mã vùng trồng và đăng ký bảo hộ thương hiệu hàng hóa, sản phẩm…
Trồng cà phê khoa học
Sinh ra và lớn lên trên vùng cao nguyên Đăk Mil, ông Nguyễn Hữu Hạ, Giám đốc HTX nông nghiệp công bằng Thuận An từng chứng kiến cảnh bà con canh tác cà phê vất vả, nhưng đến vụ thu hoạch thường bị thương lái ép giá và chủ yếu bán nhân xanh.
Bên cạnh đó, vấn nạn cà phê tẩm hóa chất, pha trộn đang tràn lan trên thị trường còn cà phê sạch thì bị lép vế… đã thôi thúc ông làm một điều gì đó để lấy lại giá trị cho hạt cà phê Việt.
Theo ông Hạ, muốn có sản phẩm tốt thì nguyên liệu đầu vào phải tốt, cà phê ngon trước hết phải sạch. Ngay khi có ý tưởng, HTX Thuận An được thành lập theo dự án tài trợ của Quỹ viện trợ Ireland và Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) hỗ trợ từ năm 2012.
Cùng với đó năm 2013, HTX Thuận An trở thành HTX đầu tiên sản xuất cà phê Arabica theo phương thức Thương mại công bằng tại Việt Nam. Hiện nay, HTX đã bắt tay với 6 HTX cà phê khác trong mạng lưới khu vực cho các hộ sản xuất nhỏ để mở rộng thị trường.
Quả thật, tận mắt tham quan vườn của các thành viên HTX, phóng viên chúng tôi thấy những tán cà phê được cắt tỉa khoa học. Bên trong nhìn ra thì thoáng, mà bên ngoài nhìn vào lại dày đặc những cành mang nặng quả. Hơn nữa, việc cắt tỉa cành khoa học của bà con cũng đảm bảo năng suất cho mùa vụ năm sau.
Đặc biệt hơn, bên dưới lớp lá của mỗi gốc cà phê đều có một lớp mùn rất dày. Theo ông Hạ, lớp mùn này chứa rất nhiều vi sinh vật có lợi tạo sự phát triển cây cà phê, năng suất cao, tăng thu nhập cho gia đình.
Nhờ đó, sản phẩm cà phê cuối vụ của HTX được hệ thống Fair Trade thu mua, sơ chế cho các hộ thành viên (trung bình 8.000 đồng mỗi kg cà phê, cao hơn 10% so với giá thị trường) mang lại giá trị gia tăng 30 triệu đồng/ha.
“Không những thế, nhờ tham gia vào hệ thống Fairtrade nên những năm qua, HTX đã có thêm được nguồn thu từ Quỹ phúc lợi công bằng rất lớn, tương đương 440 USD/tấn, đem về cho thành viên HTX mức lợi nhuận 7,9 tỷ đồng. Với số tiền quỹ này, đã góp phần tăng thu ngân sách nhà nước cho HTX, mang lại nhiều lợi ích cho thành viên và cộng đồng”, ông Hạ cho biết thêm.
Ông Võ Lý, một thành viên của HTX chia sẻ: “Từ khi HTX liên kết sản xuất với doanh nghiệp, cà phê của gia đình luôn được bán cao hơn thị trường. Tôi được hướng dẫn, tập huấn việc sản xuất cà phê an toàn, tiết kiệm và chất lượng nhất. Nhờ thế mà những năm qua, gia đình tôi không còn lo tình trạng thất thường của giá cà phê”.
Đến nay, HTX có 112 thành viên, nhờ việc tổ chức sản xuất bài bản sản lượng cà phê trên diện tích 480ha của các thành viên luôn ổn định ở mức cao bình quân đạt 674 tấn/vụ, mang lại doanh thu từ 11-18 tỷ đồng/năm.
(Ảnh minh họa)
Đầu tư chế biến sâu
Nắm bắt nhu cầu thị trường, năm 2014, HTX đầu tư 1,5 tỷ đồng xây dựng nhà máy chế biến cà phê chất lượng cao. Thời gian qua, HTX tiếp tục đầu tư vốn vào nhà máy để phát triển chế biến sâu sản phẩm cà phê. Đồng thời, HTX sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, bón phân qua nước, chi phí đầu tư tiết kiệm nhưng năng suất vẫn đảm bảo.
Đây là vùng cà phê công nghệ cao đầu tiên ở Đắk Nông có liên kết chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo bước đột phá, nâng cao thu nhập cho người dân.
Để cho ra sản phẩm đạt chất lượng, thì khâu chế biến cực kỳ quan trọng, theo anh Thái Văn Tuấn, thành viên HTX cho biết: “Đến mùa thu hái, chúng tôi chỉ hái quả chín không hái quả xanh. Trong vòng 24h phải đem sơ chế, loại bỏ quả khô, quả một nhân, cho vào máy bóc vỏ thịt chỉ lấy nhân đưa ra phơi trên lưới hoặc giàn phơi, đạt độ ẩm mới đưa vào kho bảo quản”.
Khi đó, sử dụng phương pháp chế biến bán ướt, yêu cầu bắt buộc là thu hái quả chín tươi với tỷ lệ từ 90% trở lên. Bằng phương pháp này, các loại quả khô, hư sẽ nổi lên trên mặt nước, các loại quả xanh, chín sẽ do máy tự sàng lọc, như vậy sẽ giữ được hương vị tươi mới, đồng nhất, đầy đặn của cà phê.
Với vai trò “bà đỡ” của HTX, các thành viên và các hộ liên kết đã áp dụng các quy trình sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, RainForest, UTZ, hữu cơ… để nâng cao giá trị, đáp ứng thị trường; trong đó, sản phẩm cà phê bột Đắk Đam của HTX được xếp hạng sản phẩm OCOP Đắk Nông đợt I năm 2020, với tiêu chuẩn 4 sao.
Nhờ đầu tư vào chế biến sâu, sản phẩm bột cà phê Đăk Đam được đánh giá 4 sao OCOP của tỉnh.
Mới đây, cà phê Đắk Đam của HTX Thuận An là 1 trong 7 sản phẩm OCOP tham gia sàn thương mại điện tử OCOP quốc gia nằm trong chương trình hỗ trợ, kết nối nông sản do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông tổ chức.
Tính đến thời điểm này, HTX xuất khẩu được khoảng 200 tấn cà phê, doanh thu đạt 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay của HTX là nguồn lực để thu mua cà phê cho người dân. HTX có nguyện vọng được hỗ trợ vốn, sân phơi, nhà kính, kho bãi… để mở rộng quy mô sản xuất.
“Thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục xây dựng một số vườn cà phê làm mô hình trình diễn, đồng thời tìm đối tác đầu tư vật tư nông nghiệp với chất lượng tốt, giá rẻ để giảm chi phí cho thành viên; xây dựng trụ sở và nhà máy chế biến cà phê ướt, hướng tới sản xuất cà phê bột tại địa phương”, Giám đốc HTX Nguyễn Hữu Hạ cho biết.