Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cảnh báo dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội diễn biến phức tạp

(VTC News) -

Theo Cục Y tế dự phòng, số ca mắc sốt xuất huyết vẫn tăng cao do đang trong giai đoạn cao điểm mùa dịch, dự báo, tình hình dịch sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp.

Các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố Hà Nội tiếp nhận số trẻ em đến khám các triệu chứng đường hô hấp gia tăng trong những ngày qua. Theo báo cáo mới nhất của CDC Hà Nội về tình hình dịch bệnh truyền nhiễm, đặc biệt trong tuần qua, thành phố ghi nhận 1.034 ca mắc sốt xuất huyết mới.

Triệu chứng sốt xuất huyết không thể bỏ qua

Theo CDC Hà Nội, các bệnh nhân được ghi nhận tại toàn bộ 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn. Trong đó, số lượng bệnh nhân tập trung chủ yếu tại một số quận huyện như Đan Phượng (137), Thường Tín (78), Thanh Oai (70), Nam Từ Liêm (61).

Cộng dồn trong năm 2022, Hà Nội đã có 6.779 ca mắc sốt xuất huyết, 5 trường hợp tử vong. Số ca mắc tăng gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2021 (2.091 ca, không có trường hợp tử vong).

Bệnh nhân sốt xuất điều trị tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai.

Trong tuần, thành phố cũng ghi nhận thêm 48 ổ dịch sốt xuất huyết mới tại Thanh Oai (8), Thanh Trì (7), Hà Đông (5), Hoài Đức (4), Phúc Thọ (3), Bắc Từ Liêm (3), Tây Hồ (2), Thạch Thất (2), Đông Anh (2), Thanh Xuân (2), Đống Đa (2), Gia Lâm (1), Chương Mỹ (1), Đan Phượng (1), Sóc Sơn (1), Hai Bà Trưng (1), Thường Tín (1), Phú Xuyên (1), Mê Linh (1).

Cộng dồn trong năm 2022, Hà Nội đã ghi nhận 638 ổ dịch tại 30/30 quận, huyện. Thành phố còn 147 ổ dịch đang hoạt động tại 24 quận, huyện. Trong đó, một số ổ dịch đang hoạt động có số lượng bệnh nhân lớn là thôn Bùng, Phùng Xá, Thạch Thất (163), Ngọc Đình, Hồng Dương, Thanh Oai (45), Phượng Trì, thị trấn Phùng, Đan Phượng (41).

Theo các chuyên gia y tế, ở người khỏe mạnh, số lượng tiểu cầu trung bình trong máu từ 150 - 450 G/L. Với bệnh nhân sốt xuất huyết, nếu tiểu cầu dưới 50 G/L cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị. Hoặc trường hợp bệnh nhân có chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết ngoài da cũng như có hiện tượng cô đặc máu như chân tay lạnh, nôn mửa, đau bụng vùng gan… cũng cần đi khám ngay.

BSCKII Nguyễn Thị Thảo, Phó Trưởng khoa Bệnh máu lành tính, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, tiểu cầu là các tế bào máu rất nhỏ, được sinh ra từ tủy xương, có chức năng tham gia quá trình đông cầm máu bằng cách tạo các cục máu đông bịt các vết thương ở thành mạch máu.

Ngoài ra, tiểu cầu còn làm cho thành mạch mềm mại, dẻo dai nhờ chức năng tiểu cầu làm “trẻ hóa” tế bào nội mạc. Đời sống của tiểu cầu khoảng 7 – 10 ngày.

Tiểu cầu được coi là giảm khi số lượng tiểu cầu còn dưới 150 G/L bằng xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu (hay xét nghiệm công thức máu).

Nguyên nhân của tình trạng giảm tiểu cầu khi mắc sốt xuất huyết là do tủy xương (nơi sản xuất tiểu cầu) bị ức chế; các kháng thể được tạo ra trong giai đoạn người bệnh bị sốt xuất huyết đã phá hủy một lượng lớn tiểu cầu; tăng kết dính tiểu cầu với các tế bào nội mạch; tiểu cầu bị các tế bào thực bào phá hủy…

Số lượng tiểu cầu trong máu giảm sẽ gây tình trạng xuất huyết, máu khó đông, khả năng chống nhiễm trùng của người bệnh cũng giảm đi.

Cũng theo BS Nguyễn Thị Thảo, các biểu hiện đa dạng từ nhẹ đến nặng của giảm tiểu cầu, gồm: xuất huyết trên da, xuất huyết niêm mạc và xuất huyết nặng.

Trong đó, xuất huyết trên da là các chấm xuất huyết rải rác hoặc ở cẳng tay cẳng chân, nách, ngực, thắt lưng…

Xuất huyết niêm mạc là chảy máu chân răng, chảy máu mũi, nôn ra máu, đi ngoài có phân đen hoặc máu, đi tiểu ra máu. Ở nữ có thể có kinh nguyệt kéo dài hoặc đến sớm hơn kỳ hạn.

Xuất huyết nặng gồm: chảy máu mũi nặng; Ra máu âm đạo nặng; Xuất huyết trong cơ và phần mềm; Xuất huyết nội tạng, xuất huyết não; Xuất huyết kèm tình trạng sốc, vật vã, bứt rứt, tay chân lạnh, mạch nhanh, tiểu ít…; Suy hô hấp, suy tim, gan hoặc các cơ quan khác.

Nếu có các biểu hiện trên người bệnh cần mau chóng đến viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, trong tuần qua, cả nước ghi nhận 9.750 ca mắc sốt xuất huyết, một bệnh nhân qua đời tại Bình Dương.

So với tuần trước đó, số ca mắc mới đã giảm 13%, số bệnh nhân nhập viện cũng giảm 13,2%,

Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận tổng cộng 258.480 ca mắc sốt xuất huyết, 102 trường hợp không may qua đời. So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc đã tăng tới 4,8 lần, lượng người tử vong cũng tăng 81 trường hợp.

Dự báo dịch còn phức tạp

Theo nhận định của Cục Y tế Dự phòng, nhiều khả năng trong thời gian tới, tình hình dịch sốt xuất huyết tại Việt Nam sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong đó, số ca mắc cũng vẫn tăng ở mức cao do chúng ta đang trong cao điểm của mùa dịch hàng năm (từ tháng 7 đến tháng 11).

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt. Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.

Đồng thời tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Thiên Bình - Minh Khánh (VOV.VN)

Tin mới