Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cảnh 400 công nhân xử lý 5.000 tấn rác mỗi ngày ở Đa Phước

Chỉ 400 người, nhưng mỗi ngày phải xử lý đến 5.000 tấn rác, những công nhân ở Khu xử lý rác Đa Phước vẫn đang âm thầm làm sạch cho thành phố với hơn 10 triệu dân.

5.000 tấn rác mỗi ngày

Làm việc tại Khu xử lý rác Đa Phước (huyện Bình Chánh, TP.HCM) đã được 10 năm, mỗi ngày từ sáng sớm, ông Trương Văn Tài (ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM) và đồng nghiệp đã có mặt tại nơi làm việc để xử lý rác.

Theo ông Tài, những công nhân làm việc tại đây chủ yếu sinh sống cùng gia đình ở các huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Quận 7, quận 4 và 8 của TP.HCM. Nơi làm việc gần nhà, cộng với chính sách đãi ngộ tốt, lương cao đã giúp cuộc sống của họ tốt lên rất nhiều dù phải làm việc ở môi trường vất vả.

“Hàng ngày, bãi Đa Phước tiếp nhận hơn 5.000 tấn rác từ TP giao về. Từ sáng đến tối, chúng tôi phải dầm mình trong khối rác khổng lồ này để làm công việc xử lý tốt nhất. Ban giám đốc và người quản lý trong và ngoài nước cũng đặt văn phòng tại khu vực dự án và cách 50m từ nơi tập trung rác”, ông Tài cho biết.

Ông Trương Văn Tài chia sẻ với PV về công việc tại Đa Phước. 

Ông Kenvin Moore, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) chia sẻ, công tác xử lý rác tại đây không chỉ là đội ngũ công nhân viên và lao động mà còn có cả công nghệ, thiết bị, công thức để có thể thực hiện thật tốt trong mọi khâu.

Mỗi ngày bãi rác Đa Phước tiếp nhận trên 500 chuyến xe ra vào. Các xe này đều đi qua trạm cân trước khi vào bãi. Tại trạm cân, ngoài công nhân của bãi rác sẽ có đại diện của Sở TNMT TP.HCM cũng có mặt để kiểm tra, phối hợp xử lý rác.

Sau khi đi qua trạm cân, các xe rác sẽ chạy vào bãi để đổ rác trước khi trở lại khu vực trạm cân để phun chất xử lý.

Trên bãi rác, các công nhân sẽ phun xịt nhiều chế phẩm khử mùi, khử côn trùng. Một nhóm công nhân khác lái xe ủi san phẳng, đầm nén và che đậy, tách nước mưa, khống chế mùi hôi.

 Công nhân Đa Phước mỗi ngày đều ngâm mình trong núi rác thải khổng lồ.

“Sau tất cả các công đoạn xử lý ban đầu, một nhóm công nhân kéo bạt để phủ lên số rác vừa san phẳng và tiếp tục xử lý mùi, khử côn trùng, che đậy tách nước mưa. Việc ủ rác và xử lý mùi này kéo dài từ 3 – 15 ngày trước khi đổ các khối lượng rác khác. Trong thời gian đó, rác sẽ được đổ ở một khu vực khác và tiếp tục công tác ủi phẳng, xử lý mùi”, ông Kenvin Moore cho biết.

Cũng theo ông Kenvin Moore, các công nhân Đa Phước không cố định một vị trí làm việc mà có thể luân phiên thay đổi công việc để phù hợp với thể lực, sức khỏe mỗi người.

"Tôi chưa từng được đón Giao thừa"

Với khối lượng công việc khổng lồ như vậy, mỗi ngày ở Đa Phước thật sự như một đại công trường. Dù vậy, họ chưa bao giờ cảm thấy chán nản hay than phiền vì đối với họ, công việc tại đây không chỉ là kế mưu sinh, mà đó là trách nhiệm với 10 triệu dân thành phố. 

“Công việc của chúng tôi mỗi ngày là dầm mình trong rác để vận hành xử lý khối lượng rác khổng lồ, không kể ngày đêm, lễ tết, thời tiết.

Các công nhân kéo bạt phủ lên rác sau khi đã được đầm nén. 

Có lúc giông gió bão bùng, đặc biệt là vào ban đêm lạnh run cả người và có lúc mưa giông thật lớn nhưng chúng tôi vẫn luôn cố gắng vận hành tốt, làm tốt công việc của mình”, ông Tài nói.

Một công nhân khác là ông Nguyễn Văn Năm tâm sự, công việc tại đây rất khó khăn, vất vả, dầm mưa dãi nắng, không được nghỉ cả lễ tết. Từ lúc làm việc tại đây, ông Năm chưa từng đón giao thừa cùng gia đình.

 Tiếp đó, họ sẽ buộc các múi bạt lại với nhau để tránh việc bốc mùi.

“Nếu chúng tôi nghỉ mấy ngày Tết thì rác của TP để ở đâu. Nhưng bù lại, công ty có nhiều chính sách ưu đãi cho công nhân như lương tháng cao, thưởng hằng năm. Lãnh đạo công ty còn tổ chức tết thiếu nhi cho cháu tôi, tặng tập sách vở, cặp táp và xe đạp cho cháu. Công ty còn lo chăm sóc sức khỏe cho tôi bằng việc khám sức khỏe định kỳ hằng năm. Tất cả mọi chế độ đãi ngộ rất tốt”, ông Năm chia sẻ.

Theo ông Tài, ông Năm, nếu không có Đa Phước, thì số lượng rác khổng lồ mỗi ngày từ 10 triệu dân TP không biết sẽ đi đâu, về đâu. 

 Phun chế phẩm xử mùi lên bãi rác.

“Mặc dù công nhân chúng tôi rất vất vả trong việc xử lý rác thải để bảo vệ môi trường cho hơn 10 triệu dân của TP, nhưng chúng tôi không buồn mà buồn vì không được hiểu đúng. 

Như việc công ty bị cho là phát tán mùi hôi. Nếu phát tán mùi hôi thì công nhân làm việc trực tiếp như tôi đã bị bệnh rồi, chứ không khỏe mạnh như vậy. Chúng tôi rất mong nhận được ghi nhận xứng đáng với công sức đã bỏ ra. Chúng tôi cần có sự đồng cảm để tinh thần được thoải mái và yên vui cùng gia đình sau một ngày làm việc mệt nhọc”, ông Tài tâm sự.

Nhật Linh

Tin mới