"Chúng tôi hình dung một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở rộng, kết nối, thịnh vượng, kiên cường và an ninh. Và chúng tôi sẵn sàng làm việc cùng với mỗi người trong các bạn để đạt được điều đó". Đó là phát biểu của Tổng thống Joe Biden tại hội nghị cấp cao Đông Á hồi tháng 10/2021, được trích dẫn trong đoạn mở đầu văn bản chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Mỹ công bố hôm 11/2.
Mỹ công bố chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương khi căng thẳng đang lên cao tại biên giới Nga – Ukraine. Các nước phương Tây liên tục cảnh báo về việc Nga đang điều động binh lực và có khả năng tấn công Ukraine, nhưng Moskva phủ nhận. Trên bàn đàm phán, hàng loạt nỗ lực ngoại giao diễn ra song chưa có kết quả liên quan đến đề xuất an ninh của Nga với phương Tây về việc NATO không mở rộng về phía Đông.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken có chuyến công du đến Australia, Fiji, Hawaii từ 7-13/2, "để tham gia với các đồng minh và đối tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm thúc đẩy hòa bình, khả năng phục hồi và thịnh vượng trên toàn khu vực, chứng minh rằng các quan hệ đối tác này mang lại hiệu quả".
(Ảnh minh họa)
Khủng hoảng Ukraine ảnh hưởng đến chiến lược của Mỹ?
Trả lời họp báo qua điện thoại sáng 17/2 về tác động của tình hình Ukraine tới chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Đông Á và Thái Bình Dương - ông Daniel Kritenbrink nhận định tình hình thể hiện “những nguy cơ cao”, song Mỹ tự tin rằng chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của nước này sẽ được ủng hộ.
Nhà ngoại giao Mỹ nhấn mạnh: “Chúng tôi có một tầm nhìn khác về thế giới. Chúng tôi ủng hộ một thế giới và một tầm nhìn dựa vào việc giải quyết vấn đề và đổi mới, chứ không phải ép buộc và gây hấn, nhấn mạnh các khu vực ảnh hưởng tự do và rộng mở. Điều này bắt đầu với các nguyên tắc cơ bản mà tất cả các quốc gia có thể ủng hộ, về chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và giải quyết hòa bình các tranh chấp”.
Bloomberg trước đó dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết tài liệu mới không nên được coi là chiến lược đối phó Trung Quốc của chính quyền Biden, mặc dù các mục tiêu của nó nhắm vào ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực.
“Những nỗ lực tập thể của chúng ta trong thập kỷ tới sẽ quyết định liệu Trung Quốc có thành công trong chuyển đổi các quy tắc và chuẩn mực, mang lại lợi ích cho Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và thế giới hay không", tài liệu khẳng định.
Ngoại trưởng Mỹ Blinken đến Australia hôm 9/2. (Ảnh: Ron Przysucha/Bộ Ngoại giao Mỹ)
Tuần duyên Mỹ tiếp tục hợp tác với các nước trong khu vực
Cũng trong cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến khả năng tuần duyên Mỹ tiếp tục giao thêm tàu cho cảnh sát biển Việt Nam trong tương lai, ông Kritenbrink cho biết các hoạt động của Mỹ nhằm hỗ trợ tăng cường khả năng hàng hải của lực lượng đối tác trong khu vực đang và sẽ tiếp tục được thực hiện, không chỉ với Việt Nam mà cả các nước như Indonesia, Malaysia, Philippines,... Các hoạt động này bao gồm hỗ trợ lực lượng tuần duyên các nước, cung cấp các thiết bị và vật tư như tàu cảnh sát biển.
“Chúng tôi tin rằng bằng cách hỗ trợ các quốc gia xây dựng năng lực hàng hải, bao gồm cả nhận thức về các vấn đề hàng hải của họ, chúng tôi có thể đóng góp vào hòa bình và ổn định trong khu vực”, ông Kritenbrink nói.
Tăng cường sự hiện diện của tuần duyên Mỹ và mở rộng hợp tác chống lại các mối đe dọa xuyên quốc gia là một nội dung trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mà Mỹ mới công bố. Một số vấn đề cùng được đề cập bao gồm ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố, thảm họa tự nhiên, buôn lậu,...
Tuần duyên Mỹ đã giao 2 tàu lớp Hamilton cho cảnh sát biển Việt Nam vào năm 2021 và 2017.