"Việt Nam luôn mong muốn hai nước giải quyết bất đồng thông qua đối thoại trên cơ sở tôn trọng, hợp tác và hiểu biết lẫn nhau, góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới", Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng trả lời câu hỏi của phóng viên trong buổi họp báo thường kỳ về khả năng căng thẳng gần đây giữa Trung Quốc và Australia có thể ảnh hưởng đến quá trình thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) mới được ký kết ngày 15/11.
(Ảnh: VNA)
RCEP với sự tham gia của 15 thành viên được ký kết ngày 15/11 sau 8 năm đàm phán, trong đó bao gồm 10 quốc gia thành viên của ASEAN và 6 đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand. Lễ ký kết diễn ra cùng với Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 và các Hội nghị Cấp cao liên quan.
Một loạt căng thẳng về quốc phòng, thương mại và chính sách đối ngoại đang đẩy quan hệ Trung Quốc - Australia đến điểm thấp nhất trong nhiều thập kỷ
Mối quan hệ song phương trở nên tồi tệ hơn trong năm nay khi Australia kêu gọi điều tra về nguồn gốc của đại dịch COVID-19, được phát hiện lần đầu tiên ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc. Bắc Kinh đã phản ứng rất giận dữ và cảnh báo tẩy chay hàng hóa của Australia. Kể từ đó, Trung Quốc đã giáng một loạt đòn vào thương mại, với mọi thứ từ lúa mạch đến gỗ và tôm hùm đá đều bị trừng phạt.
Bắc Kinh cũng tỏ ra tức giận trước những lời chỉ trích của Canberra nhằm vào các bước đi của Trung Quốc trong các vấn đề Hong Kong, Tân Cương, Đài Loan và Biển Đông.
Căng thẳng giữa Trung Quốc và Australia còn khởi phát từ việc Canberra tham gia vào nhóm “Bộ tứ” - QUAD, liên minh an ninh có cả Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản. Liên minh này liên tục thực hiện các cuộc tập trận ở Biển Đông, điều mà Trung Quốc cho là thách thức chủ quyền của mình. Bắc Kinh đã gọi liên minh này là nỗ lực do Washington dẫn đầu nhằm tạo ra một “NATO phiên bản châu Á”.
.