Trong khi ngành y tế TP.HCM đang tìm các phương án giải quyết thì các chuyên gia y tế cho rằng, có thể thực hiện ngay việc thay thế vaccine khác để tiêm mũi 2 cho người dân nhằm tăng độ bao phủ vaccine, sớm đạt hiệu quả bảo vệ tốt nhất.
Lo lắng vì chưa được tiêm mũi 2
Sáng 5/9, chị Nguyễn Thủy (38 tuổi, ngụ quận Tân Bình) gọi điện đến Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM để hỏi về lịch tiêm vaccine Moderna mũi 2 cho bố mẹ của mình nhưng câu trả lời chị nhận được là bệnh viện đã hết vaccine và chưa biết bao giờ có lại. "Bố mẹ tôi tiêm vaccine mũi 1 vào ngày 7/8 và theo lịch thì vài ngày nữa sẽ phải tiêm mũi 2 theo khuyến cáo nhưng giờ được thông báo như vậy thì rất lo lắng bởi chưa biết đến bao giờ mới được tiêm mũi 2", chị Thủy chia sẻ.
Tương tự, được tiêm mũi 1 vaccine Moderna tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh từ ngày 30/7 nhưng đến nay vợ chồng ông bà N.T.T và N.T.H (cùng 65 tuổi, ngụ thành phố Thủ Đức) cũng chưa được tiêm mũi 2. Liên lạc với bệnh viện, vợ chồng ông bà nhận được thông tin hết vaccine và chờ sự phân bổ từ Sở Y tế. "Do cả hai vợ chồng tôi đều có bệnh nền nên được ưu tiên tiêm vaccine Moderna, theo khuyến cáo thì 1 tháng sau chúng tôi phải tiêm mũi 2 nhưng giờ đã quá hạn mà vaccine lại không có, không biết có ảnh hưởng gì không", bà T. băn khoăn.
Vaccine Moderna. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Thực tế, những ngày qua, nhiều người dân tại TP.HCM khá lo lắng trước thông tin hết vaccine Moderna. Theo Sở Y tế TP.HCM, tính đến nay Thành phố đã nhận được 10.349.200 liều vaccine do Bộ Y tế phân bổ. Trong đó, có 4.456.490 liều vaccine AstraZeneca, 571.200 liều vaccine Moderna, 312.510 liều vaccine Pfizer và 5.009.000 liều vaccine Vero Cell. Riêng với vaccine Moderna, toàn Thành phố đã tiêm 518.821 liều mũi 1 và 53.990 liều mũi 2. Như vậy, số người chưa tiêm mũi 2 vaccine Moderna lên đến trên 45.000 người.
Tại cuộc họp báo thông tin về tình hình phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn Thành phố ngày 4/9, bác sỹ Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết, đến nay Thành phố vẫn chưa nhận được thêm vaccine Moderna từ Bộ Y tế để tiêm mũi 2 cho người dân. Trong tình hình này, ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đang tính các giải pháp thay thế, phù hợp nguyên tắc về khoa học và chuyên môn.
Về vấn đề cung ứng vaccine, lãnh đạo TP.HCM nhiều lần khẳng định, Thành phố sẽ nỗ lực tìm kiếm nguồn vaccine để tiêm cho người dân một cách nhanh nhất.
Nên nghĩ đến việc thay thế vaccine khác
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, những người đã tiêm mũi 1 vaccine nào thì tốt nhất tiêm mũi 2 bằng vaccine đó. Trong trường hợp nguồn vaccine hạn chế, có thể phối hợp bằng mũi 1 tiêm vaccine AstraZeneca và mũi 2 bằng vaccine Pfizer nếu người được tiêm chủng đồng ý. Khoảng cách giữa hai mũi tiêm tốt nhất là 8-12 tuần. Không sử dụng vaccine do Moderna sản xuất hoặc các loại vaccine khác để tiêm mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 bằng vaccine AstraZeneca.
Riêng những người đã tiêm vaccine Vero Cell, Pfizer, Moderna, SputnikV mũi thứ 1 thì mũi thứ 2 chỉ tiêm vaccine cùng loại. Khoảng cách giữa hai mũi theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Tuy nhiên, bác sỹ Trương Hữu Khanh, chuyên gia bệnh truyền nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho rằng, trong bối cảnh khan hiếm vaccine hiện nay, có thể nghĩ đến việc sử dụng vaccine khác tiêm mũi 2 mà không nhất thiết phải tiêm vaccine cùng loại.
Cụ thể, bác sỹ Khanh kiến nghị nên dùng vaccine Pfizer để tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 bằng vaccine Moderna hoặc mũi 1 tiêm AstraZeneca, mũi 2 tiêm trộn Pfizer/Moderna. "Nhiều nước trên thế giới đã phối trộn như vậy và không có vấn đề gì xảy ra cả, hiệu quả bảo vệ vẫn tốt. Vấn đề là chúng ta phải làm sao tạo điều kiện để người dân được tiêm vaccine nhanh nhất, tạo hiệu quả bảo vệ tối ưu nhất", bác sỹ Khanh nhìn nhận.
Ủng hộ quan điểm này, Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Huy Luân, Trưởng Đơn vị tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cũng nêu ý kiến, trong điều kiện chưa thể cung ứng vaccine Moderna ngay, ngành Y tế có thể cân nhắc việc tiêm mũi 2 bằng vaccine Pfizer cho những người đã tiêm mũi 1 bằng vaccine Moderna.
Theo bác sỹ Luân, thực tế ở các nước châu Âu cũng đã áp dụng tiêm mũi 1 Moderna, mũi 2 Pfizer cho người dân và bước đầu cho thấy có những hiệu quả khả quan, đặc biệt ở nhóm người trên 65 tuổi có nhiều bệnh nền.
Trang tin về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của Bộ Y tế cũng đăng tải bài viết của Giáo sư, Tiến sỹ, bác sỹ Đinh Xuân Anh Tuấn, Chuyên gia đầu ngành lĩnh vực Hô hấp tại Pháp và châu Âu - Trưởng khoa Thăm dò chức năng Hô hấp tại Bệnh viện Cochin Paris, Pháp - Thành viên Ủy ban Phòng chống dịch - Hội chứng COVID mãn tính của Hội Hô hấp châu Âu.
Theo Giáo sư Đinh Xuân Anh Tuấn, kết quả nghiên cứu của nhóm bác sỹ Tina Schmidt và cộng sự từ Đại học Saarland tại Thành phố Homburg, Đức cho thấy, việc miễn dịch tế bào đã được kích hoạt một cách tương đối hiệu quả ở những người tiêm trộn vaccine so với những người tiêm chuẩn. Từ đó, Giáo sư Đinh Xuân Anh Tuấn tạm kết luận, việc tiêm trộn AstraZeneca và Pfizer hoặc AstraZeneca và Moderna công hiệu bằng tiêm hai liều với cùng một loại thuốc.
Ngoài việc phối trộn các loại vaccine, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đưa ra khuyến cáo, dù nhà sản xuất đưa ra khuyến nghị lịch tiêm 2 liều cách nhau 28 ngày đối với vaccine Moderna nhưng nếu cần khoảng cách giữa các liều có thể kéo dài tới 42 ngày. Đặc biệt ở một số nước có tỷ lệ mắc COVID-19 cao và thiếu hụt trầm trọng cung ứng vaccine có thể cân nhắc trì hoãn liều 2 tới 12 tuần để sớm đạt tỷ lệ bao phủ tiêm mũi 1 ở các nhóm ưu tiên.